Mắc COVID-19 rồi, trẻ có nên tiêm vaccine?
Sở Y tế Hà Nội cho biết tính đến hết ngày 11/12, đã có gần 638.000 trẻ từ 12-17 tuổi tiêm vaccine COVID-19. Còn khoảng hơn 56.000 trẻ ở Hà Nội chưa được tiêm một mũi vaccine nào.
Theo báo cáo tình hình dịch của Bộ Y tế tính tới cuối giờ chiều 11/12, có gần 75 triệu người ở Việt Nam đã tiêm vaccine COVID-19, trong đó hơn 57 triệu người tiêm đủ 2 mũi.
Với đối tượng là người từ 18 tuổi trở lên, tính tới hết ngày 10/12, hơn 69 triệu người đã tiêm ít nhất 1 mũi, khoảng 56 triệu đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 96,7% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 78,2% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Với đối tượng là trẻ em từ 12-17 tuổi, tới hết ngày 10/12, gần 6,9 triệu liều vaccine đã được tiêm, trong đó có gần 5,69 triệu liều mũi 1 và hơn 1,2 triệu liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 62,3% và tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều là 13,2% dân số từ 12 -17 tuổi.
Tại Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội ngày 12/12 cho biết tính đến hết ngày 11/12, đã có gần 638.000 trẻ từ 12-17 tuổi ở Thủ đô tiêm vaccine COVID-19. Còn khoảng hơn 56.000 trẻ ở Hà Nội chưa được tiêm một mũi vaccine nào.
Hà Nội dự kiến tiêm vaccine cho gần 700.000 trẻ trong độ tuổi này. Như vậy, từ 23/11 đến nay, đã có hơn 92% trẻ 12-17 tuổi ở Thủ đô đã tiêm vaccine COVID-19.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tới hết 10/12, có 606 trẻ ở Hà Nội đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Việc tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi ở Hà Nội thực hiện bởi các bệnh viện tuyến Trung ương và cơ sở y tế của Hà Nội.
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn để triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 12-17 tuổi. Tất cả các địa phương trong cả nước đang tiến hành triển khai tiêm cho các đối tượng này. Để bảo vệ nhóm trẻ nhỏ hơn phòng COVID-19, Bộ Y tế đang xem xét kế hoạch bao gồm lựa chọn vaccine theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, nhà sản xuất, đồng thời các đơn vị liên quan sẽ xem xét theo quy định hiện hành. Tiếp theo Bộ Y tế sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể tiêm vaccine cho đối tượng trẻ này.
Theo bà Hồng, hiện nay chỉ có một số ít các quốc gia đang triển khai tiêm vaccine cho nhóm trẻ nhỏ từ 5 – 11 tuổi. Ngay sau khi được Chính phủ, Bộ Y tế triển khai cho nhóm đối tượng nhỏ hơn thì ngành y tế, cán bộ y tế sẽ thông tin đến các bậc cha mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng vaccine COVID-19.
Ông Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho hay việc tiêm vaccine phòng COVID-19 cho lứa tuổi 5 – 11 và 12 – 17 là cần thiết vì giúp phòng bệnh cho các em và đưa trẻ em sớm trở lại trường học, phù hợp với quan điểm xã hội học trong tình hình hiện nay. Nghiên cứu vaccine được thực hiện trên nhiều đối tượng, nhiều quốc gia vì vậy việc triển khai tiêm phòng vaccine cho nhóm trẻ em là hoàn toàn có cơ sở.
Trước tình hình xảy ra một số biến cố bất lợi sau tiêm, Bộ Y tế đã triển khai tập huấn lại công tác sàng lọc, phát hiện và xử trí các biến chứng sau tiêm trên toàn quốc với sự tư vấn và hỗ trợ của các chuyên gia đầu ngành cũng như các bệnh viện tuyến Trung ương, mục tiêu là để các tuyến y tế cơ sở chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả.
Theo ông Tùng, những người (bao gồm trẻ nhỏ trong lứa tuổi cho phép tiêm vaccine) nếu đã nhiễm COVID-19 vẫn nên tiêm vaccine COVID-19 sau 6 – 8 tháng. Các nghiên cứu cho thấy sau tiêm vaccine cho các đối tượng này thì kháng thể trong cơ thể có thể đạt tới nồng độ hiệu quả chống lại COVID-19.
Với việc tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, bà Hồng cho biết, đến hiện nay Bộ Y tế đã có hướng dẫn đối với người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng thì cần tiêm mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày.
Các nhóm đối tượng còn lại thì tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi tiêm cuối cùng của liều cơ bản. Lịch tiêm này áp dụng cho tất cả các loại vaccine đã triển khai ở Việt Nam.
Nguồn: SKĐS