Ngành Y tế tăng cường phòng chống bệnh dại
Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng (TTYTDP) tỉnh Gia Lai, từ đầu năm cho đến tháng 7 trên địa bàn tỉnh có 1420 người đến khám, tư vấn và tiêm phòng tại các phòng tiêm. Nguồn phơi nhiễm chủ yếu là chó (96%), mèo và súc vật khác (4%). Bệnh dại là bệnh nguy hiểm, dẫn đến tử vong nếu không phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách. Bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật (thường là chó, mèo).
Trước tình hình diễn biến phức tạp, ngày 08/8/2017 Sở Y tế Gia Lai đã có công văn số 894/SYT-NVY về việc tăng cường công tác phòng, chống Bệnh Dại nhằm nâng cao kiến thức của người dân về sự nguy hiểm, hậu quả của Bệnh Dại cũng như biện pháp phòng, chống Bệnh Dại để người dân đi tiêm phòng kịp thời khi bị động vật nghi dại cắn.
Theo đó để chủ động phòng chống Bệnh Dại, mỗi người dân chúng ta cần phải thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
2. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
3. Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
4. Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:
– Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch – đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.
– Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.
– Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.
– Đến ngay Trung tâm Y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
– Tuyệt đối không dùng thuốc nam, không tự chữa, không nhờ thầy lang chữa bệnh dại.
Những gia đình có trẻ em nên tạm dừng nuôi chó, vì con trẻ thường hay lê la, đưa vào miệng những vật dụng trên nền nhà. Tuyệt đối không cho trẻ ôm hôn chó mèo, nhất là phần đuôi của chó mèo, vì đuôi và lông dính rất nhiều chất thải. Đặc biệt là không cho trẻ nhỏ chọc phá, trêu ghẹo chó, mèo lạ, nhất là chó, mèo chạy rong ngoài đường.
Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, tránh lông chó, mèo rụng bay khắp nhà dính lên giường chiếu, quần áo, chăn nệm.