Hà Nội cần 1,7 triệu liều vaccine COVID-19 để tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi
Theo đề nghị của Hà Nội, để tiêm đủ mũi vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi, TP cần khoảng 1,7 triệu liều vaccine COVID-19.
32% phụ huynh còn băn khoăn vì học sinh chưa được tiêm vaccine
Báo cáo tại cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 2/11, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, TP có hơn 2.800 trường học với xấp xỉ 2,1 triệu học sinh. Ngoài ra, còn có khoảng 1,1 triệu sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Qua điều tra xã hội học, có 78% phụ huynh mong muốn đưa con em trở lại trường, 32% phụ huynh còn băn khoăn vì học sinh chưa được tiêm vaccine.
Trên cơ sở thực hiện tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em, thành phố sẽ thực hiện dần từng bước cho học sinh trở lại trường. Trước mắt, từ ngày 8/11, tại 18 huyện, thị xã sẽ cho học sinh các lớp đầu cấp và cuối các cấp học (các lớp 5, 6, 9, 10 và 12) học trực tiếp tại trường học. Từng trường học phải đánh giá an toàn theo 16 tiêu chí.
Theo đề nghị của Hà Nội, để tiêm đủ mũi vaccine cho trẻ em từ 12-17 tuổi, Hà Nội cần khoảng 1,7 triệu liều vaccine COVID-19. Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ tiêm vaccine cho trẻ trong quý IV/2021 và quý I/2022.
Việc triển khai theo lứa tuổi từ cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch của thành phố.
Cụ thể, khi nguồn vaccine chưa đủ, việc phân bổ số lượng vaccine cho các quận, huyện, thị xã được triển khai theo thứ tự ưu tiên, đó là: Có ca F0 mới, có mật độ dân cư cao, có nhiều địa điểm thường tập trung đông người, nhiều ngành nghề dịch vụ, nhiều trường học, giáp ranh các tỉnh có dịch bệnh diễn biến phức tạp, cửa ngõ giao thông đi lại, có khu cách ly tập trung… Khi có đủ vaccine, việc triển khai được tiến hành đồng loạt trên toàn thành phố.
Số ca mắc trung bình trong ngày tăng mạnh
Hiện Hà Nội có các ổ dịch lớn, phức tạp như: Ổ dịch liên quan salon tóc Mẹ Ớt (Trần Quang Diệu, Đống Đa) với 36 ca mắc từ ngày 23/10; ổ dịch thị trấn Quốc Oai với 110 ca mắc từ 24/10; ổ dịch xã Tiến Thắng – Mê Linh với 64 ca mắc (từ 27/10); ổ dịch Lĩnh Nam – Hoàng Mai ghi nhận 16 ca mắc (từ 30/10); ổ dịch Lê Đức Thọ – Nam Từ Liêm ghi nhận 4 ca (từ 31/10). Mới nhất là ổ dịch An Khánh – Hoài Đức cùng lúc phát hiện 8 người mắc COVID-19 (được công bố ngày 1/11).
Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết tới hết ngày 1/11, tổng số mũi tiêm vaccine cho người dân trên địa bàn thành phố là hơn 9,6 triệu; trong đó có hơn 6 triệu mũi 1 (đạt 92,3% dân số trên 18 tuổi và 69,4% tổng dân số), trên 3,6 triệu mũi 2 (đạt 55,4% dân số trên 18 tuổi và 41,6% tổng dân số). Số người trên 50 tuổi được tiêm vaccine đến nay đạt tỷ lệ mũi 1 là 79,01%, mũi 2 là 45,9%.
Dự kiến ngày 15/11, thành phố có khoảng 1 triệu người trên 50 tuổi đến hạn tiêm trả mũi 2.
Bà Hà cho biết, tình hình dịch trên địa bàn Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, từ ngày 11/10 đến nay, số ca mắc trung bình trong ngày tăng mạnh so với thời gian từ ngày 21/9 đến ngày 10/10 (giai đoạn Hà Nội nới lỏng giãn cách).
Cụ thể, từ 11/10 đến nay, bình quân Hà Nội ghi nhận 21 ca/ngày so với 5,7 ca/ngày giai đoạn trước đó. Hà Nội cũng liên tục ghi nhận các chuỗi lây nhiễm phức tạp liên quan tới việc tập trung đông người. Đặc biệt từ ngày 28/10 đến ngày 1/11, số ca nhiễm lên bình quân từ 33-57 ca/ngày.
Theo bà Nhị Hà, dịch xâm nhập từ các địa phương có dịch diễn biến phức tạp và việc tập trung đông người do áp dụng nới lỏng vẫn là nguy cơ hiện hữu, tiếp tục gia tăng. Kết hợp với việc tập trung đông người do áp dụng nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, dự báo thời gian tới Hà Nội sẽ tiếp tục ghi nhận các chuỗi lây nhiễm phức tạp và có nguy cơ cao nếu không quản lý chặt chẽ và có các biện pháp hành chính phù hợp kèm theo.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn