Đoàn kết từ nghìn trái tim cho sứ mệnh màu áo trắng
Hàng nghìn trái tim dưới màu áo Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) đã cùng nhau đoàn kết, chung tay góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường. Xuyên suốt hành trình chống dịch, các y bác sĩ vẫn duy trì công tác chuyên môn, cống hiến hết mình cho nền y học nước nhà.
Những ngày tim nóng
Nếu chưa từng trải qua, có lẽ không ai trong mỗi chúng ta có thể hình dung được TPHCM năng động và giàu nghĩa tình lại có một ngày lại trở nên vắng lặng, đìu hiu như những ngày trong tâm dịch.
Phía sau sự vắng lặng ấy – Là một cuộc chiến! Một cuộc chiến với đại dịch COVID-19 mà mỗi góc phố, mỗi nóc nhà, mỗi con người, cho đến từng hơi thở – đều bị cuốn vào cuộc đấu tranh giữa lằn ranh sinh tử. Và trong cuộc chiến ấy những trái tim mang đầy nhiệt huyết cùng sống chung dưới mái nhà BV ĐHYD TPHCM (UMC) với trái tim nóng hơn lửa đỏ đã cùng ngành y tế sẵn sàng vào tâm dịch để tất cả cùng nhau Ứng phó chủ động – Mạnh mẽ chống dịch – Chung sức vượt qua
Trong cuộc chiến ấy chúng ta không thể quên những trái tim “đầy lửa” như chàng bác sĩ trẻ Đặng Minh Hiệu với nụ cười bừng sáng, trong trẻo, lạc quan trước khi vào tâm dịch Bắc Giang, là BS Huỳnh Phương Nguyệt Anh với câu nói “Bắc Giang nóng 39 độ C, nhưng chúng tôi có trái tim nóng hơn”; là những ngày Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại TPHCM, một điều dưỡng phải chăm sóc 15 – 20 người bệnh, một kíp trực với 3 bác sĩ phải theo dõi, cấp cứu… cho hàng trăm người bệnh đang mong manh trước lằn ranh sinh tử.
Đã có những giọt nước mắt. Đã có những âu lo. Có cả những phút thoáng chùn chân, mỏi gối. Nhưng, những chiến binh áo trắng UMC vẫn từng ngày, từng giờ bám trụ nơi tuyến đầu chống dịch. Những con người nhỏ bé nhưng phi thường ấy đã cùng nhau xuyên suốt những ngày tháng khốc liệt nhất bởi trước dịch bệnh – chỉ có một cách hành xử là kiên cường đối mặt và chỉ có một con đường là tiến lên phía trước với trái tim hết lòng vì người bệnh, cùng sứ mệnh làm tròn trách nhiệm của bác sĩ – chiến sĩ trong cuộc chiến chống COVID-19.
Để rồi một ngày trong tháng 2 khi cuộc sống đã dần trở lại bình thường, những ngày tháng “đen tối” nhất đã trở thành bức tranh hồi ức lấp lánh những giọt mồ hôi và nước mắt, những trái tim từ UMC đã hát khúc khải hoàn đã trở về xứng đáng.
Vượt dịch vươn cao
Ngoài những dấu ấn gắn liền với COVID-19, UMC vẫn luôn nỗ lực thực hiện song song nhiệm vụ điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Trong năm 2021, đứng trước nhiều khó khăn về mặt nhân sự và các yêu cầu phòng dịch, Bệnh viện vẫn duy trì hoạt động với nhiều dấu ấn xứng tầm và vươn cao.
Tại bệnh viện, chất lượng khám chữa bệnh cho người dân tiếp tục được nâng cao, nâng tầm; các công trình nghiên cứu y khoa, tích cực đào tạo nguồn nhân lực về y tế tiếp tục được dựng xây và phát triển.
Những thành tựu chuyên môn, những ca ghép tạng thành công, những kỹ thuật mới… vẫn được triển khai mang lại hiệu quả điều trị cho người bệnh. Trong trạng thái bình thường mới này, UMC vẫn sẽ không ngừng sáng tạo và phát triển.
Như một hạt mầm mới nảy nở sau bão giông, UMC mang trong mình nhiều nhựa sống mới. Những kinh nghiệm, những bài học chắt chiu từ bao giọt mồ hôi, những niềm vui đong đầy bao nước mắt… đều đã làm cho UMC càng thêm mạnh mẽ.
Sức mạnh ấy là trái ngọt của sự đoàn kết của tất cả chúng ta, của tình yêu và trách nghiệm của mỗi thành viên dành cho nghề y, cho sứ mệnh mà chúng ta đã lựa chọn và theo đuổi.
Nói về hành trình trong một năm vừa qua, PGS TS BS. Nguyễn Hoàng Bắc – Giám đốc Bệnh viện đã chia sẻ: “Đại dịch COVID-19 bùng phát trong năm 2021 đã làm ảnh hưởng đến mọi hoạt động của Bệnh viện. Công tác phòng chống đại dịch khốc liệt với muôn vàn những khó khăn chưa từng có tiền lệ. Thế nhưng việc thấm nhuần và phát huy những giá trị cốt lõi, văn hóa Bệnh viện đã được đúc kết từ các thế hệ đi trước, các thành viên của UMC đã tự mình tôi luyện ý chí, vượt qua những giới hạn, không ngừng cống hiến, phát triển bản thân để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đó là văn hóa lấy người bệnh làm trung tâm, luôn đặt sức khỏe và tính mạng của người bệnh lên hàng đầu; là văn hóa Thầy Trò – không ngừng học hỏi, hỗ trợ nhau trong công việc. Đó còn là văn hóa không chùn bước trước những khó khăn, thử thách… Tất cả vì một mục tiêu chăm sóc, điều trị tốt nhất cho người bệnh, hoàn thành sứ mệnh của một nhân viên y tế”.
Nguồn: SKĐS