Các tỉnh Tây Nguyên nhanh chóng triển khai tiêm vaccine COVID-19 an toàn, hiệu quả
Vượt qua các khó khăn chống
Theo lãnh đạo Sở Y tế Lâm Đồng, nằm ở khu vực Nam Tây Nguyên, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số đông nên việc tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng, chống COVID-19 được đẩy mạnh đến từng thôn, buôn. Đó là nhiệm vụ vừa nhọc nhằn nhưng cũng đầy trách nhiệm. Khi có bất cứ tình huống dịch bệnh nào xảy ra, từ Tổ COVID-19 cộng đồng đến các y bác sĩ đều chung sức đồng lòng cùng người dân quyết liệt khống chế.
BSCKII. Nguyễn Đức Thuận, GĐ Sở Y tế Lâm Đồng chia sẻ: “Những phút giải lao hiếm hoi, nhân viên y tế tranh thủ nghỉ ngay bên bàn làm việc. Có ngày nhân viên lấy mẫu xét nghiệm đôn đáo với bộ quần áo bảo hộ qua hết khu này đến khu khác. Nhưng mọi mệt mỏi như được xua tan khi ngăn chặn được dịch bệnh”.
Đến 20/10, tổng số ca nhiễm COVID-19 ở Lâm Đồng 459 trường hợp. Hiện đã có 284 trường hợp ra viện, 01 bệnh nhân tử vong. Số người đang cách ly là 12.765 trường hợp.
Nhiều lần xuyên đêm đi truy vết, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống COVID-19, y tá Nguyễn Văn Thành cho biết: “Vào các buôn sâu rất vất vả, có nơi địa hình khó khăn phải vượt rừng, xuyên qua các ruộng rẫy nhưng không ai nề hà gì cả. Tất cả đều hướng đến vì cộng đồng bình yên và nhanh chóng xua tan đi dịch bệnh”.
Là tỉnh có số ca nhiễm COVID-19 cao ở Tây Nguyên, ngành y tế tỉnh Đắk Lắk cũng xác định từng buôn/làng như “pháo đài” chống dịch COVID-19.
Ông Y Mung ở huyện Ma Đ’Rắk cho biết: “Người có uy tín, các già làng hàng ngày đều phối hợp với các nhân viên y tế gõ cửa từng nhà nhắc nhở thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Chính vậy nên đã cơ bản xóa bỏ được tâm lý chủ quan”.
Theo Sở Y tế , riêng từ chiều 19/10/2021 đến chiều ngày 20/10/2021 trên địa bàn ghi nhận thêm 35 trường hợp mắc COVID-19 mới. Trong đó, thị xã Buôn Hồ 11, huyện Cư M’gar 09, TP. Buôn Ma Thuột 06, huyện Krông Bông 02, huyện Ea Súp 02, huyện Buôn Đôn 02, huyện Cư Kuin 02, huyện Krông Búk 01. Tổng số trường hợp mắc COVID-19 ghi nhận trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk từ 27/4 đến tối 20/10 là 2.664 trường hợp (trong đó đang điều trị 864 trường hợp; 1.778 bệnh nhân điều trị khỏi bệnh, và 22 trường hợp tử vong). Đáng chú ý trong thời gian gần đây, các chùm ca bệnh ở Đắk Lắk khó xác định được nguồn lây.
Với đặc thù dân cư thưa thớt, hay đi rẫy, vậy nên trong cuộc chiến chống COVID-19 ở Tây Nguyên, nhân viên y tế phải miệt mài vận động nhân dân chủ động phòng, chống COVID-19, khai báo ngay khi thấy các bất thường.
Đẩy mạnh an toàn
Song song với việc từng thôn/buôn đồng lòng chống dịch thì các tỉnh Tây Nguyên nhanh chóng triển khai tiêm vaccine an toàn, hiệu quả.
Tối 20/10, thông tin với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, BS. Trịnh Quang Trí, GĐ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đắk Lắk cho biết: “Số ca nhiễm nhiều nên việc tiêm vaccine an toàn được địa phương rất quan tâm. Thống kê đến trước 15/10, dân số 18 tuổi trở lên (với khoảng hơn 1,35 triệu người) ở Đắk Lắk được tiêm vaccine đủ 2 mũi mới chỉ đạt 7,1%, tiêm 1 mũi (mới chưa đến 10%). Trước tỉ lệ này thì ngay sau đó Bộ Y tế đã có sự quan tâm sâu sát và cấp thêm cho địa phương 400.000 liều vaccine.
Hiện tại tỉnh đang đẩy mạnh tiêm. Kế hoạch đề ra đến hết tháng 10 sẽ tiêm xong 400.000 liều này. Việc tiêm vaccine được đông đảo người dân trên địa bàn hưởng ứng và rất phấn khởi”.
Tại Kon Tum đến ngày 18/10, tỷ lệ tiêm đủ 02 mũi toàn tỉnh này mới đạt 12,03%; tỷ lệ tiêm mũi 1 đạt 14,62%. Toàn tỉnh Kon Tum có 52 điểm tiêm vaccine. Ngày 18/10, Sở Y tế Kon Tum cũng đã ban hành kế hoạch đẩy mạnh tiêm đợt 9 với phương châm “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”.
Địa phương thông báo rộng rãi, công khai việc tiêm vaccine, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân dễ dàng tiếp cận. Nghiêm cấm thu tiền tiêm vaccine dưới bất kỳ hình thức nào. Dự kiến đến hết tháng 10, số người tiêm đủ 2 mũi ở Kon Tum đạt 14,98%; số tiêm 1 mũi là gần 50%./.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn