Lằn ranh sinh tử ở Bệnh viện Thanh Nhàn
Tại Bệnh viện Thanh Nhàn nơi thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch tại Hà Nội, các y bác sĩ đang cùng nhau viết nên những câu chuyện diệu kỳ giữa lằn ranh sinh tử…
Bên trong khu điều trị bệnh nhân dường như không có khái niệm về thời gian, bởi guồng quay công việc 24/7 cực kỳ khắc nghiệt. Trong không gian chật chội đầy rẫy những rủi ro đó, các chiến binh áo trắng nếm trải đủ mọi cung bậc cảm xúc, từ hạnh phúc vỡ òa khi bệnh nhân thoát lưỡi hái tử thần để trở về với cuộc sống đời thường, tới những giọt nước mắt xót xa, cảm giác bất lực, ám ảnh khi chứng kiến những người bị COVID-19 cướp đi sự sống…
Vượt khó khăn, hoàn thành tốt mục tiêu kép
Chúng tôi ghé thăm khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) vào một ngày đầu tháng 1/2022. Trái ngược với không khí rộn ràng của những ngày cận Tết bên ngoài, ở nơi đây, các y bác sĩ dường như không có khái niệm về thời gian, bởi guồng quay công việc cực kỳ khắc nghiệt. Chưa bao giờ ranh giới giữa sống và chết lại mong manh, rõ rệt đến vậy, tất cả gần như được định đoạt chỉ trong một khoảnh khắc.
Theo BSCKII Nguyễn Thị Lan Hương – Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn, kể từ đầu năm 2020, Bệnh viện trở thành “pháo đài cuối cùng” thu dung, điều trị các bệnh nhân COVID-19 có bệnh nền và mức độ nguy kịch tại Hà Nội. Chỉ tính riêng từ đầu đợt dịch thứ 4 (4/2021) tới nay, Bệnh viện đã điều trị cho 1.376 bệnh nhân COVID-19 (chữa khỏi cho 1.142 trường hợp). Cao điểm vào cuối tháng 8/2021, đơn vị tiếp nhận tới 250 trường hợp.
Bệnh viện Thanh Nhàn được Sở Y tế Hà Nội giao cho nhiệm vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 tầng 2 và tầng 3 theo mô hình tháp 3 tầng. Với cơ số 250 giường tầng 3 và 100 giường tầng 2, bệnh viện đã sắp xếp một khu điều trị riêng biệt với cầu thang riêng và quy trình đi một chiều. Bên trong khu điều trị, bệnh viện bố trí đầy đủ các trang thiết bị y tế cần thiết như: Máy thở, máy lọc máu, máy ECMO…
Trong quá trình điều trị, những loại thuốc về COVID-19, thuốc kháng đông, chống viêm, kháng sinh… được chuẩn bị một cách chu đáo. Hiện tại Bệnh viện đang thu dung, điều trị cho 180 bệnh nhân (trong đó có 80 trường hợp nặng và nguy kịch). Đa phần các bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch thường là những trường hợp lớn tuổi, có nhiều bệnh nền và chưa tiêm vaccine, nên quá trình điều trị gặp rất nhiều khó khăn, vất vả.
Nói về những thuận lợi, khó khăn trong giai đoạn dịch bệnh, bác sĩ Hương cho biết thêm, được sự quan tâm, giúp đỡ của các ban ngành đoàn thể, Bệnh viện Thanh Nhàn đã từng bước hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Về khó khăn, do dịch bệnh diễn biến kéo dài, từ tháng 2/2020 tới nay, Bệnh viện Thanh Nhàn bắt đầu thu dung, điều trị các trường hợp F0. Nhân lực hiện tại của đơn vị ngoài việc phải chăm sóc, điều trị các bệnh nhân COVID-19, còn phải đảm bảo các hoạt động chuyên môn khác, nên nhiều lúc rơi vào tình trạng quá tải. Một vấn đề nan giải nữa là đối với bệnh nhân COVID-19, Bệnh viện chưa được thanh quyết toán tiền điều trị, vẫn đang phải tự chủ. Để khắc phục những khó khăn, đơn vị luôn tận dụng tối đa nguồn tài trợ từ bên ngoài, nhằm tạo điều kiện tốt nhất để điều trị cho người bệnh.
Khoảnh khắc diệu kỳ
Chúng tôi đang muốn nhắc tới câu chuyện về bệnh nhân Hoàng Văn N. (48 tuổi) liên quan tới ổ dịch Tân Mai dương tính với COVID-19 ngày 29/7/2021.
Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, bác sĩ Lê Văn Dẫn – Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: Anh N. được chuyển từ Bệnh viện Đống Đa tới Bệnh viện Thanh Nhàn trong tình trạng nặng, tổn thương phổi, khó thở, co kéo cơ hô hấp và đặc biệt trong tình trạng viêm của “cơn bão Cytokine”.
Thời điểm tiếp nhận, bệnh nhân vẫn nhận thức được nhưng vô cùng sợ hãi. Với tình trạng bệnh nhân nặng như vậy, phía bệnh viện đã lập tức cho thở oxy, thở máy HFNC dòng cao, kết hợp biện pháp lọc máu hấp thụ. Tuy vậy, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân vẫn không có cải thiện nhiều. Tới ngày thứ tư, bệnh nhân xuất hiện tình trạng suy hô hấp nặng.
Lúc này, các biện pháp như lọc máu hấp thụ kết hợp thở máy oxy dòng cao không có cải thiện, các y bác sĩ đã tiến hành đặt ống nội khí quản cho bệnh nhân kết hợp thở máy. Quá trình theo dõi, ê-kíp điều trị không thấy có cải thiện về mặt hô hấp, mức độ oxy hóa máu của bệnh nhân rất thấp, có thời điểm xuống 55%. Đây được xem là tình huống nguy cấp.
Khi bệnh nhân đứng giữa lằn ranh mong manh sống-chết, nhóm y bác sĩ đã tiến hành hội chẩn vòng trong, vòng ngoài và quyết định sử dụng phương pháp cuối cùng là ECMO. Trước khi đặt ECMO, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu. Đây là ca đầu tiên Bệnh viện Thanh Nhàn tiến hành ECMO, cũng là ca đầu tiên của Sở Y tế Hà Nội.
Ngay trong đêm trực, khoảng 23h, đứng trước tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng như vậy, ê-kíp đã không còn lựa chọn nào khác là phải dùng tới ECMO. Sau khi đã đặt hệ thống ECMO, nhóm trực theo dõi sát sao nhiều tiếng đồng hồ. Thời gian lúc đó thực sự như ngưng lại, tất cả mọi người đều có chung cảm xúc căng thẳng, hồi hộp.
Và rất may mắn, sau nhiều giờ trôi qua, các chỉ số của bệnh nhân dần diễn tiến tốt. Bên cạnh ECMO, các y bác sĩ vẫn kiên trì kết hợp điều trị bằng nhiều biện pháp hỗ trợ như lọc máu hấp thụ, điều trị bằng thuốc.
Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Thanh Nhàn có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ giữa vòng trong, vòng ngoài. Ảnh: Tuấn Anh
Có thể nói trong khoảnh khắc nguy kịch của bệnh nhân như vậy, nếu chỉ cần chậm trễ can thiệp kỹ thuật ECMO thì tính mạng khó mà giữ được. Trong những ngày tiếp theo, bệnh nhân dần nhận thức trở lại, khiến cả ê-kíp gần như vỡ òa trong sung sướng. Khi các chỉ số về huyết áp của bệnh nhân đã tốt lên, các bác sĩ đã dừng các thuốc vận mạch.
Tình trạng ca bệnh này khôi phục dần dần, nhưng tổn thương phổi vẫn còn nặng nề. Trước tình huống đó, nhóm điều trị đặt ra vấn đề, có nên rút ống thở cho bệnh nhân, hay phải can thiệp thêm biện pháp mở khí quản.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, cùng những quyết định sáng suốt, đúng thời điểm, các bác sĩ đã hỗ trợ bệnh nhân cai dần máy thở, cố gắng rút ống nội khí quản. Đây là lựa chọn được xem là tốt nhất cho bệnh nhân. Quá trình mở khí quản diễn ra rất thuận lợi và cuối cùng bệnh nhân đã cai hoàn toàn được máy thở. Trước khi chuyển về khu điều trị sau COVID-19, bệnh nhân đã cho kết quả xét nghiệm PCR âm tính 2 lần liên tiếp. Trải qua 50 ngày điều trị, bệnh nhân đã bình phục hoàn toàn, xuất viện để trở về với cuộc sống đời thường.
Nói về hành trình các y bác sĩ tại Bệnh viện Thanh Nhàn giành giật sự sống lại cho mình, anh Hoàng Văn N. (48 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai) chỉ biết thốt lên 2 từ “kỳ diệu” và trực trào những giọt nước mắt hạnh phúc, lẫn biết ơn lực lượng ngành y tế không quản ngại hiểm nguy nơi tuyến đầu chống dịch.
Nguồn: SKĐS