TP.HCM: Từ 13/12 học sinh trung học sẽ học trực tiếp thế nào?
Sẽ mở rộng dần việc học trực tiếp
Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn giáo dục trung học “” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm học 2021-2022.
Theo đó, Các trung học thực hiện dạy học trực tiếp từ ngày 13 đến ngày 25 tháng 12 năm 2021 cho tất cả học sinh lớp 9 và 12.
Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Thạnh An (huyện Cần Giờ) dạy học trực tiếp ở tất cả các khối lớp từ ngày 13 tháng 12 năm 2021.
Đồng thời tiếp tục mở rộng dần việc dạy học trực tiếp các khối lớp còn lại từ ngày 3 tháng 01 năm 2022.
Đối với chương trình tiếng Anh tích hợp thực hiện đến 3 tháng 01 năm 2022.
Học trực tiếp và học trực tuyến linh hoạt theo cấp độ dịch
Về việc triển khai , Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM hướng dẫn các cơ sở giáo dục có cấp học trung học phổ thông hoạt động theo cấp độ dịch của Thành phố Hồ Chí Minh; Các cơ sở giáo dục còn lại hoạt động theo cấp độ dịch của thành phố Thủ Đức hoặc quận, huyện nơi trường trú đóng cụ thể:
Đối với cơ sở giáo dục ở địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp):
Các cơ sở giáo dục trung học (THCS, THPT) được thực hiện toàn bộ thời lượng dạy học theo kế hoạch giáo dục nhà trường.
Trong đó, thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 30 tiết/tuần; thời lượng học trực tiếp ưu tiên cho thực hiện chương trình chính khóa, các hoạt động phụ đạo, bồi dưỡng nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế do dạy học trên internet.
Thời lượng dạy học còn lại (ngoài 30 tiết trực tiếp) của kế hoạch giáo dục nhà trường, cơ sở giáo dục được thực hiện trên internet, các nhiệm vụ học tập, hoạt động giáo dục cho học sinh được thực hiện thông qua các hệ thống quản lý học tập (LMS).
Đối với cơ sở giáo dục ở địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 2 (nguy cơ trung bình):
Cơ sở giáo dục được thực hiện toàn bộ thời lượng dạy học theo kế hoạch giáo dục nhà trường. Trong đó, thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 18 tiết/tuần; thời lượng học trực tiếp ưu tiên cho thực hiện chương trình chính khóa, các hoạt động phụ đạo, bồi dưỡng nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế do dạy học trên internet.
Thời lượng dạy học còn lại trong kế hoạch giáo dục nhà trường (ngoài 18 tiết trực tiếp), cơ sở giáo dục được thực hiện dạy học trên internet, các nhiệm vụ học tập, hoạt động giáo dục cho học sinh được thực hiện thông qua các hệ thống quản lý học tập (LMS).
Riêng đối với học sinh khối 6, 9 và khối 12, cơ sở giáo dục có thể bố trí thời lượng học tập trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 24 tiết/tuần.
Đối với cơ sở giáo dục ở địa bàn được xác định dịch ở cấp 3 (nguy cơ cao):
Cơ sở giáo dục thực hiện toàn bộ thời lượng dạy học theo qui định trong chương trình chính khóa. Trong đó, thời khóa biểu dạy học trực tiếp không quá 12 tiết/tuần; thời lượng học trực tiếp ưu tiên cho thực hiện chương trình chính khóa, các hoạt động phụ đạo, bồi dưỡng nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế do dạy học trên internet.
Thời lượng dạy học còn lại trong kế hoạch giáo dục nhà trường (ngoài 12 tiết trực tiếp), cơ sở giáo dục được thực hiện dạy học trên internet; các nhiệm vụ học tập, hoạt động giáo dục cho học sinh được thực hiện thông qua các hệ thống quản lý học tập (LMS).
Riêng đối với học sinh khối 6, 9 và khối 12, cơ sở giáo dục có thể bố trí thời lượng học tập trực tiếp tăng thêm nhưng không quá 18 tiết/tuần.
Không tổ chức các chương trình nhà trường, không thực hiện kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày.
Đối với cơ sở giáo dục ở địa bàn được xác định ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao):
Cơ sở giáo dục trung học tổ chức thực hiện tất cả các hoạt động dạy học theo chương trình chính khóa trên môi trường internet; quá trình dạy học được tổ chức thực hiện thông qua hệ thống quản lý học tập (LMS).
Thời lượng dạy học với thời khoá biểu trực tuyến trực tiếp không được vượt quá 2/3 tổng thời lượng dạy học được qui định trong chương trình chính khóa.
Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục có hình thức hướng dẫn học tập phù hợp đối với các đối tượng học sinh không thể tiếp cận được hoạt động học tập trên internet.
Nguồn: SKĐS