Chủ tịch Hà Nội chỉ ra lỗ hổng nguy hiểm trong “vùng đỏ” COVID-19
Sáng 25/8, kiểm tra việc thực hiện giãn cách trong khu phong tỏa tại ngõ 328 đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân), thấy một số người dân vẫn đi lại trong khu phong tỏa, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu bố trí các chốt trực thành 3 lớp, bảo đảm nghiêm giãn cách nhà với nhà, người với người trong khu cách ly…
Sở Y tế Hà Nội cho biết, đã có 10/11 phường của quận Thanh Xuân ghi nhận ca bệnh COVID-19. Riêng ổ dịch tại ngõ 328, 330 đường Nguyễn Trãi đến nay đã ghi nhận 42 ca dương tính với SARS-CoV-2.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh kiểm tra tại khu cách ly ở ngõ 328 đường Nguyễn Trãi.
Sở Y tế đề nghị quận Thanh Xuân tăng cường lực lượng, bố trí chốt trực ở các ngách trong các khu phong tỏa nói trên; thành lập ít nhất 15 tổ giám sát COVID-19 để thực hiện kiểm soát, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm 3 ngày/lần để nhanh chóng phát hiện hết các F0.
Đánh giá của CDC Hà Nội có thể nguồn lây cho các ca bệnh trong ổ dịch phường Thanh Xuân Trung là từ người bán rau thường xuyên đến chợ đêm Ngã Tư Sở. Trên cơ sở đó, CDC Hà Nội đề xuất xét nghiệm toàn bộ tiểu thương ở chợ đêm Ngã Tư Sở để sàng lọc nguy cơ.
Chốt cách ly ngõ 328 và ngõ 330 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân. Ảnh: T.Đ
Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh yêu cầu quận Thanh Xuân tuân thủ các phương châm, nguyên tắc thành phố đã đặt ra, nhất là cần tăng cường giám sát chặt khu phong tỏa.
“Lực lượng y tế và công an cần vào cuộc ngay, từ truy vết dịch tễ, khoanh chặt vùng lõi trong khu phong tỏa. “Vùng đỏ” nhất trong “vùng đỏ” phải được thiết lập khu vực riêng. Tuyệt đối không để người dân nhà này sang nhà kia”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
Chủ tịch Chu Ngọc Anh yêu cầu thiết lập chốt ở đúng vùng trọng điểm, khóa cứng vùng lõi trong ổ dịch, kết hợp với phát huy vai trò tự quản của nhân dân; huy động đoàn thể tham gia, tính toán phương án an toàn cho người cao tuổi tham gia giám sát cộng đồng. Chính quyền các cấp cũng lưu ý người trong các khu tập thể ở địa bàn quận Thanh Xuân “ai ở đâu ở đó” để phục vụ công tác truy vết nhanh chóng hơn.
Liên quan đến việc xét nghiệm, ông Chu Ngọc Anh đánh giá, từ căn cứ khoa học, việc lấy mẫu ở một số nơi chưa “quét” trúng “vùng đỏ”, “nhóm đỏ” nên đã xảy ra bùng phát ổ dịch.
Vì vậy, quận Thanh Xuân cần xét nghiệm theo dịch tễ, di biến động của F0, F1, tranh thủ từng giờ, từng ngày để nhanh chóng sàng lọc. Toàn bộ người trong khu phong tỏa đều phải được coi là F1 để xét nghiệm. Cùng với đó, ưu tiên bảo đảm an sinh xã hội, phục vụ chu đáo hàng hóa thiết yếu cho người dân trong khu phong tỏa.
Trước đó trưa 24/8, sau khi ghi nhận hai ca bệnh là mẹ con ở ngõ 330 Nguyễn Trãi, UBND quận Thanh Xuân đã phong tỏa 7 ngày (từ ngày 24 đến 30/8) ngõ 328 và ngõ 330 đường Nguyễn Trãi có gần 700 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu sinh sống. Quận sẽ dựa vào diễn biến của dịch để điều chỉnh quy mô cách ly.
Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 quận Thanh Xuân thông báo tìm người đã đến ngõ 328 và ngõ 330 đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung) trong khoảng thời gian từ ngày 17 – 24/8.
Hà Nội đã qua 31 ngày giãn cách xã hội. Trong những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 vẫn giữ ở mức cao.
Từ sáng đến trưa 25/8, Hà Nội ghi nhận thêm 50 ca bệnh (35 ca cộng đồng), trong đó riêng quận Thanh Xuân 23 ca, riêng ngõ 328 Nguyễn Trãi có tới 13 ca, ngõ 330 có 7 ca. Tính từ 29/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.731 ca nhiễm, trong đó 1.389 ca cộng đồng, 1.342 ca tại khu cách ly./.
Nguồn: Suckhoedoisong