Bệnh viện K: Tạo hình vạt cơ lưng rộng che phủ khuyết hổng thành ngực do loét sau 20 năm điều trị ung thư vú
Bắt kịp với trình độ y tế của thế giới cũng như khu vực, trong những năm gần đây, bệnh viện K đã áp dụng nhiều kĩ thuật tạo hình trong phẫu thuật ung thư vú, không những đem đến kết quả tốt về mặt điều trị bệnh ung thư mà còn mang lại tính thẩm mỹ cho bệnh nhân. Mới đây, các bác sĩ khoa Ngoại Vú, Bệnh viện K đã tiến hành phẫu thuật dùng vạt da cơ lưng rộng che phủ khuyết hổng do loét thành ngực trái, sau điều trị ung thư vú 20 năm cho bệnh nhân 76 tuổi.
May mắn vượt qua ung thư vú 20 năm
Năm 2001, sau khi thấy khối u bất thường xuất hiện ở vú trái, bệnh nhân Dương Thị C. quê tại Sao Đỏ, Chí Linh, Hải Dương đã tới Bệnh viện K để khám bệnh và thật không may, chị được chẩn đoán mắc ung thư vú. Chồng mất vì bệnh ung thư phổi, bố là liệt sỹ nên khi hay tin mắc bệnh bà C.đã có quyết tâm vượt qua căn bệnh quái ác, giành lại sự sống cho bản thân. Bệnh nhân C. đã đươc phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú trái kèm vét hạch nách trái, xạ trị thành ngực bổ trợ sau mổ. Sau điều trị, bà C. khỏi bệnh trở về sinh hoạt thường ngày, sống khoẻ mạnh trong gần 20 năm.
“Chồng tôi mất vì ung thư nên lúc đầu phát hiện bệnh tôi cũng lo lắng lắm, nhưng được gia đình và bác sĩ động viên nên tâm lý lúc đó cố gắng lạc quan, được đến đâu hay đến đó, vậy mà ổn định được 20 năm, tôi rất mừng và thấy mình may mắn”. bà C.chia sẻ.
Phát hiện tổn thương thành ngực trái sau “20 năm” điều trị ung thư vú
Đến tháng 8/2020, bà C. phát hiện thành ngực bên trái vị trí sẹo mổ và xạ trị cũ xuất hiện tổn thương loét da đường kính khoảng 1cm, bệnh nhân tự thay băng và chăm sóc tại nhà nhưng vết loét không liền mà còn tăng dần về kích thước.
Tháng 01/2021, sau vài tháng tự điều trị, vết loét thành ngực trái có dấu hiệu nhiễm khuẩn, chảy dịch mủ vàng xanh, mùi hôi; bà C. đi khám và được chuyển đến Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương điều trị, cấy mủ vết loét cho thấy nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococus Aureus). Sau 3 tuần nằm viện và sử dụng kháng sinh mạnh, vết thương sạch mủ và hết vi khuẩn, bệnh nhân được xuất viện trước Tết nguyên đán với dặn dò chăm sóc vết loét tại nhà và hi vọng tổn thương sẽ liền dần.
Tuy nhiên, cuối tháng 4/2021, bệnh nhân C. quay trở lại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều để khám bệnh. Bà C. chia sẻ sau khi trở về nhà vết loét không có dấu hiệu liền da thậm chí loét càng ngày càng lan rộng, loét sâu thâm nhiễm đến cơ thành ngực. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm đánh giá sơ bộ, các bác sĩ khoa Ngoại Vú chẩn đoán bệnh nhân bị loét thành ngực trái sau tia xạ. Vào thời điểm đầu thập niên 2000, với kĩ thuật xạ Cobalt, tác dụng phụ viêm da và loét da của tia xạ là hoàn toàn có thể xảy ra sau 20 năm điều trị.
Vì tình hình dịch bệnh ở thời điểm đó, sau 4 tháng trì hoãn, phải đến cuối tháng 8/2021 bà C mới có thể quay lại khoa Ngoại vú, Bệnh viện K để tiếp tục điều trị. Lần nhập viện này, tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân xấu đi trông thấy do tình trạng viêm loét diễn ra lâu ngày. Bệnh nhân thể trạng già yếu, chỉ nặng 39kg, sinh hoạt hằng ngày hạn chế cần có người chăm sóc, vết loét tăng kích thước đường kính khoảng 2x3cm, thâm nhiễm cơ thành ngực và xương sườn trái, chảy dịch mủ vàng mùi hôi, kèm theo đó là tổn thương viêm tấy mô tế bào xung quanh khoảng 10x15cm. Bà C. chia sẻ tình trạng viêm nhiễm gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ và sinh hoạt, những cơn đau diễn ra suốt cả ngày lẫn đêm khiến bà ăn uống kém, mất ngủ trằn trọc, sút cân.
Bệnh nhân được làm lại các bilan đánh giá, cấy khuẩn vết loét có nhiễm trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa), chụp cắt lớp vi tính lồng ngực có tổn thương vôi hoá và gãy xương sườn 4-5 bên trái, giảm chức năng hô hấp.
Phẫu thuật mang lại cuộc sống mới cho bệnh nhân sau 1 năm phát hiện bệnh
Trước tình hình bệnh nhân nặng với tổn thương phức tạp, TS.BS.Lê Hồng Quang – Trưởng khoa Ngoại vú đã cùng các bác sĩ trong khoa hội chẩn đưa ra phương hướng điều trị, trước mắt sẽ chăm sóc nâng cao thể trạng, tập thổi bóng để cải thiện chức năng hô hấp, điều trị tình trạng nhiễm khuẩn theo kháng sinh đồ; ngay sau khi khi hết nhiễm khuẩn, thể trạng đảm bảo, sẽ tiến hành phẫu thuật cắt lọc rộng tổn thương loét thành ngực, cắt xương sườn hoại tử, chuyển vạt da cơ lưng rộng (Latissimus dorsi flap). Đây là một ca phẫu thuật tạo hình lớn, kĩ thuật phức tạp đặc biệt trên một bệnh nhân nữ, lớn tuổi, thể trạng già yếu, có tình trạng nhiễm khuẩn nặng, sau điều trị ung thư vú 20 năm.
Sau 12 ngày điều trị bù dinh dưỡng, kháng sinh chống viêm, thổi bóng; hội chẩn với các bác sĩ gây mê hồi sức đánh giá bệnh nhân đủ điều kiện phẫu thuật. Tháng 9/2021 ekip mổ khoa Ngoại Vú gồm TS.BS.Lê Hồng Quang – Trưởng khoa; Ths.BS Đỗ Đình Lộc; ThS.BS.Hoàng Anh Dũng và Ths.BS Bùi Anh Tuấn đã tiến hành phẫu thuật cắt lọc rộng tổn thương loét hoại tử thành ngực đường kính 10cm, cắt xương sườn 4-5 trái; chuyển vạt da cơ lưng rộng che phủ khuyết hổng thành ngực có nội soi hỗ trợ. Ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi trong thời gian 3,5 tiếng. Sau mổ bệnh nhân hồi phục tốt, vết mổ ổn định, được xuất viện 7 ngày sau phẫu thuật.
Những ca bệnh khó như trên luôn được sự quan tâm, sâu sát của các bác sĩ, được hội chẩn chuyên khoa để thống nhất phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân.Bệnh nhân C là trường hợp đặc biệt do phát hiện loét thành ngực trái – tiêu xương sườn sau 20 năm điều trị, với biến chứng nhiễm khuẩn dai dẳng.
Thời gian qua, nhiều ca phẫu thuật vú đã được thực hiện tại bệnh viện K đảm bảo thực hiện 02 mục tiêu là điều trị bệnh và đảm bảo thẩm mỹ, đầu tháng 10 vưa qua, chị Trần Thị N.47 tuổi trú tại Thanh Trì, Hà Nội được chẩn đoán ung thư vú phải giai đoạn T1N0M0 có 2 u kích thước 20x15mm và 10 x15 mm; vú trái sa trễ độ 1; vú phải sa trễ độ 3; bụng hình tạp dề, có lớp mỡ dưới da dày đã được bác sĩ khoa Ngoại vú phẫu thuật cắt tuyến vú tiết kiệm da và tái tạo tức thì vạt tram. Ngoài ra vì bệnh nhân may mắn phát hiện ở giai đoạn sớm, không phát hiện hạch trên lâm sàng nên chị N.được chỉ định sinh thiết hạch cửa. Đây là phương pháp hiện đại giúp bác sĩ vừa đánh giá được tình trạng hạch nách mà không cần vét hết hạch tránh được nhiều biến chứng do vét hạch như phù tay voi, tê bì, đọng dịch …. Sau mổ bệnh nhân ổn định và hài lòng tự tin với sự cân đối của ‘vòng 1”.
Hàng năm Bệnh viện K thực hiện hàng trăm ca phẫu thuật ung thư và tạo hình góp phần tăng chất lượng chăm sóc và điều trị cho người bệnh. Bệnh viện đã áp dụng nhiều phương pháp và phương tiện hiện đại trong phẫu thuật như: kỹ thuật sinh thiết hạch cửa, phẫu thuật bảo tồn kết hợp tạo hình, phẫu thuật tạo hình bằng kỹ thuật vi phẫu, phẫu thuật tạo hình có sử dụng nội soi hỗ trợ….. mang đến nhiều niềm vui cho các chị em./.