80% bệnh nhân sau đột quỵ chịu những di chứng, nhu cầu phục hồi chức năng để nâng chất lượng sống
ngày càng trẻ hoá, để lại nhiều di chứng nặng nề
Trong các di chứng của đột quỵ, gặp phổ biến nhất là các rối loạn vận động như liệt, không thể đi lại; các rối loạn về nhận thức, giao tiếp, sinh hoạt. khó vận động, ăn uống… Đặc biệt, bệnh nhân sau đột quỵ có rối loạn tâm lý, cảm xúc, chức năng tình dục…
Di chứng sau đột quỵ được xem là bệnh lý đa tàn tật bởi có nhiều dạng khuyết tật khác nhau trong một người bệnh đột quỵ. Thường chúng ta chỉ nhìn thấy những di chứng rõ ràng như liệt, đi lại yếu, nhưng những di chứng về nhận thức, giao tiếp, ngôn ngữ, chức năng sinh hoạt, đại tiểu tiện, thậm chí cả tình dục đều là những vấn đề quan trọng.
“Hiện chúng tôi đã nghiên cứu thêm về ảnh hướng của đột quỵ với vấn đề lâu nay chúng ta ‘tạm quên’ là ảnh hưởng của đột quỵ đến chức năng tình dục do do xu hướng trẻ hóa của bệnh“.
Những thông tin trên được PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu- Phó Chủ tịch Hội phục hồi chức năng Việt Nam, Nguyên Chủ nhiệm khoa phục hồi chức năng, Bệnh viện 108 cho biết khi trao đổi về vấn đề đang được nhiều người quan tâm- phục hồi chức năng sau đột quỵ thế nào để nâng cao chất lượng sống cho người đột quỵ, giúp họ dần quay trở lại cuộc sống bình thường.
Đối với bệnh đột quỵ, PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu cho biết, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 người đột quỵ mới, điều đáng nói là đột quy ngày càng trẻ hoá, nhiều bệnh nhân dưới 30 tuổi tiền sử khoẻ mạnh cũng đã thành nạn nhân của đột quỵ.
Sau cứu sống bệnh nhân đột quỵ, có khoảng 80% bệnh nhân có di chứng là khuyết tật nặng, đặc biệt là rối loạn vận động, 30% không thể phục hồi. Do đó, gánh nặng cho các gia đình rất lớn. Người bệnh cần thực hiện , tập luyện bền bỉ, tăng cơ hội phục hồi các di chứng.
Do đó, chuyên gia cũng cho biết, đột quỵ là một trong số các bệnh có nhu cầu tập phục hồi chức năng cao. Đây được xem là bệnh lý đa tàn tật bởi có nhiều dạng khuyết tật khác nhau trong một người bệnh đột quỵ nên phương pháp phục hồi phải đa dạng, đa mô thức từ thuốc, can thiệp ngoại khoa, can thiệp phục hồi chức năng (bằng máy, tay, bài tập và chia ra nhiều giai đoạn).
“Chúng ta phải hiểu rằng phục hồi chức năng sau đột quỵ được hình dung là giúp người bệnh học lại những động tác quen thuộc như một đứa trẻ, từ tập đi, nói, cầm nắm vật dụng…”- PGS. TS Nguyễn Trọng Lưu chia sẻ.
Tiếp cận phục hồi càng sớm càng tốt để nâng chất lượng sống cho người đột quỵ
Theo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế nhu cầu phục hồi chức năng tại Việt Nam rất lớn do dân số đang già hoá; tỷ lệ khuyết tật lớn; mô hình bệnh tật thay đổi cần phục hồi chức năng như: , bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đột quỵ… gia tăng rồi tai nạn thương tích cũng đang gia tăng…
Ước tính trong đó tỷ lệ bệnh nhân nữ cao hơn so với nam, tập trung nhiều hơn ở độ tuổi 50- 59…
Nhu cầu người bệnh cần được phục hồi chức năng rất lớn, song theo Bộ Y tế chỉ hơn 40% người tiếp cận phục hồi chức năng. Bộ Y tế đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ nâng tỷ lệ này lên 80%.
Theo WHO, phục hồi chức năng cho bệnh nhân đột quỵ chia ra 4 giai đoạn. Sau giai đoạn cấp, tối cấp diễn ra trong 48 giờ đầu ưu tiên cứu sống bệnh nhân, người bệnh bước vào giai đoạn hồi phục sớm. Giai đoạn 2 này diễn ra từ sau 48 giờ đến 3 tháng, là giai đoạn “vàng”, tuy nhiên thực tế không phải bệnh nhân nào cũng tiếp cận được sớm.
Giai đoạn tiếp theo từ 3 – 6 tháng sau đó, cũng là giai đoạn phục hồi tốt nhưng chậm hơn. Sau 6 tháng, bệnh nhân chuyển sang giai đoạn mạn tính. Đặc biệt, nếu sau 1 năm, tổn thương do đột quỵ cơ bản đã định hình, khả năng thay đổi phục hồi không còn nhiều, tuy nhiên nếu kiên trì tập luyện vẫn tốt hơn, có cơ hội hồi phục.
PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu cho biết, bản thân ông cũng đã tiếp nhận điều trị những bệnh nhân phục hồi tốt sau thời gian dài bị đột quỵ. Trường hợp của nam bệnh nhân 46 tuổi (ở Hà Nội) là điển hình. Trước đó, sau một vụ tai nạn thoát chết nhưng anh đã bị chảy máu não và sau đó chịu tổn thương lớn khi bị di chứng liệt nửa người bên phải.
“Bệnh nhân đến với tôi khi sau khoảng 36 tháng từ ngày cấp cứu đột quỵ, phải di chuyển bằng xe lăn đồng thời bị rối loạn ngôn ngữ hỗn hợp rất nặng khi cả diễn đạt, nghe hiểu, tiếp nhận đều không được. Bệnh nhân cũng khó cầm nắm các vật dụng, thầy thuốc, kỹ thuật viên phải buộc dây vào tay để giữ vững. Tuy nhiên sau khi tập được vài tháng theo bài, bệnh nhân đi lại dễ dàng hơn, sự co cứng của chi trên nhẹ nhàng hơn. Khả năng cầm nắm thanh tường và các dụng cụ tập của nam bệnh nhân đã dần chắc hơn”- Phó Chủ tịch Hội phục hồi chức năng Việt Nam kể lại.
Chuyên gia cũng cho biết thêm, được tập các bài tập tình huống chống đỡ mất thăng bằng chuyên dụng, bệnh nhân đã có thể di chuyển, dù dáng đi chưa được mềm dẻo nhưng tiến bộ nhiều về độ vững chắc và giảm nguy cơ ngã.
“Người khỏe mạnh chúng ta, nếu chỉ nằm ườn, lười vận động cũng sẽ thấy rõ sự yếu đi của các cơ. Với người chịu di chứng sau đột quỵ, việc nằm một chỗ càng nhìn thấy rõ sự chuyển biến này, chân tay teo tóp, yếu, để ngồi, đứng dậy cần sự hỗ trợ toàn bộ từ người ngoài. Việc kiên trì luyện tập phục hồi chức năng để có kết quả ban đầu như nam bệnh nhân trên là một sự nỗ lực lớn của cả kỹ thuật viên, y bác sĩ và cả người bệnh”- PGS.TS Nguyễn Trọng Lưu nói.
Chuyên gia khuyến cáo, bệnh nhân đột quỵ nên tranh thủ phục hồi chức năng trong 1 năm đầu, đặc biệt tốt hơn trong 6 tháng đầu, việc đưa ra bài tập phục hồi chức năng phù hợp cho bệnh nhân sau đột quỵ phụ thuộc rất nhiều vào kết quả đánh giá tình trạng khuyết tật của người bệnh tại thời điểm đó, như các bài tập theo tầm vận động, tập thay đổi vị thế, tập kiểm soát thăng bằng, tập di chuyển…
Phục hồi chức năng giúp mang lại kết quả sức khỏe tốt hơn, ngăn ngừa các biến chứng và giảm tỷ lệ tái nhập viện. Đồng thời phục hồi chức năng còn đóng góp hữu hiệu trong việc giúp nâng cao hiệu quả của các can thiệp y tế và phẫu thuật.
Đồng thời phục hồi chức năng cũng cần được xác định là hoạt động đầu tư vào nhân lực và vốn xã hội để góp phần phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Phát triển phục hồi chức năng là điều kiện cần thiết để thực hiện thành công bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và các Mục tiêu Phát triển bền vững – SDG mà Việt Nam đã cam kết thực hiện với cộng đồng quốc tế.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn