Lâm Đồng: Nhìn lại công tác DS-KHHGĐ năm 2014
Công tác tham mưu và quản lý
Năm 2014, công tác DS – KHHGĐ tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và UBND, Sở y tế Lâm Đồng. Sự tham gia hưởng ứng tích cực của người dân trong công tác tuyên truyền, vận động, ý thức cao hơn trong việc thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, duy trì quy mô gia đình nhỏ (hãy sinh đủ 2 con), từng bước nâng cao cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình, nâng cao chất lượng dân số.
Hệ thống cán bộ làm công tác DS – KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở được củng cố kiện toàn; 148/148 cán bộ tuyến xã đạt trình độ chuẩn đã góp phần ổn định bộ máy trực tiếp làm công tác DS – KHHGĐ tuyến cơ sở. Mặt khác, đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên DS – KHHGĐ cơ sở phát huy tinh thần đoàn kết, tận tụy, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ngoài nguồn kinh phí chương trình mục tiêu của trung ương giao, ngân sách tỉnh, huyện, xã đã hỗ trợ bổ sung góp phần giúp cho công tác DS – KHHGĐ, chủ động tích cực hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm.
Song song với công tác chuyên môn, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được Chi cục DS – KHHGĐ triển khai cho cán bộ công chức, viên chức (CBCCV) cơ quan, các đơn vị trực thuộc và hướng dẫn xây dựng kế hoạch chuyên đề năm 2014 “về nói đi đôi với làm” là đạo đức, là văn minh cho toàn thể CBCCVC.
Thanh niên tình nguyện tư vấn tại hộ gia đình đông con. Ảnh: Công Nam
Truyền thông – giáo dục chuyển đổi hành vi
Năm 2014, Chi cục DS-KHHGĐ phối hợp với các ban, ngành đoàn thể; đài phát PT-TH, báo Lâm Đồng … tuyên truyền sâu rộng đến người dân những chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về DS – KHHGĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong đó, tập trung tuyên truyền những nội dung liên quan đến chính sách dân số và những vấn đề nóng, thực tế tại Lâm Đồng như: Nghị quyết 47 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS – KHHGĐ; Nghị định 114/2006/NĐ-CP của chính phủ; Nghị quyết 31 của Tỉnh ủy Lâm Đồng…
Nội dung tuyên truyền tập trung vào mất cân bằng giới tính (MCBGTKS); sức khỏe sinh sản vị thành niên -thanh niên (VTN-TN); sàng lọc trước sinh và sau sinh; tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; giảm sinh con thứ 3 trở lên cao… tập trung vào những đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ, VTN-TN, sinh con một bề, tập trung vào địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số.
Bên cạnh đó, công tác truyền thông, vận động trực tiếp tại cộng đồng cũng được triển khai một cách đồng bộ đến tận từng gia đình, từng nhóm đối tượng với nhiều hình thức phong phú và đa dạng như: nói chuyện chuyên đề, tọa đàm, sinh họat nhóm, CLB …
Thông qua các họat động góp phần làm thay đổi nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, từng bước chuyển đổi hành vi của các đối tượng về DS – KHHGĐ một cách bền vững.
Hàng năm, từ nguồn ngân sách của Trung ương và địa phương, Chi cục DS – KHHGĐ tổ chức các đợt Chiến dịch chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác DS – KHHGĐ, tạo điều kiện giúp đỡ phụ nữ vùng sâu, vùng xa trong việc khám và điều trị phụ khoa. Từng bước nâng cao SKSS cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và các cặp vợ chồng trẻ. Đồng thời duy trì và nhân rộng các mô hình về truyền thông dân số như: “mô hình hạn chế người sinh con thứ 3 trở lên”; mô hình đưa chính sách dân số vào quy ước, hương ước” đến thôn, tổ dân phố.
Nhờ chương trình mục tiêu quốc gia, trong thời gian qua, công tác DS-KHHGĐ tỉnh Lâm Đồng đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận: Tỷ lệ sinh năm 2013 là 18.10%o năm 2014 giảm xuống còn 17.50%o; Tổng tỷ suất sinh năm 2013 là 2.25 (con/phụ nữ) năm 2014 giảm xuống còn 2.16; Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên năm 2013 là 14.34% năm 2014 giảm xuống còn 11.78%; mức giảm sinh năm 2013 là 0.44%o năm 2014 là 0.60%o… Đặc biệt, nhận thức của người dân về công tác dân số – KHHGĐ/SKSS ngày càng được nâng lên rõ rệt, nhất là vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hộ gia đình có ý thức hơn trong việc chấp nhận quy mô gia đình ít con để làm kinh tế gia đình tạo điều kiện nuôi con ăn học, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc.
Ngoài ra, các đề án về nâng cao chất lượng dân số cũng được đẩy mạnh trên các kênh tuyền thông, đã mang lại kết quả cao như Đề án kiểm soát MCBGTKS; sàng lọc trước sinh và sau sinh; tảo hôn và hôn nhân cận huyết thông; mô hình kiểm tra sức khỏe, tư vấn tiền hôn nhân… Từ đó, phát hiện ra các trường hợp có bệnh lý, trong đó chủ yếu là thiếu men G6PD. Với những trường hợp này, gia đình đã và sẽ được hướng dẫn cách điều trị cho bé, đồng thời thường xuyên theo dõi sự phát triển của bé để tư vấn kịp thời cho gia đình.
Có được kết quả trên, chính là nhờ vào sự quan tâm lãnh chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Sở y tế và sự phối kết hợp của các ban, ngành đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở. Lãnh đạo một số địa phương trực tiếp chỉ đạo sát sao, quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ kịp thời cả về kinh phí cũng như công tác chỉ đạo; sự quan tâm nhiệt tình của đội ngũ các chức sắc tôn giáo, già làng trong việc tuyên truyền vận động giáo dân sống tốt đời đẹp đạo, thực hiện tốt chính sách DS- KHHGĐ. Đặc biệt, công lao to lớn của đội ngũ chuyên trách, công tác viên dân số, họ đã không ngại khó khăn trèo đèo, lội suối để tuyên truyền vận động.
Tuy nhiên, công tác dân số – KHHGĐ tại tỉnh Lâm Đồng vẫn còn nhiều hạn chế và thách thức trong thời gian tới như: một số địa phương tình trạng MCBGTKS vẫn còn cao; tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao; một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, “đông con để có người làm nương rẫy”… Bên cạnh đó, một số địa phương, cấp ủy đảng và chính quyền chưa thực sự quan tâm hỗ trợ đầu tư kinh phí cũng như công tác chỉ đạo về DS -KHHGĐ. Việc tiếp thị xã hội phương các phương tiện tránh thai, lâu nay người dân đã quen được cung cấp miễn phí, khi chuyển sang hình thức tự chi trả thì một bộ phận người dân chưa đồng thuận tham gia…
Để công tác dân số – KHHGĐ trong thời gian gian tới hoàn thành và đạt chỉ tiêu, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số, Lâm Đồng cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động trên các phương tiện thông tin đại chúng, chủ động phối hợp với các ban, ngành đoàn thể đưa công tác DS – KHHGĐ vào chương trình công tác của mỗi đơn vị để triển khai đến cán bộ, hội viên và mỗi gia đình. Nội dung chủ yếu tập trung vào các vấn đề như giảm mức sinh và nâng cao chất lượng dân số; giảm tình trạng MCBGTKS; tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…