Hệ lụy do nắng nóng và cách đối phó
Nhiều người cho biết họ cảm thấy tinh thần uể oải, mệt mỏi, khó tập trung khi thời tiết nắng nóng kéo dài. Các chuyên gia đã chỉ ra những nguyên nhân vì sao khiến tinh thần của họ bị trì trệ như vậy và cách giải quyết vấn đề này.
Nắng nóng không chỉ khiến tinh thần uể oải, làm việc kém hiệu quả mà còn gây nhiều hệ lụy
Thời tiết nắng nóng khiến nhiều người ăn không ngon miệng, uống nhiều nước dễ dẫn đến tình trạng luôn có cảm giác rất mệt mỏi, uể oải làm việc mất tập trung.
Mất nước
Lý giải tình trạng này, các nghiên cứu cho thấy khi nhiệt độ càng cao, cơ thể càng phải tiết nhiều mồ hôi để tự làm mát. Kết quả, cơ thể bị mất nước và không đủ lượng nước cần thiết. Cơ thể được tạo thành từ khoảng 60% nước, bộ não từ 85% nước, phổi từ 90% nước và máu từ 83% nước. Chỉ cần mất đi 1/10 lượng nước, não và các cơ quan khác sẽ không thể hoạt động bình thường. Do vậy nhiều người có cảm giác mệt mỏi, ra mồ hôi nhiều, nặng hơn là kiệt sức, choáng, ngất xỉu…
Bệnh đau nửa đầu gia tăng
Không những thế, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nắng nóng kể cả làm việc trong nhà cũng gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Mùa nóng ăn không ngon, ngủ không đủ giấc, bỏ bữa, tập thể dục quá nhiều, căng thẳng về cảm xúc… khiến cơ thể suy nhược, mất nước, có thể dẫn đến đau nửa đầu.
Điều này đã được chứng minh qua một số nghiên cứu, việc thăm khám khẩn cấp vì chứng đau nửa đầu đang gia tăng trong mùa hè. Nóng, mất nước, ánh sáng chói, ăn uống kém và ngủ ít vào mùa hè là những nguyên nhân chính gây ra chứng đau nửa đầu.
Bệnh rối loạn tâm thần, trầm cảm nặng hơn
Ngoài ra, mùa nóng ngày dài hơn, đồng nghĩa với việc cơ thể ít sản xuất melatonin hơn. Điều này làm gián đoạn nhịp sinh học của con người, cái nóng mùa hè còn khiến những người sống chung với rối loạn trầm cảm theo mùa luôn cảm thấy lo lắng và tức giận khiến làm việc không tập trung.
Nắng nóng kéo dài với những người bình thường cũng có cảm giác khó chịu, mệt mỏi, sức đề kháng giảm, ăn uống không ngon miệng và về tâm lý cũng dễ cáu gắt hơn bình thường, thì với những người có tiền sử mắc bệnh tâm thần hoặc những người đã tiềm ẩn stress, căng thẳng, trầm cảm hoặc sang chấn về tâm lý lại càng dễ bị bốc hỏa và tái phát bệnh hơn. Với bệnh nhân có tiền sử tâm thần phải uống nhiều nước hơn, vì vậy thuốc điều trị bệnh tâm thần sẽ bị đào thải nhanh hơn, dẫn đến nồng độ thuốc trong cơ thể sẽ thấp hơn, từ đó dẫn đến bệnh dễ tái phát
Cần làm gì để làm việc tốt hơn trong mùa nóng?
Thời tiết nắng nóng kéo dài, thậm chí còn trở nên khắc nghiệt hơn, do đó việc chú ý chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình để thích nghi với điều kiện mùa hè nóng hơn là điều vô cùng quan trọng.
Để làm việc hiệu quả không chi phối bởi mệt mỏi do nắng nóng, trước hết cần sắp xếp lịch làm việc khoa học.
Nếu phải làm việc ngoài trời, hãy cố gắng sắp xếp các hoạt động ngoài trời vào buổi sáng và buổi tối. Chỉ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian ngắn, tranh thủ nghỉ ngơi thường xuyên trong khu vực bóng râm để cơ thể có thời gian điều chỉnh nhiệt độ.
Về dinh dưỡng: Cần chú ý trong những ngày hè nóng bức. Nên hạn chế ăn nhiều loại thực phẩm dầu mỡ và ưu ái nhiều món ăn nhẹ nhàng, thanh nhiệt và có lợi cho sức khỏe. Có thể chọn trong mùa nắng với bún, cháo, phở… tăng cường rau quả như khổ qua, bí đao, dưa leo, mồng tơi, dền, dưa hấu, đu đủ…
Làm mát cơ thể bằng cách uống nhiều nước, ngoài nước lọc có thể chọn các loại nước giải khát không ga, nước ép trái cây như cà-rốt, dưa chuột, dưa hấu, nước táo… Một gợi ý nữa là những loại nước mát có tác dụng giải nhiệt như nước làm từ bột sắn dây, mía lau, hoa cúc, trà lạnh…
Về tinh thần: Tình trạng căng thẳng có liên quan trực tiếp tới làm việc quá sức, nắng nóng, dinh dưỡng, trục trặc trong mối quan hệ. Căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến rối loạn về tinh thần, làm cho người luôn sống trong tâm trạng lo âu sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công việc, sức khỏe.
Vì vậy, để làm việc hiệu quả, cải thiện tình trạng này, cần điều chỉnh lịch làm việc theo mùa hè một cách hiệu quả. Nếu làm việc căng thẳng, thỉnh thoảng trong giờ làm việc hãy đứng dậy, ra khỏi bàn, đi bộ vài phút để lấy lại năng lượng. Điều này rất tốt cho việc lưu thông máu, có được nhiều oxy hơn cho hoạt động của cơ thể, kích thích não sản xuất endorphin.
Tận dụng thời khóa biểu chậm hơn vào mùa hè bằng cách sử dụng thời gian nghỉ ngơi để thư giãn. Các kỳ nghỉ có nhiều lợi ích giúp giảm huyết áp, nhịp tim, giảm căng thẳng…
Khi bị căng thẳng, mệt mỏi, chúng ta thường cảm thấy khó chịu, bực bội, thậm chí thiếu kiên nhẫn và không thể kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc. Để trở nên bình tĩnh và sáng suốt hơn, hãy hít thở thật sâu và đều, điều này sẽ giúp bạn nâng cao sức đề kháng và đẩy lùi tình trạng stress, căng thẳng, lo âu.
Nên tìm đến một góc nhỏ thư thái, yên tĩnh, sau đó ngồi xuống và tập trung vào hơi thở của bản thân. Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, cách massage bàn tay có thể loại bỏ những cảm xúc tiêu cực như: Lo lắng, sợ hãi, căng thẳng, buồn bã…
Để lấy lại năng lượng làm việc tốt hơn, hãy cắm một lọ hoa tươi mình thích, điều này giúp thư giãn dễ chịu. Hãy chọn loại hoa có màu sắc hoặc mùi hương ưa thích, và đặt chúng ở vị trí mà có thể nhìn thấy từ mọi hướng.
Ngoài ra, tự pha cho mình một tách cà phê, trà thảo mộc mát lạnh… sẽ giúp giảm căng thẳng, mệt mỏi vô cùng hiệu quả.
Cuối tuần tìm một sở thích đã bị lãng quên từ lâu hoặc hoạt động giải trí mà mình đã thích, khi đó tinh thần sẽ cuốn hút, bồi hồi, vui vẻ trở lại. Ngoài ra có thể lên kế hoạch cho một chuyến đi vui vẻ trong một ngày hoặc lâu hơn: cắm trại, leo núi, chơi trên sông, tắm biển… Khuyến khích các hoạt động tiếp xúc với thiên nhiên sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái, thư giãn và làm phong phú thêm cuộc sống của bạn.
Một giải pháp nữa là nên hẹn bạn bè, tìm nơi thoáng mát hàn huyên, chia sẻ, giúp tâm trạng thoải mái hơn. Đôi khi, chia sẻ, tâm sự với người khác có thể giúp giải tỏa căng thẳng bên trong, đưa ra được hướng đi đúng đắn, lấy lại năng lượng đối mặt với stress.
Để không khí trong nhà, phòng làm việc dễ chịu hơn vào mùa hè, có thể trồng thêm một vài chậu cây xanh bên trong hoặc xung quanh ngôi nhà của mình, ngoài việc trang trí cho ngôi nhà, cây xanh còn cung cấp oxy, ngăn bụi và lọc không khí rất tốt nên không khí trong nhà nếu có cây xanh sẽ rất thông thoáng và dễ chịu.
Ngoài ra, hạn chế ra ngoài vào giờ nắng nóng nhất là khoảng thời gian từ 11h00 – 16h00 là khoảng thời gian nắng nóng đỉnh điểm trong ngày. Việc di chuyển bên ngoài sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Vì vậy, bạn nên hạn chế ra ngoài đường nếu không có công việc gì cần thiết.
Nếu bắt buộc phải đi ra ngoài, hãy đảm bảo cơ thể được che chắn thật kỹ và lựa chọn các vật dụng chống nắng như: Găng tay, áo khoác, sử dụng kem chống nắng…
Ngoài ra, hoạt động thể chất đều đặn có thể giúp bạn phòng tránh trầm cảm mùa hè hiệu quả. Hãy tìm một vài phương thức luyện tập để giảm mệt mỏi mùa nóng hoặc đi tập vào những khoảng thời gian bớt nắng nóng như sáng sớm hoặc chiều muộn. Tuy nhiên, không tập luyện quá sức hay ăn kiêng quá mức, thay vào đó, hãy tập luyện vừa phải, ăn uống khoa học để giảm căng thẳng.
Lời khuyên của thầy thuốc
Nếu các biện pháp đã áp dụng vẫn khiến bạn mệt mỏi, căng thẳng và làm việc kém hiệu quả hãy tìm kiếm sự trợ giúp của người thân và nhân viên y tế. Rất có thể nắng nóng dẫn đến suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh thậm chí trầm cảm.
Đối với những người nguy cơ cao bị rối loạn tâm thần như: Phụ nữ sau sinh, người có sang chấn tâm lý, như: Mất người thân, mất việc, gặp vấn đề về tình cảm, bị tai nạn, bệnh tật…càng phải chú trọng sức khỏe. Khi gặp các triệu chứng mất ngủ, căng thẳng kéo dài nên đến cơ sở chuyên khoa tâm thần khám để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn