Ngành Y tế Hà Tĩnh thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe người có công
Bên cạnh thực hiện nhiều chính sách ưu tiên trong khám chữa bệnh đối với người có công, hàng năm, ngành Y tế đã tổ chức nhiều đợt khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí, truyền thông giáo dục sức khỏe cho người có công và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực của những người làm công tác y tế thể hiện lòng tri ân, là nghĩa cử cao đẹp trong truyền thống văn hóa “Uống nước nhớ nguồn” đối với những người đã ngã xuống, hy sinh xương máu cống hiến vì nền độc lập tự do của Tổ quốc,
Nhiều chính sách ưu tiên trong khám chữa bệnh đối với người có công.
Thời gian qua ngành Y tế Hà Tĩnh đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho người có công. Theo đó, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đều duy trì thực hiện tốt quy định ưu tiên trong khám, chữa bệnh đối với đối tượng người có công như: bố trí phòng ưu tiên tại khoa khám bệnh dành riêng cho các đối tượng người có công, phân công nhân viên hỗ trợ các đối tượng người có công đã tuổi cao, sức yếu, khó khăn trong việc đi lại khám chữa bệnh tại đơn vị, không để người có công phải chờ đợi lâu. Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Ngụ, 85 tuổi, xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ chia sẻ: “Mỗi lần ốm đau, tôi thường đến bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ để khám, đến đây được cán bộ y tế tiếp đón tận tình, dẫn đi làm thủ tục, được đến phòng khám ưu tiên dành cho người có công, bác sĩ hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo. Các thủ tục nhanh gọn, nên không phải chờ đợi lâu, tôi thấy rất hài lòng khi đến đây khám chữa bệnh”.
Tại các khoa điều trị nội trú của các bệnh viện đều bố trí ưu tiên phòng riêng, đảm bảo đầy đủ phương tiện, đồ dùng thiết yếu cho các đối tượng người có công, nhất là các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và thương binh nặng. Hỗ trợ chế độ ăn uống cho các đối tượng có công có hoàn cảnh khó khăn khi vào điều trị tại các bệnh viện. Phân công cán bộ, đoàn viên thanh niên chăm sóc ăn uống, thuốc men, vệ sinh cá nhân hàng ngày cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và thương bệnh binh nặng. Ban Giám đốc và các nhân viên thường xuyên thăm hỏi, động viên những đối tượng có công đang điều trị tại bệnh viện. Khi bệnh nhân cần phải chuyển tuyến do quá khả năng chuyên môn thì các bệnh viện đã tạo điều kiện bố trí xe, cán bộ hộ tống vận chuyển bệnh nhân lên tuyến cao hơn an toàn và kịp thời. Bác Nghiêm Sĩ Giáp, xã Đức Yên, huyện Đức Thọ, người cháu của Mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Hanh, chia sẻ về quá trình Mẹ Hanh còn sống: “Mẹ Hanh chỉ có duy nhất một người con, nhưng cả chồng và con đều hy sinh, từ đó Mẹ sống một mình. Tuy nhiên, Mẹ luôn nhận được sự quan tâm, chăm sóc của Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ. Đặc biệt, năm 2013 Mẹ ốm nặng được lãnh đạo bệnh viện bố trí xe đưa Mẹ đến Bệnh viện điều trị nội trú và cử cán bộ hàng ngày chăm sóc ăn uống, thuốc men, vệ sinh cá nhân cho Mẹ; bố trí phòng ưu tiên, với đầy đủ phương tiện phục vụ Mẹ. Do tuổi cao sức yếu Mẹ ra đi, nhưng hình ảnh của cán bộ bệnh viện tận tình chăm sóc Mẹ mãi hiện hữu trong tôi”.
Tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho người có công.
Thời gian qua, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức thăm hỏi, tặng quà, khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người có công. Từ năm 2012 đến nay, các đơn vị đã tổ chức hơn 130 đợt khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 10 ngàn người có công trên toàn tỉnh, với giá trị gần 02 tỷ đồng; trong đó các hoạt động lồng ghép của Chương trình Quân dân y kết hợp đã tổ chức nhiều đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách tại các xã biên giới, ven biển đem lại hiệu quả và sức lan tỏa góp phần thực hiện chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước tạo sự gắn kết giữa quân với dân và người có công trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các đơn vị còn tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng qùa cho đối tượng có công, đặc biệt các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh, thân nhân gia đình liệt sĩ vào các ngày lễ 26/3, 27/7 và Tết Nguyên đán. Trong 5 năm qua, một số đơn vị đã có nhiều hoạt động thăm hỏi, động viên, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho người có công như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tổ chức 50 đợt khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 5.000 đối tượng người có công, với giá trị trên 600 triệu đồng; Bệnh viện Đa khoa Kỳ Anh đã tổ chức 20 đợt khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 4.000 đối tượng người có công với giá trị trên 160 triệu đồng; Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Khê đã tổ chức 08 đợt khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 750 đối tượng người có công, với giá trị trên 280 triệu đồng; Bệnh viện Đa khoa huyện Hương Sơn đã tổ chức 05 đợt khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho 975 đối tượng người có công, với giá trị trên 210 triệu đồng…
Đồng thời, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị nhận phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đến nay đã có 05 đơn vị nhận phụng dưỡng 06 bà mẹ Việt Nam anh hùng, từ 05 năm đến 13 năm, trong đó có 04 mẹ đã mất. Hàng tháng các đơn vị đã cử cán bộ đến nhà thăm hỏi, động viên và khám, cấp phát thuốc và hỗ trợ các Mẹ từ 200 ngàn đến 500 ngàn đồng/tháng. Ngoài ra, vào các ngày lễ, Tết Lãnh đạo các đơn vị còn đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các Mẹ. Khi các Mẹ ốm, Bệnh viện cử xe đưa, đón đến điều trị, chăm sóc tại bệnh viện và phân công đoàn viên thanh niên chăm sóc ăn uống, thuốc men, vệ sinh cá nhân hàng ngày; bố trí phòng ưu tiên, với đầy đủ phương tiện phục vụ các Mẹ.
Bà Phạm Thị Thỉu, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, là con dâu của Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Vơn kể về câu chuyện của Mẹ Vơn trong niềm xúc động: “Trước khi qua đời mẹ chúng tôi (Mẹ Vơn) được cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh nhận phụng dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho Mẹ từ năm 2000 đến tháng 5/2013. Mỗi tháng Mẹ được hỗ trợ 300 ngàn, ngoài ra Mẹ được cán bộ Trung tâm đến tại nhà thăm hỏi động viên, khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí. Mặc dù người thân Mẹ đã hy sinh cho Tổ quốc nơi chiến trường, nhưng được ngành Y tế quan tâm, chăm sóc, Mẹ và gia đình thấy ấm lòng”.
Tiếp tục thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, trong thời gian tới ngành Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, thực hiện tốt quy định ưu tiên trong khám chữa bệnh đối với người có công; đồng thời quan tâm, hỗ trợ về tinh thần, vật chất cho các đối tượng thương binh, bệnh binh, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đang khám và điều trị tại các cơ sở khám chữa bệnh. Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức khám chữa bệnh nhân đạo cho đối tượng người có công với cách mạng trên địa bàn. Tiếp tục nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng./.