Bức thu 368 từ gần 60 năm vẫn giữ nguyên giá trị
GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế (từ năm 1997-2003), hiện là Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho rằng, điều trước tiên Bác Hồ căn dặn những người thầy thuốc phải biết đoàn kết với nhau: “Bác góp vài ý kiến sau đây để giúp các cô, các chú thảo luận. Trước hết là phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bác sỹ, Dược sỹ cho đến các anh chị em giúp việc…”.
“Chỉ có 368 từ trong bức thư nhưng những lời căn dặn của Bác sau gần 60 năm nhưng vẫn như đang nói cho ngày hôm nay. Bác nói “Phải thật thà đoàn kết” chứ không phải là “đoàn kết thật thà”. Nghĩa là Bác căn dặn các anh em thầy thuốc khi thể hiện sự đoàn kết là phải thật thà, phải xuất phát từ tấm lòng chân thật của mình chứ không phải đoàn kết chỉ mang tính hình thức…”, GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng chia sẻ.
Phần tiếp của bức thư, Bác Hồ nói về y đức của người thầy thuốc, đó là thương yêu người bệnh: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang”. Bác Hồ đã không dùng từ “giao phó” mà là “phó thác” quả thật hết sức ý nghĩa.
“Người bác sĩ có “uy quyền” rất lớn trước tính mạng của người bệnh, có nghĩa là người bệnh tin tưởng hoàn toàn, phó thác hoàn toàn sự sống chết của mình vào người thầy thuốc. Trong cuộc đời mấy ai được người khác “phó thác” sinh mệnh của mình hoàn toàn như là nghề thầy thuốc của chúng ta. Điều đó thể hiện trách nhiệm lớn lao mà người bệnh đặt niềm tin vào thầy thuốc”, GS Phạm Mạnh Hùng nói.
Theo GS Phạm Mạnh Hùng, Bác Hồ đã nối tiếp những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Bác rất chú trọng về vấn đề đạo đức của người thầy thuốc, Bác căn dặn: “Cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y như từ mẫu, câu nói ấy rất đúng”.
Nghề thầy thuốc có sứ mệnh thật lớn lao và cao cả, vẻ vang. Người thầy thuốc chữa người bệnh chứ không phải là chữa con bệnh. Người bệnh thì có thể xác, có tinh thần nên phải biết yêu thương, thấu hiểu họ như thể yêu thương bản thân mình, anh em ruột thịt của mình. Cụm từ “lương y như từ mẫu” đã trở thành biểu tượng của người thầy thuốc.
“Trên đời này không có thứ tình cảm nào thiêng liêng bằng tình mẫu tử vậy mà Bác Hồ đã dặn người thầy thuốc phải như mẹ hiền, nghĩa là tình yêu thương của người thầy thuốc phải dành cho bệnh nhân một cách vô điều kiện, không phân biệt, không đòi hỏi. Đặt lợi ích của bệnh nhân lên trên lợi ích của bản thân mình, phải giàu đức hy sinh”, GS Phạm Mạnh Hùng chia sẻ.
Theo GS Phạm Mạnh Hùng, những người hành nghề y đầu tiên trong nhân loại cũng là những người truyền đạo. Họ làm hai nghề cùng một lúc. Thứ nhất là đi truyền đạo, chữa bệnh về tâm hồn, thứ hai là người ta cũng thấy những người bệnh đau khổ về mặt thể xác nên đã chữa bệnh cho họ. Người ta làm hai nghề một lúc với một mục đích cứu vớt đau khổ của con người chứ không phải người ta nghĩ đến kiếm sống, càng không phải là vì lời lãi hay lợi nhuận trên thể xác của con người. Đó là khởi thủy của ngành y.
“Từ cổ chí kim ai cũng cho rằng người thầy thuốc phải giữ gìn đạo đức. Khi hiện nay, đồng tiền đã len lỏi vào mối quan hệ giữa người thầy thuốc và người bệnh thì việc giữ gìn đạo đức lại càng phải đề cao. Y đức và y nghiệp phải gắn liền với nhau. Phải đặt lợi ích của người bệnh lên trên hết. Bên cạnh đó, người thầy thuốc phải duy trì năng lực chuyên môn và cập nhật kiến thức, kỹ năng, phải tự kiểm soát bản thân và hợp tác với đồng nghiệp, có trách nhiệm với xã hội”, GS Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.