Hội thảo “Định hướng phát triển sản phẩm du lịch y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh”
Lãnh đạo Sở Du lịch và Sở Y tế ký kết liên tịch phát triển du lịch y tế tại TP.HCM
Theo đó, 5 sản phẩm du lịch y tế dự kiến sẽ ra mắt trong năm 2017 bao gồm: (1) Tổ chức toạ đàm “Định hướng phát triển sản phẩm du lịch y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh”; (2) Xây dựng tiêu chí để các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM tham gia hoạt động “Du lịch y tế” dành cho khách du lịch trong và ngoài nước đến khám chữa bệnh kết hợp du lịch tại TP.HCM; (3) Phát hành cẩm nang, bản đồ “Du lịch y tế Thành phố Hồ Chí Minh”; (4) Tổ chức ngày hội “Du lịch Nha khoa 2017”; (5) Đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến sản phẩm du lịch y tế.
Tham dự hội thảo có gần 40 công ty lữ hành và các bệnh viện, các phòng khám thuộc các chuyên khoa như: răng hàm mặt, phẫu thuật tạo hình – thẩm mỹ, y học cổ truyền, sản phụ khoa, … và lãnh đạo của 2 Sở Du lịch và Sở Y tế.
PGS.TS Lê Hành- Chủ tịch Hội phẫu thuật thẩm mỹ TP Hồ Chí Minh tham luận về sản phẩm du lịch y tế
Các chuyên gia của ngành y tế Thành phố đều nhìn nhận các bệnh viện đầu ngành trên địa bàn thành phố như BV Chợ Rẫy, bệnh viện Đại học y dược TP.HCM, bệnh viện Răng hàm mặt, bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Nhi đồng 1,… đều đã có khách hàng là khách du lịch nhưng theo dạng tự phát. Theo các chuyên gia, mỗi ngày vào sáng sớm có những chuyến xe chở khách từ các tỉnh đến và dừng trước cổng bệnh viện để khách vào khám chữa bệnh, đến chiều xe đến chở khách về, hình ảnh này khá quen thuộc tại các bệnh viện đầu ngành trên địa bàn thành phố.
Theo ước tính của Sở Du lịch, hàng năm con số người Việt Nam đi du lịch nước ngoài kết hợp khám chữa bệnh lên đến 50.000 người với chi phí lên đến 2 tỷ đô la. Gần đây, tại BV ĐHYD, bên cạnh số người bệnh Campuchia mỗi ngày đến BV khám chữa bệnh, còn có khách của các nước khác đến từ châu Âu, và bệnh viện chuẩn bị triển khai 2 phòng khám chuyên dành riêng cho khách nước ngoài. Tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, còn có những đoàn khách đến từ Châu Âu, Mỹ,… do các công ty du lịch nước ngoài đưa đến Viện để học dưỡng sinh, châm cứu, các bài thuốc chữa bệnh theo y học cổ truyền Việt Nam. Đông nhất, vẫn là khách nước ngoài, Việt kiều đến các cơ sở Nha khoa tại TP.HCM để chữa răng, làm nha khoa thẩm mỹ. Theo các chuyên gia quản lý của ngành y tế, thế mạnh của các cơ sở y tế tại TP.HCM có thể cạnh tranh với các nước về du lịch y tế là chất lượng tay nghề cao của các bác sĩ, đáp ứng yêu cầu về thời gian của khách du lịch, và nhất là giá thành thấp và rất cạnh tranh nếu so với các nước Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc,…
Tại hội thảo, Sở Y tế giới thiệu dự thảo các tiêu chí để các cơ sở y tế công lập và tư nhân rà soát và đăng ký tham gia hoạt động du lịch y tế, bao gồm: Tiêu chí về đảm bảo cơ sở y tế hoạt động hợp pháp và chất lượng, Tiêu chí về điều kiện cơ sở vật chất, Tiêu chí về điều kiện chuyên môn kỹ thuật, Tiêu chí về điều kiện khám sức khoẻ, Tiêu chí về giá và phương thức thanh toán.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Du lịch và ông Tăng Chí Thượng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đều thống nhất: tiềm năng du lịch y tế của Thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn, để tiềm năng này trở thành hiện thực rất cần cơ quan quản lý nhà nước của 2 ngành du lịch và y tế phối hợp để định hướng, quảng bá và xúc tiến triển khai, trong đó các sản phẩm du lịch y tế phải hướng đến cả khách du lịch trong nước và nước ngoài. Lãnh đạo 2 Sở thống nhất duy trì tổ công tác liên ngành để tiếp tục thực hiện các sản phẩm du lịch y tế theo nội dung đã ký kết./.