Trước 30/9, TP Hồ Chí Minh ưu tiên tiêm vaccine, thí điểm “thẻ xanh COVID” và thí điểm nới lỏng giãn cách
Chiều tối 16/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam – Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 đã chủ trì buổi họp về công tác phòng, chống dịch COVID-19 với Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh. Tham dự có ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và các thành viên Bộ phận Thường trực đặc biệt Bộ Y tế tại TPHCM.
Theo kế hoạch về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế của TP Hồ Chí Minh, từ sau ngày 15/9, thành phố sẽ từng bước nới lỏng giãn cách, ưu tiên mở cửa một số ngành hàng, lĩnh vực cần thiết theo lộ trình, cụ thể:
Giai đoạn từ ngày 1/10 – 31/10, thành phố nới lỏng giản cách xã hội, từng bước triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân trong điều kiện an toàn, hiệu quả theo đánh giá mức độ nguy cơ và tỷ lệ tiêm vaccine.
Giai đoạn từ 01/11 – 15/1/2022, thành phố tiếp tục nới lỏng giãn cách xã hội, triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân trong điều kiện an toàn, hiệu quả và phấn đấu đưa thành phố hoạt động ở trạng thái bình thường mới sau ngày 15/1/2021.
Tuy nhiên, trước mắt, từ 16/9 – 30/9, thành phố sẽ thí điểm nới lỏng giãn cách xã hội, ưu tiên mở một số lĩnh vực theo lộ trình mở cửa lại hoạt động kinh tế với các địa phương đã cơ bản kiểm soát dịch như huyện Củ Chi, Cần Giờ, Quận 7… với mức độ nới lỏng, mở cửa từng địa bàn xã, phường, thị trấn. Các địa phương còn lại tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Thành phố sẽ xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch của từng ngành, lĩnh vực để từng bước khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh những vẫn đảm bảo phòng ngừa, kiểm soát dịch.
Đặc biệt, nghiên cứu, từng bước triển khai thí điểm “thẻ xanh COVID” với nhiều cấp độ và điều kiện riêng.
Thành phố cũng đảm bảo tiêm chủng vaccine mũi 1 cho 100% người dân trên 18 tuổi và tiêm mũi 2 cho 100% người đã tiêm mũi 1 tới hạn lịch tiêm mũi 2. Ưu tiên lực lượng tuyến đầu, người có nguy cơ cao…
Đồng thời đảm bảo 100% F0 quản lý tại nhà được theo dõi tình hình sức khỏe, khai báo y tế mỗi ngày. Chuẩn bị 200.000 túi thuốc (túi thuốc A, B) và cơ số thuốc kháng virus phù hợp (gói thuốc C) để hỗ trợ cùng các nhu yếu phẩm đến tận tay từng F0.
Đặc biệt, không để xảy ra tình trạng F0 tử vong tại nhà trong khi chờ được cấp cứu và có cơ chế giám sát F0 nghiêm túc thực hiện cách ly, điều trị tại nhà.
Về thu dung điều trị, TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì và nâng cao năng suất hoạt động của các bệnh viện, các Trung tâm Hồi sức Tích cực thuộc tầng 3 bao gồm 5 Trung tâm Hồi sức (BV Nhiệt đới, BV 175, BV Chợ Rẫy, và các BV dã chiến thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an).
Đến khi thành phố cơ bản kiểm soát được dịch, sẽ dỡ bỏ dần các cơ sở cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến của quận, huyện, TP Thủ Đức đặt tại các trường học để khôi phục việc học tập cho học sinh… Tiếp tục xác định vùng nguy cơ theo tiêu chí tổng số ca mắc, số ca mắc trong 7 ngày gần nhất và tỷ lệ tiêm chủng.
Theo UBND TP Hồ Chí Minh, sau hơn 3 tháng giãn cách xã hội với nhiều mức độ kể từ ngày 31/5, dịch tại TP vẫn diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 14/9, thành phố ghi nhận 315.623 ca bệnh, trong đó có 158.500 ca đã điều trị khỏi, 52.974 ca F0 đang được cách ly theo dõi tại nhà (không tính cách ca xuất viện), 40.864 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và số ca tử vong là 12.608 ca (chiếm 4%).
Mặc dù dịch bệnh đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội và đang gây nhiều khó khăn, tuy nhiên, hoạt động phòng chống dịch của TP đã đạt được những tín hiệu tích cực.
Trong đó, quan trọng nhất là tiêm chủng vaccine (đã bao phủ 93% mũi 1 và gần 25% mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên); số ca tử vong giảm dần; số ca mắc mới giảm dần nhưng chưa ổn định. Tình hình tổ chức các tầng bệnh viện điều trị có chiều hướng tốt hơn.
Đặc biệt, thành phố đã hoàn thiện mô hình tháp 3 tầng điều trị, với 10 bệnh viện, Trung tâm Hồi sức cấp cứu với quy mô gần 4.600 giường hồi sức và 83 bệnh viện tầng 3 với 60.400 giường bệnh. Hiện thành phố chưa đạt đủ chỉ tiêu để khẳng định đã kiểm soát được dịch theo Quyết định số 3979 của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, nếu căn cứ theo tiêu chí của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về mức độ lây lan dịch bệnh, với việc thực hiện giãn cách xã hội, tăng cường độ bao phủ vaccine, triển khai thí điểm mô hình chăm sóc F0 tại nhà… thì tình hình dịch bệnh tại thành phố hiện đang ở mức 4 (mức độ lây lan cao nhất) đã bắt đầu có những tín hiệu lạc quan về số ca nhập viện, số ca tử vong cũng có xu hướng giảm dần.
Do đó, dự báo sau 15/9, tình hình dịch bệnh tại thành phố sẽ chuyển dần sang mức độ 3./.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn