Băng suối, vượt đèo ‘đuổi’ dịch bệnh chốn non sâu
“Đừng nản lòng, đừng ngại khó, đừng chùn bước… phía trước là những người dân đang cần thầy thuốc” đó là lời BS Nguyễn Đức Vũ tự nhắc nhở mình cùng các nhân viên mỗi khi phải đối diện với vô vàn khó khăn trong cuộc chiến với dịch bệnh.
Đồng tâm, gắn bó
Trải qua nhiều gian khổ, gắn bó từ tuyến xã, BS Nguyễn Đức Vũ (hiện là Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện K’Rông Bông, tỉnh ) vẫn giữ nguyên vẹn niềm đam mê với nghề y.
Anh tâm niệm: “Muốn gắn bó nơi hẻo lánh nhất thì phải chinh phục, thu nhận nhiều tri thức nhất. Lao vào chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân là việc tự thân phải làm”.
Với tâm niệm ấy, từ mấy chục năm trước, BS Vũ “đu” theo cha mẹ từ Đà Nẵng vào làm kinh tế mới trong Đắk Lắk.
Từ nhỏ, anh đã ám ảnh với những cái chết vì dịch bệnh ở Tây Nguyên thường xuyên xảy ra. Nhiều đứa trẻ còn không được tiêm chủng đầy đủ. Trong lòng Vũ bừng lên khát vọng phải học để thành thầy thuốc. Học thật nhiều để phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số. Phải dùng kiến thức y khoa để “đuổi” dịch bệnh lẫn các thói quen lạc hậu cho cư dân nơi đèo cao, dốc sâu…
Cứ thế, ngày nối ngày, Vũ băng qua những cơn mưa rừng tê tái, đường đất nhòen nhoẹt kiếm chữ. Có hôm, đến được trường thì đôi chân cũng rã rời. Giấc mơ dốc sức chữa bệnh cứu người rồi cũng thành hiện thực, Nguyễn Đức Vũ trở thành bác sĩ gắn bó với các buôn làng ở K’Rông Bông và xem đó như quê hương thứ 2 của mình.
Nhọc nhằn với các y bác sĩ chốn non sâu nhưng hết nên người nọ động viên người kia đồng tâm, gắn bó.
Không xa, chỉ hơn chục năm trước, đường xá còn lởm chởm đất đá, người dân vượt núi, luồn rừng đi lấy cây đót, đi trỉa bắp, trồng sắn… gặp nạn liên tục. Có những con đường bất kỳ phương tiện nào cũng không đi được, phải chạy bộ, giày dép các y bác sĩ chỉ ít bữa là mòn vẹt. Vừa khám bệnh, cứu chữa cho người dân, BS Vũ cùng các đồng nghiệp của mình vừa luyện sức khỏe để vượt đèo, leo núi cho nhanh. Hiểu rõ tâm lý một số đồng bào dân tộc khi bệnh nặng mới tìm đến phòng khám, đến bệnh viện, trạm y tế nên BS Vũ còn dặn các già làng nếu thấy trong buôn mình ai mệt mỏi thì báo ngay để anh tìm đến chữa trị kịp thời.
Khi nâng dần được ý thức cộng đồng về việc chăm sóc sức khỏe, từ bỏ các thói quen không tốt, để giải quyết tốt hơn các loại dịch bệnh có thể đến với người dân, BS Nguyễn Đức Vũ tiếp tục học lên chuyên khoa I, chuyên khoa II và quay về gắn bó với các thôn, buôn.
Cận kề ngày Thầy thuốc Việt Nam, những ngày giữa tháng 2/2022 đôi chân BS Vũ vẫn ”lao” đi khi nghe báo ở đâu có dịch bệnh, hành động ấy như đã được lập trình và luôn thường trực trong anh. BS Vũ bộc bạch rằng: “Tôi học lên bác sĩ chuyên khoa II, làm phó giám đốc Trung tâm y tế K’Rông Bông được phân công phụ trách các trạm y tế xã/thị trấn. Mà vùng đất này còn gian nan, nếu bản thân hay bất kỳ đồng nghiệp nào không yêu nghề một cách mãnh liệt thì khó bám trụ được”.
“Ngọn lửa” đam mê đuổi dịch bệnh cho các buôn làng của BS Vũ như lan tỏa tới nhiều nhân viên y tế khác. BS Thanh Dũng (Trạm y tế xã Yang Reh) chia sẻ: BS Vũ dốc hết tâm huyết vì y tế vùng sâu. Làm quản lý nhưng nơi đâu có dịch bệnh là có mặt anh ở đó, dù bất kể thời gian nào. Vậy nên, nhân viên y tế tại các thôn, buôn cũng thấy như được cổ vũ mạnh mẽ hơn, hăng say chăm sóc sức khỏe nhân dân, xem đó như người thân ruột thịt của mình vậy”.
Giữa mênh mông những dãy núi chập trùng, BS Nguyễn Đức Vũ trải lòng: “Xưa kia đau ốm có khi bệnh nhân được người nhà đưa đến cơ sở y tế bằng cáng, xe trâu. Giờ điều kiện tốt dần lên, đã có xe cấp cứu, các dịch bệnh xảy ra nhưng vẫn khống chế được. Đặc biệt, K’Rông Bông không chỉ “nóng” bởi COVID-19 mà còn có bạch hầu. Một minh chứng sống động từ thực tế là giữa muôn trùng gian khó nhưng lãnh đạo ngành y tế địa phương cũng như các cấp chính quyền cùng hệ thống thầy thuốc, nhân viên y tế từ trên xuống dưới đồng tâm, dốc sức thì dịch bệnh đã được khống chế. Nhiều địa điểm xảy ra dịch bệnh, giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk hay lãnh đạo huyện K’Rông Bông cũng đến tận nơi để nắm bắt, chỉ đạo”.
Gồng mình cõng thuốc men vượt hiểm trở
Trong những ngày dài căng thẳng, chiến đấu với dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, cộng đồng để lại dấu ấn khó phai mờ trong tâm trí BS Vũ cũng như các đồng nghiệp của mình đó là những đêm trắng dập dịch.
“Có hôm vừa test nhanh, lấy mẫu, khoanh vùng để xử lý các ca mắc COVID-19 vừa khuyến cáo, tuyên truyền cho bà con các giải pháp cụ thể nhất, dễ hiểu nhất để phòng dịch khi nhìn vào đồng hồ thì đã bắt đầu bước sang ngày mới. Mắt ai cũng cay xè, thèm một giấc ngủ nhưng rồi chỉ cho phép mình giải lao trong chớp nhoáng vì ai cũng tự nhắc mình cuộc chiến đấu với dịch bệnh này, không cho phép mình được mệt”-BS Vũ thổ lộ.
Vừa làm, vừa đưa ra các sáng kiến phù hợp nhất cho các thôn/buôn. Khi dịch bạch hầu cũng như COVID-19 xảy ra ở nhiều địa điểm, BS Vũ vừa dập dịch vừa đào tạo kiến thức xét nghiệm, lấy mẫu… cho hầu hết các trạm y tế tuyến xã ở K’Rông Bông vì theo anh: “Y tế xã chính là nơi gần dân nhất, đến với nhân dân trong các buôn nhanh nhất. Mình đào tạo kiến thức cho các thầy thuốc bám buôn/làng để khi có bất cứ bất thường nào họ xử lý được ngay. Sau đó đánh giá tình hình, nếu phức tạp y tế tuyến huyện sẽ tức tốc chi viện về xã ngay, đặc biệt là cuộc chiến với COVID-19. Để tăng số người được tiêm chủng vaccine phòng bệnh, ngoài các điểm tiêm chủng cố định, các y bác sĩ còn phải tay xách, nách mang đưa thuốc men, y cụ đến các buôn làng sâu xa nhất để tiêm chủng cho người dân”.
Lắng đọng, rưng rưng là những tình cảm của người dân Ea Rớt (nơi còn gian khó, cách trở nhất ở K’Rông Bông) trong những ngày qua, bởi bên cạnh họ luôn có những chiến sĩ áo trắng và cán bộ địa phương, những người đã vượt qua mọi khó khăn của địa hình, thời tiết, cõng thuốc men, bình o-xy đến tận nhà dân.
Sau những cơn mưa tầm tã, đường lên dốc cổng trời Ea Rớt trơn trượt, nhầy nhụa đến cuốc bộ cũng khó quá nổi. Đường bộ sạt lở, để vào được Ea Rớt chỉ còn cách ngược về phía huyện Ea Kar để dùng xuồng, thuyền đi qua một lòng hồ nước sâu và đục để tiếp cận Ea Rớt.
Giữa tình thế cấp bách mà thông điệp “người dân Ea Rớt đang cần mình” nên đoàn gần 40 người gồm lãnh đạo huyện K’Rông Bông và các y bác sĩ quyết tâm không chùn bước.
Nhớ lại những khoảnh khắc đầy cam go ấy, BS Nguyễn Đức Vũ tâm tình: “Dân đang cần mình mà. Dẫu có bão tố vẫn phải vượt qua thôi. Gần 40 người chúng tôi đều mang chung một quyết tâm dốc sức tiêm chủng, giúp bà con Ea Rớt (phần đông là người dân tộc thiểu số) phòng, chống dịch bệnh hiệu quả nhất. Không ai bảo ai, xông vào bốc, vác thuốc men, o-xy, y cụ…chất lên xuồng. Đi được một đoạn thì 2 chiếc xuồng hỏng nặng, không khởi động được. Lòng ai cũng nóng như lửa đốt. Thế rồi chỉ còn một giải pháp là dùng chiếc xuồng đang chạy được để dìu kéo hai xuồng hỏng chở đầy nhân viên y tế và thuốc men. Chòng chành, chênh vênh đến một tiếng rưỡi thì cũng cập bờ được phía Ea Rớt. Chúng tôi lại tiếp tục cõng các dụng cụ mang theo vào các buôn. Đoàn ai cũng thấm mệt nhưng “sốc” lại tinh thần vừa tiêm chủng vừa tư vấn khám bệnh, test nhanh gần như…xuyên đêm. Vì đoàn đông nên phải chia ra mấy điểm để nấu cơm ăn với buôn/làng. Có tốp thầy thuốc phải cuốc bộ qua mấy quả đồi mới đến được nơi ăn cơm vì đặc thù ở đây dân cư thưa thớt”.
“Liều thuốc” giúp các y bác sĩ xua tan nhọc nhằn, vượt mọi khó khăn
Có những lúc, những ý nghĩ đời thường trỗi dậy, nhiều y bác sĩ tự hỏi: Mình cũng là con người, cũng có những yếu đuối, mệt mỏi nhưng sao phải khổ sở, hành hạ bản thân xuyên ngày đêm, vượt đèo thẳm, dốc cao, hồ rộng để “đuổi” dịch bệnh cho nhân dân. Nhưng rồi, nghĩ suy ấy trôi qua như tia chớp khi thấy niềm hạnh phúc hân hoan trong đôi mắt các bệnh nhân đã bình phục sức khỏe. Trong con tim và khối óc các thầy thuốc, nhân viên y tế chỉ còn niềm hạnh phúc với nghề mình đã chọn, việc mình đã làm cho những nơi mình gắn bó.
Những chặng đường gian nan còn ở trước mặt nhưng nhìn những nơi mình đã đi qua, BS Vũ thổ lộ: “Ngành y tế địa phương đồng lòng vì sức khỏe nhân dân nên cũng đã tạo nên nhiều thành quả. Dẫu rằng nhiều vùng người Mông hay Ê Đê còn một số hạn chế về nhận thức, đòi hỏi y bác sĩ phải miệt mài gắn bó hơn nhưng khi tạo chuyển biến rõ nét, nâng cao đời sống cho họ được thì đó là “liều thuốc” giúp chúng tôi xua tan bao nhọc nhằn.
Nguồn: SKĐS