COVID-19 ở Sài Gòn và những cuộc điện thoại báo tử
Nhân ngày cả nước tổ chức đại lễ cầu siêu cho đồng bào đã mất vì COVID – 19, Báo Sức khoẻ & Đời sống trân trọng giới thiệu bài viết của bác sĩ Quan Thế Dân – một bác sĩ đã nghỉ hưu nhưng vẫn xung phong vào tâm dịch để giành giật sự sống cho người bệnh.
Ở các khoa của bệnh viện dã chiến, phòng giao ban là trung tâm điều hành của khoa, là vùng xanh, là căn cứ an toàn. Suốt ngay nơi đây tất bật ồn ã công viêc.
Tiếng người gọi nhau, tiếng bộ đàm từ buồng bệnh gọi ra, tiếng điện thoại trao đổi giữa các khoa và tiếng điện thoại từ ngoài gọi vào. Vào đây một ngày tôi đã được điều dưỡng hướng dẫn phân biệt các loại âm thanh ấy: “Tiếng chuông ngắn là của điện thoại nội bộ, tiếng chuông dài là điện thoại từ ngoài gọi vô”.
Hễ có tiếng chuông điện thoại dài là điều dưỡng hành chính hét lên: “Điện thoại ngoài, bác sĩ nào nghe đi”. Vì điện thoại ngoài thì hầu hết là của người nhà người bệnh gọi vào hỏi thăm tình hình bệnh của người đang nằm trong khoa, nên người nghe phải là bác sĩ để giải thích được.
Nhưng các bác sĩ thường ngại ngùng khi nghe những cuộc điện thoại này, vì bệnh thường nặng, không có tin gì vui vẻ để báo cho người nhà. Sau khi trả lời về diễn biến xấu của bệnh, chúng tôi nhận được những lời năn nỉ: “Bác sĩ cố cứu cho người nhà con…”, chúng tôi chỉ biết nhấn mạnh rằng đang cố hết sức cứu chữa đây.
Có lần người nhà của một bệnh nhân nữ gọi điện hỏi thăm, tôi vì muốn mang chút niềm vui cho gia đình bèn kể chị sáng nay có khá hơn, oxi trong máu lên cao hơn, ăn hết một tô cháo thịt đầy. Giọng người nhà ở đầu máy bên kia mừng rỡ, rối rít gửi gắm bác sĩ chăm sóc. Ai ngờ ngày hôm sau chị đi vào suy hô hấp nặng, phải đặt ống thở máy rồi tử vong.
Ca này thật làm tôi bối rối, không biết phải ăn nói ra sao với người nhà. Bệnh COVID-19 này có nhiều diễn biến bất ngờ, nhiều khi mới khỏe đấy rồi trở nặng và mất liền sau đấy, nhiều khi không thể dự báo trước được.
Việc thật sự không ai muốn làm là gọi điện thoại cho người thân của bệnh nhân để báo tử vong.
Nhưng rồi vẫn phải có một ai đó gọi. Thường là một bác sĩ cứng tuổi một chút hoặc điều dưỡng trưởng. Chúng tôi bấm máy, nghe đầu bên kia đã cầm máy, liền lấy giọng thật nhẹ nhàng nói liền một hơi.
– A lô, có phải đây là số máy của gia đình ông (bà/anh/ chị)… Chúng tôi ở bệnh viện dã chiến gọi.
– Dạ phải (giọng đầu bên kia run rẩy). Người nhà tôi có sao không bác sĩ?
– Chúng tôi rất đau buồn phải báo tin ông… đã không qua khỏi!
– Trời ơi (buông máy liền)…!
Ít ai bình tĩnh mà nghe hết thông tin chúng tôi muốn báo. Thường phải đợi một lúc cho người nhà bớt xúc động chúng tôi mới báo tiếp ngày giờ mất, các thủ tục nhận thi hài, số điện thoại của trại hòm… và một lần nữa gửi lời chia buồn.
Sau này, để chuẩn bị tâm lý cho gia đình bệnh nhân, khi tình trạng bệnh nhân trở nên nguy kịch, chúng tôi nhắc nhau gọi thông báo tình hình cho gia đình biết trước. Tuy nhiên, việc gọi điện báo tin xấu cho gia đình bệnh nhân vẫn là một việc nặng nhọc không ai muốn làm.
Việc thứ hai không ai muốn làm là khâm liệm thi hài người xấu số, mà trong công việc vội vã hàng ngày, việc này được nói ngắn gọn là “bó xác”.
Sau những nỗ lực cấp cứu thất bại, người bệnh tử vong, trên monitor hiện lên tim đã ngừng hoạt động, điện tim là một đường thẳng, chúng tôi chụp ảnh gửi ra bên ngoài báo tin rồi làm các thủ tục khâm liệm.
Đầu tiên vuốt mắt cho người bệnh, rồi tắt và tháo các máy móc trợ giúp. Rút các ống thở, ống thông, điện cực, dây truyền ra khỏi người bệnh. Sau đó tỉ mỉ lau sạch toàn bộ cơ thể.
Xem trong tủ đồ mang theo có bộ quần áo mới nào không thì thay. Thật là buồn, từ lúc người bệnh vào cho tới lúc mất không có người thân bên cạnh, nên việc lo toan cho chuyến đi cuối cùng của người bệnh chúng tôi làm rất tỉ mỉ.
Sau đó bó chân bó tay người đã mất lại, lồng vào trong lớp túi đặc biệt, kéo khóa lại, dán lên ngoài cùng nhãn bệnh truyền nhiệm nguy hiểm màu vàng. Thế là hết một kiếp người.
Cuối cùng chúng tôi gọi điện cho đội vận chuyển lên đưa thi hài đi. Do bệnh viện dã chiến hoạt động song song với bệnh viện thường, nên trên đường vận chuyển thi hài có những chỗ phải đi cắt qua vùng xanh. Vì thế công việc vận chuyển thi thể người đã mất bắt buộc phải đi kèm một nhân viên phun khử khuẩn. Nên vào những ngày đen đủi, trên hành lang bệnh viện chốc chốc lại có tiếng máy phun khử khuẩn hú lên rền rĩ, tiếng mọi người hối hả nhắc nhau đóng cửa lại, rồi tiếng xe trở thi hài lọc cọc lăn bánh qua.
Một cuộc tiễn đưa ảm đạm, hai nhân viên y tế người kéo người đẩy thi hài, một nhân viên khử khuẩn đi sau phun chất sát trùng, chuyến đi cuối cùng của đời người không thể vắng vẻ hơn. Không có người thân tiễn đưa. Mấy ngày sau gia đình sẽ nhận về một hũ tro cốt của người đã khuất.
Những ngày trong tâm dịch thật nặng nề!
Nguồn: Suckhoedoisong.vn