PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Tăng cường kết nối hội chẩn từ xa để điều trị bệnh nhân COVID-19
Kết nối giảm áp lực cho y bác sĩ
Trực tiếp đến một số cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Vĩnh Long và làm việc với lãnh đạo Sở Y tế, các y bác sĩ trung ương và địa phương, PGS.TS Lương Ngọc Khuê khẳng định: Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) thiết lập đầy đủ đến các cơ sở điều trị tuyến huyện sẽ mang lại lợi ích nhiều mặt. Nền tảng này giúp tổ chức hội chẩn trực tuyến từ xa để nắm bắt và điều trị tốt nhất cho bệnh nhân COVID-19 và cả các bệnh khác. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Tại Vĩnh Long, đến hết ngày 22/8, có hơn 2.000 người nhiễm COVID-19 được thu dung, điều trị ở các bệnh viện, bệnh viện dã chiến.
Cùng với đó, Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 tại Vĩnh Long trực thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương đã được thiết lập theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng đã cử nhân lực vào hỗ trợ điều trị. Quy mô của Trung tâm 200 đến 250 giường cho bệnh nhân nặng.
TS-BS Phan Hữu Phúc (BV Nhi Trung ương) hiện đang được giao quản lý, điều trị tại Trung tâm cho biết: “Trung tâm không chỉ điều trị bệnh nhân nặng cho Vĩnh Long mà còn các tỉnh lân cận. Hiện tại đã đủ nhân lực, trang thiết bị, thuốc men điều trị tốt cho 100 giường. Có 50 bệnh nhân nặng đang được điều trị tích cực tại đây.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê: “Các địa phương điều trị cho đúng phác đồ, kết nối hội chẩn từ xa đến tận các cơ sở ở huyện để cứu người được tốt nhất
Theo BS Phúc thì chiến lược đang được áp dụng hiệu quả là cá thể hóa cho từng bệnh nhân để có từng phương án điều trị thích hợp theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Từ đó hạn chế tối đa các ca bệnh phải đặt nội khí quản. Tập trung vào hỗ trợ hô hấp từ thở oxy đến oxy dòng cao, thở máy không xâm lấn. Tích cực thay đổi tư thế (nằm sấp) cho bệnh nhân. Duy trì oxy để liên tục chờ thời gian tối ưu hóa sử dụng các loại thuốc kháng đông, chống viêm…Bên cạnh đó điều chỉnh phương án điều trị với diễn tiến của từng người bệnh.
Tại sở y tế tư nhân là Bệnh viện Xuyên Á (Vĩnh Long), ông Khuê ghi nhận tinh thần tích cực tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 của cơ sở này. Tất cả hệ thống y tế tư nhân lẫn công lập đều phải vào cuộc trong cuộc chiến chống COVID-19.
Bà Hồ Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long đánh giá: Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên địa phương đang đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc, chủ động để tách F0 ra khỏi cộng đồng. Đồng thời đầu tư trang thiết bị, vật tư tiêu hao phục vụ cho việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19.
TS-BS Phan Hữu Phúc (thứ 2 từ phải qua): “Chiến lược điều trị hiệu quả đã giúp nhiều ca bệnh nặng được rút ống thở”
Làm việc với Bình Dương, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cũng nhấn mạnh: Hệ thống chỉ đạo chống dịch, điều trị phải thông suốt, phối hợp nhịp nhàng. Bộ Y tế đã cử vào đây những chuyên gia hàng đầu như PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu và nhiều thầy thuốc khác. Tỉnh Bình Dương cần tăng cường hoạt động hội chẩn từ xa để lĩnh hội các kiến thức, kinh nghiệm, hướng dẫn từ tuyến trên cho tuyến dưới. Thông qua kết nối này, lãnh đạo tỉnh hàng ngày nắm chắc, nắm rõ quy trình chuyển bệnh, ca bệnh nặng, ca bệnh nhẹ.
Hai tỉnh Bình Dương, Vĩnh Long cần phổ biến kỹ năng vận hành kết nối Telehealth thành thạo đến tận các tuyến cơ sở. Các cơ sở y tế tư nhân, các bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện dã chiến thông qua kết nối này để được hướng dẫn phác đồ điều trị chuẩn nhất, thuận tiện nhất. Khi chuyển bệnh nhân cũng cần chuyển một cách chính xác. Bệnh nhân ở tầng 1, tầng 2 thông qua hướng dẫn trực tuyến nếu chăm sóc, điều trị tốt thì sẽ giảm mạnh việc chuyển biến nặng và tử vong./.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn