Người mẹ’ đặc biệt giữa tâm dịch khắc nghiệt
Giữa tâm dịch khắc nghiệt, hai người phụ nữ với hai công việc khác nhau, người thì thường trực dõi theo từng nhịp thở của F0, người thì nâng niu, chăm sóc “tình yêu” của những F0 là sản phụ, nhưng họ đều có một điểm chung là được gọi bằng tiếng “mẹ” đầy yêu thương, kính trọng.
Trong khoảnh khắc đón chào Xuân mới, gương mặt những người “mẹ” ấy hiện rõ nét rạng rỡ khi nghĩ đến ký ức về tình người nơi .
Người “mẹ” đặc biệt và vở kịch anh hùng diệt COVID
Tháng 12, ánh nắng vàng le lói xuyên qua những kẽ lá rủ xuống cung đường dẫn chúng tôi về quê hương năm tấn. Làn khói tựa sương mờ ảo được nhóm lên từ những chụm rơm khô xót lại, trên một vài mảnh ruộng, đã tạo nên một bức tranh mộc mạc, bình yên đến lạ!
Những ngày năm mới cận kề, khoảng sân của Trường ĐH Y Dược Thái Bình vắng ngắt, sinh viên đã “ai về nhà nấy” để đón Tết, chỉ còn lại một vài cán bộ, trong đó có PGS.TS. Phạm Thị Dung – Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm (Trường ĐH Y Dược Thái Bình) vẫn tất bật với những công việc còn sót lại.
Đón chúng tôi bằng ánh mắt rạng rỡ, PGS.TS. Phạm Thị Dung chép miệng: “Các con xa mẹ nuôi về với mẹ đẻ hết rồi, em ạ!”. “Các con” mà PGS.TS. Phạm Thị Dung nhắc đến không ai khác, chính là hàng trăm sinh viên đang theo học tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình, do chị trực tiếp giảng dạy, dìu dắt và đã có thời gian dài cùng nhau đồng hành trong tâm dịch Bắc Giang, TP.HCM.
Đó là những ngày đầu tháng 8/2021, ngay khi nhận “lệnh”, Đoàn công tác số 2 của Trường Đại học Y Dược Thái Bình với 250 giảng viên, sinh viên đã “khăn áo” lên đường “vì miền Nam ruột thịt”. Đoàn công tác chia làm 2 nhóm. Nhóm 150 tình nguyện viên do PGS.TS. Phạm Thị Dung phụ trách, hỗ trợ huyện Nhà Bè (TP.HCM) lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc gần 400 F0 tại khu cách ly Trường THPT Phước Kiển. Trong số này có gần 100 F0 là em nhỏ.
Giữa không gian hối hả của ngày cuối năm, PGS.TS. Phạm Thị Dung hồ hởi kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm khó quên với hàng trăm người “con” nơi, về những điều giản dị mà chị đã làm cho các bệnh nhân nhí trên cương vị và tâm thế của một người làm mẹ, về vở kịch “siêu anh hùng đến trái đất diệt COVID-19” của những F1 nhỏ tuổi…
PGS.TS. Phạm Thị Dung nhớ lại, cứ mỗi tối, bên trong khoảng sân của khu cách ly Trường THPT Phước Kiển lại vang lên dõng dạc những lời thoại của hai “diễn viên” nhí. Đó là vở diễn “siêu anh hùng đến trái đất diệt COVID-19”. Hai “diễn viên” nhí ấy là Hồ Nguyễn Nhã Thư (6 tuổi) và Hồ Nguyễn Nhã Phương (8 tuổi). Các em là F1, cùng đến với gia đình 5 người đều là F0.
Nhã Thư và Nhã Phương gọi những “chiến sĩ” khoác trên mình bộ đồ bảo hộ trắng là những “anh hùng”. Bởi những “chiến sĩ” ấy sẽ quan tâm, bảo vệ và chữa bệnh cho cả gia đình 3 thế hệ của Nhã Thư, Nhã Phương.
Cuộc trò chuyện đang rôm rả, bỗng chiếc điện thoại trong túi áo của PGS.TS. Phạm Thị Dung nhận tin báo liên hồi. Chị khoe với chúng tôi về dòng tin thông báo: “Con đã trở về nhà an toàn”. Vừa đọc tin nhắn, PGS.TS. Phạm Thị Dung cũng nhanh tay lục lại những tin nhắn đong đầy yêu thương từ trước thời điểm vào tâm dịch. Đó là những lần các con của chị “xin được ích kỷ một lần mong mẹ cùng chúng con lên đường, cùng tham gia chống dịch”… Và giờ đây, TP.HCM đang hồi sinh, không khí Xuân mới đang len lỏi trong từng ngõ nhỏ, cũng là những ước nguyện, những mong mỏi của thầy trò Trường Đại học Y Dược Thái Bình đã thành hiện thực. Trên gương mặt người “mẹ” của hàng trăm con ấy đang hiện lên nét rạng ngời…
Hơn cả một người “mẹ”…
Những ngày diễn biến vô cùng phức tạp tại TP.HCM với số ca nhiễm lên đến 5 con số mỗi ngày, số lượng trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Hùng Vương có mẹ nhiễm COVID-19 cũng vì thế mà tăng lên. Trong bối cảnh đó, nhận sự chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn – Trưởng bộ phận Thường trực đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ TP.HCM phòng, chống dịch COVID-19, đã chỉ đạo Bệnh viện Hùng Vương thành lập Trung tâm H.O.P.E. Trung tâm đặt tại Trường mầm non Họa Mi 2 (số 11 Lý Thường Kiệt, phường 12, quận 5).
Để H.O.P.E trở thành niềm mong mỏi, hy vọng của đất nước vào thế hệ chào đời trong mùa dịch COVID-19 đúng như tên gọi của trung tâm, hàng chục bảo mẫu là các tình nguyện viên, giáo viên… đã đồng loạt đăng ký tham gia hỗ trợ chăm sóc cho các bé tại trung tâm. Tuy nhiên, để các tình nguyện viên có thể chăm sóc cẩn thận, tỉ mẩn và đúng chuyên môn, Bệnh viện Hùng Vương đã phân công bà Nguyễn Thị Thu Hồng (64 tuổi) – hộ sinh 3 của Bệnh viện, chịu trách nhiệm hỗ trợ các tình nguyện viên tại Trung tâm về công tác chăm sóc trẻ sơ sinh.
Mặc dù đã có hơn 40 năm công tác trong nghề hộ sinh, nhưng chưa khi nào bà Nguyễn Thu Hồng lại chứng kiến bé sơ sinh phải xa hơi ấm của mẹ, xa bầu sữa mẹ… ngay khi vừa chào đời, với số lượng lớn đến như vậy. Đây cũng là lần đầu tiên bà Hồng cảm nhận rõ những nỗi đau quặn lên từng cơn trong lồng ngực của mình.
Trong không gian tư gia cũ kỹ giữa quận 5, bà Hồng trải lòng: “Có thời điểm, “trung tâm hy vọng” chăm sóc, nuôi dưỡng hơn 50 trẻ sơ sinh có mẹ mắc COVID-19. Trong khi đó, các tình nguyện viên đều là người trẻ, có những người chưa có gia đình, chưa từng kinh qua việc chăm sóc con nhỏ nên không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Do đó, tôi đã đặt tình yêu vào các tình nguyện viên, hỗ trợ, đào tạo, sát sao từ việc cho các con ăn ra sao để không bị trào ngược, cũng như cách nhận biết những dấu hiệu bất thường xảy ra ở trẻ sơ sinh”.
Khi không khí Xuân đang gõ cửa từng nhà, ký ức bà Hồng lại hiện ra khung cảnh thân thuộc tại Trung tâm H.O.P.E. Bà nhớ về những ngày chăm sóc, nâng niu từng giấc ngủ, nhớ những giây phút hồi hộp khi nghe tiếng xe cứu thương tiến vào khoảng sân Trung tâm, đó là chiếc xe cứu thương được Trung tâm hỗ trợ cho gia đình đón các con trở về với vòng tay yêu thương của mẹ.
Bà Hồng chắc nịch rằng: “Rất thích công việc chăm sóc trẻ nhỏ, nhất là người bệnh. Bởi khi mình hỗ trợ, chăm sóc một người đang mấp mé giữa sự sống và cái chết, nếu như mình đưa họ vượt qua lằn ranh sinh tử, thì cảm giác hạnh phúc biết bao nhiêu”.
Bởi thế, bà Hồng đã dành cả cuộc đời gắn kết với nghề hộ sinh và trước thềm năm mới, khi hàng trăm đứa trẻ từng được bà chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm “hy vọng” đã trở về bên vòng tay yêu thương của gia đình, bà Hồng được hàng xóm, đồng nghiệp gọi bà là: “Không phải mẹ nhưng lại hơn cả một người mẹ”.
...là những hy sinh vô bờ bến
Dịch COVID-19 tại TP.HCM dần được kiểm soát, cũng là thời điểm các bé sơ sinh lần lượt được trở về bên gia đình và cũng là thời điểm các y, bác sĩ “vì miền Nam ruột thịt” cũng được trở về bên gia đình, trở về với công việc thường nhật. Qua Báo Sức khỏe & Đời sống, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã gửi lời tri ân sâu sắc tới các cơ quan, ban ngành Trung ương nói riêng, lực lượng ngành Y tế nói chung, đã chung tay cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, trong cơn hoạn nạn, thành phố đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế và lực lượng cán bộ y tế. Sự đoàn kết, chung sức, sẻ chia ấy của đồng bào cả nước, sự hỗ trợ chí tình, chí nghĩa của nhiều tổ chức cá nhân… đã lăn xả, hy sinh, vượt qua mọi khó khăn gian khổ để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Nguồn: SKĐS