Chất lượng dịch vụ tuyến y tế cơ sở còn nhiều hạn chế
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em, Bộ Y tế, năm 2022, cũng như nhiều quốc gia khác trên toàn cầu, Việt Nam đã và đang tiếp tục nỗ lực duy trì hiệu quả công tác phòng chống đại dịch COVID- 19, đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa ổn định phát triển kinh tế xã hội.
Thành công trong việc phòng chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Đảng, nhà nước cũng như người dân luôn tin tưởng, ủng hộ và tạo điều kiện để Ngành Y tế tiếp tục phát triển, thực hiện ngày càng tốt hơn công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân. Trong lĩnh vực Chăm sóc sức khỏe bà mẹ – trẻ em, sức khỏe sinh sản, bên cạnh việc tiếp tục duy trì ổn định hoạt động cung cấp dịch vụ, mạng lưới Chăm sóc sức khỏe bà mẹ – trẻ em, sức khỏe sinh sản (CSSKBMTE/SKSS) cũng đã có nhiều nỗ lực trực tiếp tham gia chăm sóc phụ nữ mang thai, sản phụ và trẻ sơ sinh nghi nhiễm hoặc bị nhiễm COVID-19.
Từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe vùng dân tộc thiểu số miền núi.
Khi các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, nhiều địa phương, đơn vị vẫn khắc phục mọi khó khăn, đảm bảo duy trì tốt việc chăm sóc sản phụ, trẻ sơ sinh, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em cả tại các cơ sở y tế và trong cộng đồng. Nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế mạng lưới CSSKBMTE/SKSS đã để lại những hình ảnh xúc động, tốt đẹp về người cán bộ y tế tận tụy, hy sinh bản thân để phục vụ người dân trong mọi hoàn cảnh.
Theo báo cáo của các địa phương, trong 9 tháng đầu năm 2022, các chỉ tiêu cơ bản phản ánh chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, sức khỏe sinh sản đều được duy trì, trong đó nhiều chỉ số cơ bản như tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 4 lần trong 3 thai kỳ, tỷ lệ phụ nữ đẻ do cán bộ có kỹ năng hỗ trợ, tỷ lệ bà mẹ được chăm sóc sau đẻ tại nhà… đã đạt tốt hơn so với cùng kỳ năm 2021. Số liệu từ các nguồn trong nước và quốc tế cho thấy tử vong mẹ, tử vong trẻ em Việt Nam cũng như suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn tiếp tục giảm, đạt các chỉ tiêu Chính phủ giao cho ngành Y tế.
Bên cạnh các thành tựu đã đạt được trong năm 2022, công tác CSSKBMTE/SKSS cũng đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức như: tổ chức mạng lưới vẫn chưa ổn định, mô hình tổ chức không thống nhất, thiếu tính nhất quán và hệ thống; dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường; một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (kể cả một số bệnh truyền nhiễm trẻ em đã có vắc-xin dự phòng) có nguy cơ bùng phát trở lại; tiềm ẩn nhiều nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng dịch vụ do thiên tai, thảm hoạ; cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực chưa đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu CSSKBMTE/SKSS; chất lượng dịch vụ nhất là ở tuyến y tế cơ sở, vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được cải thiện như mong muốn; Việc kết hợp giữa dự phòng và điều trị, giữa mạng lưới chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh còn nhiều hạn chế.
Số vụ tai biến sản khoa hầu như không giảm
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em, Bộ Y tế, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh vẫn luôn duy trì ở mức cao trên bình diện toàn quốc. Trên 80% số phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 4 lần trong 3 thời kỳ thai nghén; 96% cuộc đẻ có cán bộ y tế có kỹ năng đỡ. Tỷ lệ chăm sóc sau sinh trong tuần đầu đạt 73%.
Từ 2015, tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 4 lần trong 3 thời kỳ thai nghén đã liên tục được cải thiện từ 48% lên ≈80% (9 tháng đầu năm 2022).
Chăm sóc sức khỏe vùng dân tộc thiểu số miền núi còn nhiều khó khăn hạn chế.
Tuy nhiên, bện cạnh những chỉ số chăm sóc có xu hướng tiến bộ như đã nêu trên thì tỷ lệ mổ lấy thai lại tăng liên tục trong 15 năm qua, từ khoảng 12% (2005) đến 36,6% (9 tháng đầu năm 2022), cao hơn rất nhiều so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Cần có những can thiệp toàn diện đến hệ thống y tế, cán bộ y tế và cả cộng đồng để có thể giảm các trường hợp mổ lấy thai không đúng chỉ định chuyên môn.
Tình hình tai biến sản khoa: Số tai biến sản khoa hầu như không giảm trong khoảng thời gian từ 2015 đến nay (khoảng 5-6/1.000 ca sinh). Mặc dù hầu hết các bà mẹ đều được CBYT đã được đào tạo đỡ đẻ nhưng số tử vong do các tai biến tại cuộc đẻ vẫn ở mức 1-2% trong tổng số các trường hợp tai biến. Theo số liệu báo cáo, Đông Nam bộ là vùng vẫn có tỷ suất tai biến sản khoa cao hơn so với cả nước. Các tỉnh có tỷ suất mắc tai biến sản khoa ≥10‰ bao gồm Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Bắc Kạn, Quảng Trị, Phú Yên, TpHCM, Sóc Trăng. Các tai biến sản khoa thường gặp nhất vẫn là băng huyết, tắc mạch ối và sản giật.
Tình hình tử vong mẹ (TVM): Kết quả từ hệ thống Giám sát TVM và đáp ứng cho thấy: Trong 9 tháng năm 2022 có 76 trường hợp TVM (so với 123 trường hợp cùng kỳ năm 2019 và 120 trường hợp 2018)10. Các nguyên nhân trực tiếp gây TVM trong giai đoạn 2016-2019 chiếm khoảng 53%. Phân bố tỷ trọng các nguyên nhân đã thay đổi: Băng huyết, nguyên nhân tử vong hàng đầu đã giảm tương đối trong tổng số nguyên nhân tử vong; Nhiễm khuẩn có xu hướng tăng; Sản giật/tiền sản giật vẫn là nguyên nhân tử vong mẹ phổ biến thứ 2; Tỷ lệ TVM do các nguyên nhân trực tiếp khác (shock phản vệ, tai biến gây mê, gây tê) tăng tương đối; Tắc mạch ối cũng giảm chỉ chiếm 16,4%. Tỷ lệ các trường hợp TVM được xác định do tắc mạch ối giảm phản ánh về thái độ tích cực, cầu thị của các CSYT trong xác định nguyên nhân để cải thiện chất lượng chăm sóc cũng như chất lượng công tác thẩm định TVM đã được cải thiện.
Nhìn chung, tỷ trọng TVM do nguyên nhân trực tiếp giảm mạnh trong thời gian qua thể hiện công tác chăm sóc sản khoa trên toàn quốc. Tuy nhiên, qua phân tích hồi cứu các hồ sơ TVM ở giai đoạn 2016-2018 cho thấy chất lượng chăm sóc sản khoa vẫn còn nhiều hạn chế ở một số địa phương. Chậm 3 (chậm nhận được các biện pháp chẩn đoán và xử trí phù hợp) xuất hiện ở 78,5% số trường hợp TVM, trong đó đáng chú ý: Việc phát hiện dấu hiệu bất thường xuất hiện ở 26% trường hợp TVM; đánh giá sai mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh 35%; điều trị không đủ, không phù hợp hoặc chậm trễ 39%, chậm chuyển tuyến 28%. Một số thực hành cần thiết có ý nghĩa cứu sống bà mẹ nhưng lại không được thực hiện như truyền máu (15% số ca TVM), thủ thuật sản khoa, phẫu thuật và hội chẩn (12%), xét nghiệm/chẩn đoán hình ảnh (43%).
Trong thời gian tới, cần tiếp tục làm tốt công tác quản lý thai nghén, phát hiện sớm các dấu hiệu nguy hiểm để hạn chế các trường hợp TVM do các nguyên nhân có thể phòng tránh được như tăng huyết áp, đái tháo đường, tiền sản giật, sản giật…
Về công tác chăm sóc sơ sinh và trẻ em, theo con số ước tính mới nhất của Liên hiệp quốc, tỷ suất TVSS ở Việt Nam năm 2021 là 9,96‰, thấp hơn số ước tính cho các nước khu vực Đông Nam Á (12‰). Tuy nhiên tốc độ giảm khá chậm so với năm 2015 (11.73‰) và với tỷ suất tử vong hiện tại, mỗi năm Việt Nam vẫn có tới khoảng 15.000 trẻ tử vong trong vòng 28 ngày đầu đời.
Nguyên nhân tử vong chính ở trẻ sơ sinh ở nước ta, cũng giống như ở các nước đang phát triển khác, chủ yếu vẫn là ngạt, đẻ non/nhẹ cân, hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, dị tật và nhiễm khuẩn. Theo TCYTTG, phần lớn tử vong ở trẻ sơ sinh do các nguyên nhân trên đều có thể phòng tránh được nếu như các can thiệp cứu sống trẻ sơ sinh được áp dụng có hiệu quả ở cả cộng đồng và cơ sở y tế.
Tử vong trẻ < 5 tuổi đã giảm từ 22,1‰ (2015) xuống 20.5‰ năm 2021, tuy nhiên với tốc độ giảm khá chậm trong 5 năm gần đây, chúng ta đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp tích cực, hiệu quả.
Để duy trì kết quả thực hiện giảm TVTE, hướng tới thực hiện các chỉ tiêu về sức khỏe trẻ em tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII cũng như các Mục tiêu Phát triển bền vững SDGs vào năm 2030 thì việc đẩy mạnh thực hành chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm (EENC), phổ cập hướng dẫn lồng ghép chăm sóc trẻ bệnh (IMCI) và thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ theo Hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế sẽ tiếp tục là những nội dung ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn tới./.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn