Khai mạc chuỗi hội thảo khoa học “Nâng cao kiến thức dinh dưỡng miễn dịch giai đoạn 2022-2024”
Ngày 27/4/2022 tại TP Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) đã diễn ra hội thảo khoa học “Nâng cao kiến thức dinh dưỡng miễn dịch giai đoạn 2022-2024” đầu tiên trong chuỗi hội thảo cùng chung chủ đề do Bộ Y tế phối hợp với VitaDairy Việt Nam tổ chức nhằm cung cấp cho cán bộ y tế tuyến cơ sở kiến thức chuyên môn về vai trò của hệ miễn dịch, dinh dưỡng miễn dịch và biện pháp tăng cường miễn dịch thông qua dinh dưỡng, đồng thời cập nhật những kiến thức hữu ích nhất về ứng dụng dinh dưỡng miễn dịch trong việc chăm sóc sức khỏe của người dân.
Hội thảo với sự tham dự của gần 1000 cán bộ y tế và người dân
Phát biểu về việc Bộ Y tế tổ chức chuỗi hội thảo này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh: “Trong tình hình dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, Bộ Y tế xem việc trang bị kiến thức cho người dân nâng cao ý thức tăng cường sức khỏe nói chung và sức đề kháng nói riêng để chung sống an toàn với dịch là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là đối tượng trẻ em và người cao tuổi. Bằng cách đó chúng ta sẽ có một Việt Nam khỏe mạnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường, khôi phục phát triển kinh tế – xã hội, khi COVID-19 trở thành bệnh đặc hữu”.
Ba chủ đề chính được đề cập tại hội thảo là “khoảng trống miễn dịch” ở trẻ nhỏ, chế độ dinh dưỡng để tăng cường miễn dịch trong thời gian “khoảng trống miễn dịch”, chăm sóc dinh dưỡng hậu COVID-19 do các diễn giả là những chuyên gia đầu ngành về dinh dưỡng Nhi khoa trình bày. Đó là PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy – Trưởng Bộ môn Nhi Đại học Y Hà Nội và PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hà, Phó trưởng bộ môn Nhi Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Tiêu hoá Bệnh viện Nhi Trung ương.
Theo báo cáo tại hội thảo, hệ miễn dịch ở trẻ nhỏ thay đổi và phát triển theo từng giai đoạn khác nhau: Trước 6 tháng, trẻ nhận kháng thể từ mẹ truyền sang trong giai đoạn bào thai và lúc sinh nên có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Qua 6 tháng, lượng kháng thể dự trữ không còn, trong khi cơ thể chưa tự sinh ra được đủ kháng thể nên hệ miễn dịch của trẻ rất yếu và luôn có nguy cơ nhiễm bệnh, giai đoạn này kéo dài tới 36 tháng hoặc hơn nữa. Các chuyên gia y tế thường nhắc đến giai đoạn 06-36 tháng tuổi là giai đoạn “khoảng trống miễn dịch”.
Như vậy, ngoài việc phải đối diện với các nguy cơ gây bệnh thông thường như ô nhiễm, biến đổi khí hậu, vi khuẩn kháng kháng sinh… với tình hình dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, trẻ còn phải đối diện với nguy cơ mắc COVID-19 và hậu COVID-19. Đặc biệt, trong giai đoạn “khoảng trống miễn dịch”, khi gặp các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm mốc… trẻ rất dễ mắc bệnh do miễn dịch chưa hoàn thiện. Do vậy, việc bổ sung dinh dưỡng miễn dịch để tăng cường kháng thể, nâng cao sức khỏe trong giai đoạn khoảng trống này là rất quan trọng.
Chia sẻ về giải pháp, PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy – Trưởng Bộ môn Nhi Đại học Y Hà Nội cho biết: “Bên cạnh việc theo dõi phát hiện sớm trẻ có các triệu chứng hậu COVID-19 để xử lý kịp thời, gia đình cần chú trọng đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ, nhất là đối với trẻ từng bị COVID-19 nặng phải nhập viện hoặc trẻ thường xuyên ốm vặt. Chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ nhanh chóng giúp cải thiện tình trạng dinh dưỡng, cải thiện các chức năng cho cơ thể. Đặc biệt, dinh dưỡng miễn dịch rất tiềm năng trong mục tiêu tăng cường và cải thiện miễn dịch cho nhiều đối tượng, nhất là trẻ em. Trong đó, kháng thể IgG từ sữa non là thành phần dinh dưỡng miễn dịch có tác dụng trực tiếp giúp tăng cường miễn dịch cho trẻ trong giai đoạn khoảng trống miễn dịch.”
PGS.TS Nguyễn Thị Diệu Thúy chia sẻ về “khoảng trống miễn dịch” và nguyên tắc chăm sóc sức khỏe hậu COVID
Các chuyên gia khuyến cáo cán bộ y tế tuyến cơ sở cần đẩy mạnh truyền thông tới cộng đồng, đặc biệt phụ nữ trong độ tuổi sinh nở và nuôi con, hạn chế mổ đẻ, tăng cường nuôi con bằng sữa mẹ, đặc biệt là sữa non của mẹ trong 12h đầu tiên sau sinh, tiêm vaccine đầy đủ cho trẻ để trẻ có khả năng miễn dịch tốt hơn. Trong trường hợp khó tiếp cận với sữa mẹ, có thể bổ sung IgG từ sữa non của bò.
Các chuyên gia cũng dành thời gian để giải đáp trực tiếp những thắc mắc của cán bộ y tế và người dân tham dự hội thảo.
Trong thời gian qua VitaDairy đã đồng hành cùng Bộ Y tế trong việc cập nhật cho thế hệ cha mẹ trẻ những kiến thức để nuôi con tốt hơn, trợ giúp đội ngũ y tế chống dịch COVID-19 và truyền thông về lợi ích tiêm vaccine phòng COVID-19.
Bà Nguyễn Thị Hà – Tổng giám đốc VitaDairy phát biểu
“Trong hơn hai năm chống dịch COVID-19, VitaDairy đã nghiên cứu thêm, hoàn thiện công thức miễn dịch trong các sản phẩm của mình, giúp người tiêu dùng, đặc biệt là người cao tuổi và trẻ em tăng cường được hệ miễn dịch để đối phó với dịch COVID-19. Chúng tôi hy vọng công nghệ, kinh nghiệm và sản phẩm của VitaDairy sẽ đóng góp tích cực vào chiến lược dinh dưỡng miễn dịch của Bộ Y tế”, bà Nguyễn Thị Hà – Tổng giám đốc VitaDairy Việt Nam phát biểu.
Nhân dịp này, VitaDairy đã công bố trao tặng các sản phẩm sữa VitaDairy trị giá 10 tỷ đồng đến trẻ em trên khắp cả nước trong 3 năm từ 2022 -2024.
Chuỗi hội thảo khoa học nâng cao kiến thức dinh dưỡng miễn dịch giai đoạn 2021-2024 là hoạt động truyền thông được tổ chức tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm triển khai Kế hoạch thực hiện Chương trình Sức khỏe Việt Nam giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 5924/QĐ-BYT được Bộ Y tế ban hành ngày 29/12/2021. 3 mục tiêu chính của Chương trình là: (i) Bảo đảm chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực để cải thiện tầm vóc và nâng cao sức khỏe cho người dân; (ii) Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân và cộng đồng để chủ động dự phòng các yếu tố nguy cơ phổ biến đối với sức khỏe nhằm phòng tránh bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho cá nhân, gia đình và cộng đồng; (iii) Thực hiện quản lý, chăm sóc sức khỏe liên tục, lâu dài tại tuyến y tế cơ sở để góp phần giảm gánh nặng bệnh tật, tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.