Mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống dại năm 2016
Tham dự buổi mít tinh có đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An; đồng chí Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế; bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn; cùng đại diện đại diện các tổ chức phi chính phủ; đại diện Lãnh đạo các Vụ/Cục liên quan của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp; đại diện lãnh đạo các sở ban ngành và đông đảo CBCS, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Đồng chí Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế phát biểu tại lễ mít tinh
Bệnh dại là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, bệnh lây từ động vật sang người. Nguồn truyền nhiễm chủ yếu là từ chó mắc bệnh dại. Theo thống kê của ngành y tế, từ năm 2013 đến tháng 8 năm 2016, đã có 37 người chết vì bệnh dại, gần 1.000 người tiêm huyết thanh kháng dại, hơn 25.000 người phải tiêm vắc xin phòng dại do bị súc vật nghi dại cắn. Chỉ tính riêng tiền vắc xin đã phí tổn khoảng 30 tỷ đồng, chưa nói đến gây tổn hại đến sức khỏe và tinh thần của người dân. Nguyên nhân của việc gia tăng bệnh dại chủ yếu là do đàn chó, mèo nuôi không được tiêm phòng vắc xin triệt để; hiện tượng chó, mèo nuôi thả rông không được quản lý còn phổ biến; trong khi đó, ý thức của người dân về phòng chống bệnh dại còn chưa cao…
Đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu
Phát biểu tại lễ mít tinh, Đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu trong thời gian tới, các sở ban ngành tập trung thực hiện một số nội dung: Đối với Chủ tịch UBND các huyện, thành thi, cần chỉ đạo thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đao của UBND tỉnh, hướng dẫn của ngành y tế và ngành nông nghiệp về phòng chống bệnh dại ở động vật; đảm bảo đầy đủ số lượng vắc xin, huyết thanh phòng bệnh dại để xử lý kịp thời cho người nghi bị chó, mèo dại cắn; tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển, buôn bán chó, mèo theo đúng quy định; tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về sự nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng chống. Đồng thời , đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã kêu gọi lãnh đạo, cán bộ và nhân dân các huyện, thành, thị hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh dại năm 2016 với chủ đề “Truyền thông và tiêm phòng tiến tới loại trừ bệnh dại”.
Tại lễ mít tinh, có 3 tập thể và 1 cá nhân được tặng các giải thưởng xuất sắc trong hoạt động phòng, chống bệnh dại tại Việt Nam.
Ngày Thế giới Phòng chống bệnh Dại được tổ chức tại khắp 100 quốc gia khác nhau vào ngày 28 tháng 9 hoặc xung quanh thời điểm này hàng năm, là thời điểm mà công chúng và các nhà chức trách bày tỏ cam kết nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh dại và nỗ lực loại trừ căn bệnh chết người này. Năm nay, thế giới kỉ niệm 10 năm ngày WRD, một cột mốc trong phòng bệnh dại, qua việc quảng bá sử dụng vắc xin dại an toàn hiệu quả cho động vật và người, qua việc khuyến khích cộng đồng cùng tham gia phòng bệnh. Những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng với nỗ lực loại trừ bệnh dại thông qua các hoạt động phối hợp liên ngành giữa Bộ Nông Nghiệp và PTNT, Bộ Y tế và chính quyền địa phương. Tính tới thời điểm này cả nước ghi nhận 49 người chết vì bệnh dại tại 20 tỉnh, thành phố so với 58 người chết tại 22 tỉnh, thành phố cùng kỳ năm ngoái. Tiến bộ này chứng tỏ chính phủ Việt Nam đang đi đúng hướng để loại trừ bệnh dại. Tuy nhiên, giai đoạn cuối cùng là khó khăn nhất và Việt Nam cần phải tiếp tục hành động mạnh mẽ để có thể đạt được mục tiêu loại trừ bệnh dại của ASEAN vào năm 2020. Ngày Thế giới Phòng chống bệnh Dại năm nay được tổ chức tại tỉnh Nghệ An vào ngày 24 tháng 9 với sự tham dự của cộng đồng, chính quyền địa phương và đại điện ngành thú y, y tế từ các tỉnh vẫn còn bệnh dại trên người và động vật. Tại sự kiện này, đại diện chính quyền địa phương, người dân và hàng trăm sinh viên sẽ thể hiện cam kết hợp tác, cùng tham gia nhảy flashmob tập thể để quảng bá tiêm phòng và kêu gọi cộng đồng tích cực phòng bệnh. Loại trừ bệnh dại ở Việt Nam vào năm 2020 đòi hỏi cam kết chính trị bền vững và nhất quán, năng lực mạnh mẽ của hai ngành y tế và thú y. “Bệnh dại là vấn đề lo ngại toàn cầu và tất cả chúng ta có thể góp phần loại trừ căn bệnh này. Bằng việc truyền thông tới cộng đồng về các biện pháp phòng chống, tiêm phòng cho chó để chặn đứng bệnh này tại gốc, chúng ta không chỉ góp phần cứu sống người dân mà còn góp phần loại trừ bệnh dại ở khắp nơi” ông Jong-Ha Bae Trưởng Đại Diện của FAO và ông Lokky Wai, Trưởng Đại Diện của WHO đồng nhận định. Sự cam kết và chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh của chính quyền địa phương tại các tỉnh có bệnh dại là hết sức cần thiết để ngăn ngừa và kiểm soát sự lây lan dịch bệnh “Loại trừ bệnh dại là khả thi với điều kiện ít nhất 70% đàn chó thực tế được tiêm phòng và người dân chủ động đến cơ sở y tế để tư vấn và tiêm phòng khi bị chó cắn . Việc phát hiện và ngăn chặn sớm chỉ có thể đạt được thông qua phối hợp chặt chẽ và chia sẻ nguồn lực giữa các ngành. Ngày Thế giới Phòng chống Bệnh bại là cơ hội để chúng ta cùng tăng cường sự phối hợp và khẳng định việc cam kết này |
Một số hình ảnh tại lễ mít tinh
Các đại biểu tham dự lễ mít tinh
Đ/c Đặng Quang Tấn, PGS.TS Lê Quỳnh Mai và đ/c Nguyễn Thị Thu Thủy trao giải thưởng cho các tập thể và cá nhân
Các đại biểu ký cam kết hành động chung tay phòng, chống bệnh dại
Toàn cảnh lễ mít tinh
Người dân đồng loạt đưa vật nuôi của mình tới tiêm phòng
Ban biên tập Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế