TP.HCM thích nghi linh hoạt, phát triển kinh tế hợp lý với tình hình dịch bệnh
Nếu tình hình dịch ổn định, TP.HCM sẽ tính toán thêm các biện pháp mở cửa cụ thể, để không chỉ nói “bình thường mới” mà là “bình thường”.
Trong chương trình “Dân hỏi – Thành phố trả lời” với chủ đề “Khôi phục kinh tế trong điều kiện bình thường mới”, bà Phan Thị Thắng – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã trực tiếp tham gia chia sẻ và trả lời những thắc mắc của người dân, doanh nghiệp tại Thành phố.
Nỗ lực phi thường trong những ngày “bất thường”
tại TP.HCM với sự xuất hiện của biến thể Delta đã gây nên những tác động chưa từng có tiền lệ trong cuộc chiến phòng chống dịch, số ca bệnh tăng nhanh trong thời gian ngắn.
Theo Sở Y tế TP.HCM, khi ở thời điểm đầu tháng 5/2021 chỉ số lây nhiễm trong cộng đồng (dựa vào tỉ suất mắc mới trong 7 ngày) của các quận, huyện trên toàn thành phố cho thấy tất cả đều ở cấp độ 1 (dưới 20 ca mắc/100.000 dân/tuần) thì đến ngày 16/7/2021, tình trạng dịch của Thành phố đã chuyển sang cấp độ 4 (>150/100.000/tuần), số ca nhập viện tăng nhanh từ 3.317 ca/tuần lên đến 11.069 ca/tuần, số ca tử vong tăng nhanh mỗi ngày.
Để đưa thành phố đến trạng thái là sự nỗ lực, quyết tâm và tổng lực của tất cả các cấp, các cơ quan, ban ngành, các lực lượng… và chính cả từ toàn thể người dân của Thành phố. Sau khoảng thời gian chiến đấu bằng tất cả nỗ lực và sự quyết tâm cao độ, số ca mắc mới có xu hướng giảm, số lượng bệnh nhân xuất viện tăng, số ca tử vong giảm, các giường bệnh COVID-19 dần vắng bệnh nhân… và Thành phố đã dần mở cửa.
Chia sẻ về giai đoạn “bình thường mới”, bà Phan Thị Thắng cho biết, từ ngày 1/10, TP.HCM đã nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều hoạt động được mở trở lại theo tinh thần Chỉ thị 18 của UBND TP. Hiện nay, tình hình dịch bệnh tại TP.HCM cơ bản được kiểm soát nhưng không có nghĩa là đã đẩy lùi hoàn toàn. Vì vậy, tuyệt đối không thể chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.
“Trong 8 ngày qua, kể từ khi “mở cửa” trở lại, thành phố phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới, sản xuất kinh doanh trở lại, song “không thể tiêu diệt ngay virus”, thậm chí sau này sẽ có nhiều biến chủng mới, do đó phải chấp nhận sống và làm việc với tình trạng có dịch trong thời gian nhất định mà không thể nói trước bao lâu. Trong điều kiện bình thường mới này, tất cả các chủ thể trong xã hội đều phải thích nghi linh hoạt cuộc sống, phát triển kinh tế hợp lý với tình hình dịch bệnh” – bà Phan Thị Thắng chia sẻ thêm.
Kỳ vọng trạng thái “bình thường”
Theo bà Phan Thị Thắng, để vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa từng bước phục hồi kinh tế, sớm đưa cuộc sống người dân trở lại trạng thái “bình thường mới” với sự thích nghi linh hoạt tùy diễn biến của dịch bệnh, Thành phố đã có sự tính toán, cân nhắc các vấn đề cần được ưu tiên.
Trong đó, việc tiếp tục tăng mức bao phủ cho người dân vẫn được chú trọng. Tính đến nay, tổng số người trên 18 tuổi tại TP.HCM được tiêm vaccine phòng COVID-19 là 12.045.799 người. Trong đó, mũi 1: 7.032.031 đạt tỷ lệ 97.5% người dân; mũi 2: 5.013.768 đạt 69.6% người dân, cơ bản đủ điều kiện sinh hoạt trở lại.
Đối với vấn đề chuỗi cung ứng, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng cho biết, Thành phố đã, đang và sẽ tiếp tục triển khai những biện pháp cao để bảo đảm an toàn cho khu vực này, góp phần phục hồi nhiều hoạt động và việc làm liên quan.
Thành phố vẫn duy trì chuỗi cung ứng ở mức cơ bản, đảm bảo đầy đủ những mặt hàng thiết yếu cho người dân. TP cũng xây dựng và ban hành kế hoạch, lộ trình dần tổ chức lại hoạt động cung ứng tại các chợ đầu mối và làm việc với các tỉnh thành, Hiệp hội để kết nối chuỗi cung ứng, đảm bảo xuyên suốt hơn.
Kỳ vọng về sự phục hồi, dần mở cửa của Thành phố trong thời gian tới, bà Phan Thị Thắng chia sẻ: “Lãnh đạo thành phố mong muốn bà con cô bác, doanh nghiệp giữ vững hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng thành phố khôi phục, nhanh chóng tiệm cận vị trí trước đây. Từ nay đến ngày 15/10, nếu tình hình dịch ổn định thì sẽ tính toán thêm, để không nói “bình thường mới” mà là “bình thường”.
Với các vấn đề khó khăn mà các cá nhân, doanh nghiệp, hội doanh nghiệp đang mắc phải, cũng đã có nhiều giải pháp để góp phần hỗ trợ các đơn vị. Chẳng hạn: Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ qua Thông tư số 01, 03 và 14 như: giảm lãi suất, khoanh lãi, không nhảy nhóm,…; Sở GTVT TP.HCM đang kết nối, phối hợp với Sở GTVT các tỉnh, thành phối hợp để đón lao động về TP.HCM.
Nếu doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp có kế hoạch cụ thể đón công nhân trở về, Thành phố sẽ ưu tiên vaccine để doanh nghiệp có thể tổ chức tiêm cho công nhân khi trở về Thành phố làm việc.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn