Thầy thuốc trong tâm dịch: Vượt lên khó khăn, chỉ tình yêu nghề ở lại
Đoàn thầy thuốc của chúng tôi được cử đến Bình Dương trong những ngày dịch bệnh căng thẳng nhất. Nếu cuộc sống là hướng đến những tốt đẹp, có lẽ đến vùng dịch cống hiến cho Đất Nước và Nhân dân là điều thầy thuốc chúng tôi đều mong muốn.
“Cuộc chiến thật tàn khốc”
Đoàn thầy thuốc chúng tôi gồm 66 người rời Huế với tinh thần háo hức, bỏ lại sau lưng sự bịn rịn, quyến luyến, mang theo trái tim đầy yêu thương tiến vào tâm dịch. Bình Dương khi đó – những con phố dài nằm yên ắng.
Đến vùng dịch, cống hiến cho Đất Nước và Nhân dân là điều các thầy thuốc đều mong muốn. Ảnh chụp qua camera
Chúng tôi đến Bình Dương lúc trời vừa sụp tối. Thành phố đã lên đèn, những cung đường rộng mở, nhà nối tiếp nhà nằm lặng yên dưới ánh đèn vàng, Chỉ thị 16 của Chính phủ được thực hiện nghiêm túc ở nơi chúng tôi đến.
Sau một đêm nghỉ ngơi lấy sức, đoàn chúng tôi được phân nhiệm vụ ở khu hồi sức bệnh nặng ở tầng 3 trong mô hình tháp điều trị 3 tấng của BVĐK tỉnh Bình Dương cơ sở Phú Chánh.
Đang là mùa mưa ở các tỉnh Đông Nam Bộ. Mưa đến thật nhanh và bất ngờ. Rồi cũng tạnh nhanh như đến.
Trên chuyến xe đưa chúng tôi từ nơi đoàn ở đến nơi làm việc, tiếng còi xe cấp cứu gấp gáp, nhìn ra cửa xe, một chuyến xe chở bệnh nhân nặng vượt nhanh, bất chợt có trạng thái đè nặng trong tim mỗi người, xe đến đâu nếu không phải khu mình đang làm.
Không ai bảo ai, chúng tôi im lặng, trong tim mỗi người đều thấp thỏm: bệnh nhân ở đâu chuyển tới vậy? tình trạng thế nào? Không biết có kịp giúp cho bệnh nhân qua cơn nguy kịch không?
Cảm xúc trong tôi dâng lên mãnh liệt, cảm xúc của tình người, tình yêu thương thẳm sâu, không biết mọi người trong đoàn có cùng cảm xúc này chăng?
Tại nơi đây biết có bao điều vinh quang, hạnh phúc, tự hào xen lẫn với cảm xúc xót xa, đau thương giữa sự sống và cái chết mong manh. Những tình cảm còn mãi của hạnh phúc tột cùng và những sang chấn lặng thầm trong tâm trí, bởi chúng ta là con người.
Ở đây mỗi người đều cuốn vào công việc, khi mặc bộ áo phòng hộ vào rồi, thì làm việc quần quật bởi bệnh nhân quá nặng, không kịp để dừng lại.
Cá nhân tôi, dù đã làm trong chuyên ngành hồi sức lâu năm, đã từng chứng kiến và tiếc thương khi bệnh nhân tử vong, vẫn cảm thấy cuộc chiến chống dịch này quả thật tàn khốc. Dù vậy nhưng tất cả mọi người đều động viên, giúp đỡ lẫn nhau để công việc được hoàn thành tốt nhất.
Khi tiếng điện thoại reo cũng là nỗi âu lo
Bạn hỏi chúng tôi có sợ? Nếu nói sợ, e là không phải nhưng theo tôi có lẽ đó là cảm giác mất mát, đau thương, tiếc nuối, bất lực trước sinh mệnh thì đúng hơn.
Nhiều nhân viên y tế đến nơi này chống dịch, nói thật lòng, chưa một lần nhìn thấy xác chết. Ấy vậy mà vẫn xông pha tuyến đầu vào đây.
Có rất rất nhiều bệnh nhân đến nơi này. Bất kể ngày cũng như đêm đều có những cuộc điện thoại liên tục gọi đến đây, có khi là cuộc gọi để chuyển bệnh cấp cứu, có khi là cuộc gọi hỏi thăm tình trạng bệnh nhân… nhiều đến nỗi nghe điện thoại reo là giật mình, âu lo.
Lo lắng ở đây do một phần là mệt mỏi của công việc. Phần nữa là tiếng chuông điện thoại như nhắn gửi đến nỗi lo khi bệnh chuyển nặng.
Còn những cuộc điện thoại là nhắn gửi, trao trọn niềm tin, sự hy vọng, kỳ vọng của gia đình bệnh nhân gửi đến thầy thuốc.
Điều này là vinh quang, tự hào nhưng đôi khi cũng là đau thương, xót xa khi phải báo tin về người nhà: Xin lỗi gia đình, chúng tôi đã cố hết sức, bệnh nhân không qua khỏi.
Bên đầu dây này là sự im lặng đè nặng, tiếng khóc nức nở, nghẹn ngào. Chúng tôi cũng không cầm được nước mắt!
Trân quý từng phút giây
Những ngày ở đây, mỗi người chúng tôi dù đến từ đâu trên mọi miền đất nước đều miệt mài chiến đấu với dịch bệnh.
Thi thoảng ngồi lại với nhau, kể cho nhau nghe những điều hằn sâu trong nghĩ suy. Những người bệnh mãi mãi ở lại trong tim mỗi người. Có câu chuyện kết có hậu, có câu chuyện thì không.
Hình ảnh lưu lại đôi khi là nụ cười bệnh nhân lúc xuất viện, đôi khi lại là ánh mắt, khuôn mặt, lời nói lúc cuối cùng, lúc gục ngã dưới bạo bệnh mà chúng tôi không thể nào làm gì hơn.
Cảm giác đó chắc hẳn ai cũng có, là cảm giác bất lực, xót xa, để sau phiên trực vẫn không tài nào chợp mắt nổi, hình ảnh người bệnh theo về và lưu lại trong trái tim.
Trong cuộc chiến đó cũng không ít lần, mỗi chúng tôi nhớ về gia đình, người thân, sự đợi chờ, trông mong khi chúng tôi tạm hoàn thành công việc trở về chiếc giường nơi cả đoàn ở.
Chính bởi thế, khi nhận được lời an ủi, động viên từ hậu phương, bao mệt mỏi, vất vả cũng đều qua đi. Chúng tôi lại lao vào công việc hăng say, quyết chiến, mạnh mẽ hơn.
Tất cả chúng tôi dù hoàn cảnh thế nào vẫn cương quyết giữ vững tinh thần chống dịch cao độ. Những đêm trực dài miệt mài, tình thương yêu và sự bao bọc lại thể hiện đầy hơn.
Có ở vùng dịch, mới thấm, sinh mệnh là quý giá nhất trong mỗi đời người. Chúng tôi trân quý từng giây, từng phút giành giật lại sự sống cho bệnh nhân./.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn