Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng 18 lần sau 5 năm, nhiều hệ luỵ khôn lường cho sức khoẻ
Dù chưa được cấp phép sử dụng nhưng tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử ở nước ta tăng nhanh đến mức báo động. Bộ Y tế đề xuất không thí điểm các sản phẩm có hại cho sức khỏe và cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá mới…
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng 18 lần sau 5 năm
Năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2% đến nay đã tăng 18 lần lên khoảng 3,6%. Các sản phẩm thuốc lá mới được đưa vào Việt Nam chủ yếu qua đường nhập lậu, xách tay và người tiêu dùng có thể dễ dàng mua bất hợp pháp các sản phẩm thuốc lá mới trên internet, các trang mạng xã hội…
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều có hại cho sức khỏe của cả người hút và người xung quanh tương tự như thuốc lá thông thường. Các sản phẩm thuốc lá mới có chứa nicotine là chất gây nghiện cao, độc hại, gây bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa và ung thư.
Thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có glycerin, propylene glycol và trên 15.500 loại hương liệu có nhiều chất độc (do đó rất khó ngăn được nguy cơ các đối tượng sẽ trà trộn ma túy tổng hợp vào trong thuốc lá điện tử). Propylene glycol có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Glycerin khi được đun nóng và hóa hơi tạo thành acrolein, gây kích ứng đường hô hấp trên.
Năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2% đến nay đã tăng 18 lần lên khoảng 3,6%.
Những thông tin này được đưa ra tại tọa đàm “Ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá mới để bảo vệ sức khỏe cộng đồng” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều qua (20/12). Buổi tọa đàm thu hút sự tham gia của các Đại biểu quốc hội, chuyên gia của Tổ chức y tế thế giới và đại diện Bộ Y tế.
Theo ông Nguyễn Tuấn Lâm- đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, sẽ gây tác động về sức khỏe một cách rất nhanh, gây các bệnh cấp tính, nguy hiểm nhất là hội chứng tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử gây ra.
CDC của Hoa Kỳ thông báo trên trang web, từ tháng 12/2019 – 12/2020 họ đã tiếp nhận 2800 ca nhập viện vì viêm phổi cấp do sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó có 68 ca tử vong. Chúng ta thấy sự nguy hiểm của thuốc lá điện tử bởi rất nhiều hóa chất độc hại.
Thuốc lá điện tử thậm chí còn gây suy tim. Các nhà nghiên cứu đánh giá là phản ứng tự miễn của cơ thể, khi tiếp cận với các hóa chất độc hại từ thuốc lá mới tạo ra phản ứng chống lại và nó làm tổn thương các tế bào của tim, phổi, não và đại tràng… Tác hại ngắn hạn khác là nguy cơ cháy nổ. Theo thống kê của các tổ chức nước ngoài, tại Mỹ năm 2015-2017 đã có 2.300 ca phải cấp cứu vì chấn thương do nổ pin thuốc lá điện tử, 1 trường hợp tử vong, 1 trường hợp vỡ hàm phải phẫu thuật chấn thương chỉnh hình.
Bên cạnh đó, đại diện Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, chưa có bằng chứng thuốc lá điện tử giúp cai thuốc lá nói chung. Ngược lại, có bằng chứng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng có nguy cơ sử dụng thuốc lá thông thường, nhiều người sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá thông thường…
Đáng chú ý, thuốc lá điện tử hướng mục tiêu sử dụng đến giới trẻ. Thực tế, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang nhắm vào thanh thiếu niên thông qua hình ảnh, phong cách tạo gu thẩm mỹ, xu hướng của giới trẻ, bán hàng qua mạng (bán qua ứng dụng điện thoại thông minh, quảng cáo và mua bán trên internet), sử dụng nhiều hương vị, thiết kế sành điệu, bắt mắt (thỏi son, USB, kẹo…) là hình thức mà giới trẻ thường sử dụng, ưa thích.
32 quốc gia cấm thuốc lá điện tử
Bà Trần Thị Trang – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho hay, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Y tế và Bộ Công thương phối hợp cho ý kiến về đề xuất thí điểm đối với sản phẩm thuốc lá mới, ngay sau đó, lãnh đạo Bộ cũng giao cho các đơn vị chuyên môn của Bộ Y tế nghiên cứu về vấn đề này.
“Chúng tôi đang triển khai để nhận diện những vấn đề liên quan đến sản phẩm, đến tác hại của sản phẩm”- bà Trang thông tin.
Theo bà Trần Thị Trang, Bộ Y tế cũng đã nhiều lần có văn bản chính thức kiến nghị với Thủ tướng với quan điểm nhất quán là bảo vệ sức khỏe người dân. “Chúng tôi mong muốn trước mắt khi chưa có đủ điều kiện thì chưa cho phép sản phẩm này được sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu vào Việt Nam” – bà Trần Thị Trang bày tỏ.
Để thực hiện tốt việc này theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Trần Thị Trang một là, phòng, chống buôn lậu và buôn bán kinh doanh bất hợp pháp cũng như quảng cáo, khuyến mại và tiếp thị bất hợp pháp các sản phẩm này ở trên thị trường, đặc biệt là trên môi trường mạng;
Hai là, tăng cường truyền thông, giáo dục đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên, đặc biệt là gia đình, nhà trường và xã hội để chia sẻ và thấu hiểu về những hệ lụy khi sử dụng các loại thuốc lá này.
Bà Trang cũng thông tin thêm, nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới ở giới trẻ cao hơn nhiều so với những lứa tuổi khác. Về mặt kỹ thuật, rất khó kiểm soát được hàm lượng nicotine so với thuốc lá điếu và lại còn có thể pha chế được.
Đặc biệt, nếu cho phép sử dụng loại này, những nỗ lực về giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ thất bại. Bằng chứng là ở các quốc gia như là Mỹ chẳng hạn, chỉ từ năm 2017 đến 2019 đã tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong học sinh trung học phổ thông từ 11,5% lên 27,5%, tức là tăng lên 60 lần. Trong khi sau khi Mỹ ban hành lệnh cấm thì tỷ lệ chỉ giảm đi được khoảng 10%.
“Nếu chúng ta cho phép thì tỷ lệ buôn lậu còn có nguy cơ gia tăng. Bởi vì khi sử dụng một cách chính thống công khai thì sự trà trộn của các sản phẩm nhập lậu còn khó hơn rất là nhiều, đặc biệt là rất khó phát hiện bằng cách là cảnh báo. Trong khi nếu như chúng ta cấm hoặc chưa cho phép thì đầu tư của chúng ta vào năng lực quản lý nó sẽ hiệu quả hơn rất nhiều”- bà Trần Thị Trang nêu rõ.
Cũng tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Tuấn Lâm cho hay, Tổ chức Y tế thế giới đã yêu cầu các quốc gia đánh giá báo cáo 2 năm một lần, tới kỳ 2021 đã có 32 quốc gia cấm thuốc lá điện tử, 79 quốc gia có quy định khác nhau trong đó có các quốc gia quản lý như dược phẩm. Các quốc gia quản lý như dược phẩm thì việc đảm bảo đăng ký quy định dược phẩm cũng không thực hiện được. Tại Đông Nam Á có 5 quốc gia cấm các loại thuốc lá mới này. Đây là cách tiếp cận họ chọn phương án ít tốn kém, dễ thực hiện nhất.
WHO đã đưa ra khuyến cáo chung, các sản phẩm thuốc lá mới các quốc gia có thể cấm hoặc quản lý. Nếu quản lý phải đảm bảo ngăn ngừa sự sử dụng của thanh, thiếu niên, các đối tượng dễ tổn thương. Ngăn ngừa việc bắt đầu sử dụng, ngăn chặn ngay từ đầu sẽ hiệu quả hơn, đã để các em tiếp cận rồi chúng ta rất khó quản lý vì nó có tính gây nghiện. “Theo cá nhân tôi thấy các quốc gia cam kết quản lý thuốc lá điện tử chỉ cho người lớn sử dụng, không cho trẻ em tiếp cận thì chưa quốc gia nào thành công”, ông Lâm nói./.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn