Những ‘bông hoa’ khoác áo blouse trên tuyến đầu chống dịch
Nhân kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), mới đây, Công đoàn y tế Việt Nam (CĐYTVN) đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức tọa đàm “Nữ chiến sĩ áo trắng – những hy sinh lặng thầm trong cuộc chiến chống COVID-19” nhằm tôn vinh, tri ân, lan tỏa hình ảnh của những nữ “chiến sĩ áo trắng” tham gia phòng chống dịch bệnh.
Nỗ lực vượt khó, hoàn thành nhiệm vụ
Để góp một phần công sức trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19, những nữ cán bộ ngành y tế đã phải gác lại thiên chức làm mẹ, làm vợ, chấp nhận những hy sinh, gian khổ lên đường vào các tỉnh miền Nam tham gia đội ngũ phòng chống dịch bệnh.
Những nữ cán bộ y tế xứng đáng là những “bông hoa” trong bộ áo Blouse trắng lặng thầm tỏa hương thơm góp phần vào thắng lợi bước đầu trong công cuộc phòng chống dịch bệnh đem lại bình yên cho nhân dân.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS.TS Phạm Thanh Bình cho biết: Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã điều động 20 nghìn cán bộ y tế từ các tỉnh, thành phố vào miền Nam phòng chống dịch bệnh. Lực lượng nhân viên y tế phải gánh vác một khối lượng công việc rất lớn, mỗi người làm gấp ít nhất 5 lần công việc hàng ngày vốn đã rất áp lực.
Ngoài khó khăn và nỗ lực vì phải đảm đương khối lượng công việc lớn, cán bộ y tế phải đối mặt với nguy cơ cao bị lây nhiễm, đã có hàng nghìn cán bộ y tế bị lây nhiễm khi đang làm nhiệm vụ.
Các nữ cán bộ y tế tham gia buổi tọa đàm nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10
Để có mặt trong đội ngũ tham gia phòng chống dịch tại các tỉnh phía Nam, đội ngũ cán bộ y tế đã phải xa gia đình, vượt qua khó khăn, hy sinh, đã có 20 cán bộ y tế có bố mẹ mất không thể về đưa tang, nhiều cán bộ có con cái ốm đau không thể về chăm sóc; nhiều hoàn cảnh cán bộ đi chống dịch nhưng gia đình đặc biệt khó khăn, có người vừa làm việc vừa phải điều trị bệnh nền trong quá trình chống dịch.
Tham gia buổi tọa đàm là 50 nữ cán bộ y tế đại diện cho 50 đơn vị tham gia tuyến đầu chống dịch. Họ là những tấm gương tiêu biểu của phụ nữ ngành y tế. Ngoài những đức tính truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, giờ đây trong thời đại mới, hoàn cảnh mới họ còn là những phụ nữ đi đầu, dám đương đầu với những thách thức, gian khó, cống hiến sức lực và trí tuệ góp phần chiến thắng dịch bệnh, đưa đất nước vượt qua những thời điểm khó khăn.
Lặng thầm tỏa hương thơm
Vừa hoàn thành cách ly sau khi trở về từ Đồng Tháp, điều dưỡng Bùi Thị Liên, khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện E xúc động chia sẻ: Trên tinh thần muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé trong công cuộc phòng chống dịch, tôi đã cùng các đồng nghiệp Bệnh viện E tham gia lực lượng chống dịch tại Đồng Tháp.
Điều dưỡng Bùi Thị Liên chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại Đồng Tháp.
Dù có chồng là bộ đội biên phòng thường xuyên xa nhà và 2 con gái nhỏ, con lớn 5 tuổi, con bé 3 tuổi, điều dưỡng Liên đã phải gác lại thiên chức làm mẹ, gửi 2 con về cho ông bà chăm để lên đường cùng đồng nghiệp vào tâm dịch. 2 năm vừa qua, kể từ khi xảy ra dịch bệnh, điều dưỡng Liên cho biết thời gian ở bên con rất ít dù các con còn đang ở tuổi cần bố mẹ bên cạnh để dạy dỗ, bảo ban.
Chia sẻ về những kỷ niệm trong những ngày tham gia chống dịch tại Đồng Tháp, điều dưỡng Liên xúc động nhớ lại: “Làm việc tại Sa Đéc, Đồng Tháp có nhiều kỷ niệm đáng nhớ, bên cạnh những kỷ niệm khi chăm sóc cho bệnh nhân COVID-19, tôi không thể quên sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, đặc biệt những người anh, chị đi trước đã tận tình chỉ bảo, giúp đỡ. Trước chuyến đi, gần như họ đã dành hết mọi sự chuẩn bị cho tôi từ khẩu trang, đồ bảo hộ…
Dù thời gian làm việc Sa Đéc không phải là lâu nhưng tình cảm gắn bó giữa đồng nghiệp các bệnh viện, các đoàn tham gia chống dịch đã giúp chúng tôi hoàn thành công việc được giao cũng như trong sinh hoạt. Ai cũng xa nhà cả nên mọi người gần như đều dành hết tình cảm cho bệnh nhân và các đồng nghiệp”.
Để ghi nhận những đóng góp của lực lượng tham gia chống dịch, đoàn được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp tặng bằng khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19 tại tỉnh Đồng Tháp.
Điều dưỡng Bùi Thị Liên tham gia buổi tọa đàm.
Ngoài ra, đoàn còn tham gia đào tạo về công tác điều dưỡng trong chăm sóc bệnh nhân COVID-19 cho cán bộ, công nhân viên của Bệnh viện Sa Đéc, tham gia 03 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở cùng với đoàn tham gia phòng chống dịch tại Tỉnh Đồng Tháp…
Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Đài Truyền hình Việt Nam, ông Trần Hạnh Phúc chia sẻ: “Qua 4 đợt dịch COVID-19, chúng ta đã chứng kiến sự hi sinh to lớn của lực lượng tuyến đầu, trong đó có các “chiến sĩ áo trắng”. Đoàn Thanh niên Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình này nhằm thể hiện sự đồng cảm, trân trọng những hi sinh, mất mát của các y, bác sĩ”./.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn