Lễ ra mắt sách “Quản lý nguy cơ lâm sàng và an toàn người bệnh”
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), có thể định nghĩa đơn giản “An toàn người bệnh là việc ngăn ngừa các sai sót và sự cố có liên quan đến chăm sóc y tế, xảy ra cho người bệnh”.
WHO tại Việt Nam cho biết mỗi năm có 134 triệu sự cố y khoa xảy ra do chăm sóc y tế không an toàn tại bệnh viện các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình dẫn đến 2,6 triệu ca tử vong. Mỗi phút qua đi, trên toàn cầu có 5 người tử vong vì không được chăm sóc y tế an toàn.
Sau những sự cố này, không chỉ có người bệnh phải gánh chịu các tổn hại liên quan sức khỏe, tính mạng; mà còn có nhiều thầy thuốc, nhà quản lý dính vòng lao lý; uy tín của ngành y tế bị ảnh hưởng. Những mất mát này gây thiệt hại là thế, nhưng lại là những nguy cơ mà chúng ta có thể phòng tránh được. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải tăng cường chăm sóc an toàn người bệnh hằng năm.
Với mong muốn có thể góp phần xây dựng văn hóa an toàn người bệnh thông qua việc chia sẻ nhận thức và cách thức quản trị rủi ro trong y tế, đào tạo ra một thế hệ chuyên gia y tế mới vì sức khỏe, an toàn và hạnh phúc của bệnh nhân. Viện Đánh giá chất lượng và Phát triển Nhân lực Y tế (HARDI) đã hợp tác với MedInsights (Alpha Books) biên dịch và xuất bản cuốn sách “Quản lý nguy cơ lâm sàng và an toàn người bệnh”. Bản dịch tiếng Việt có sự tham gia hiệu đính của TS. Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế.
Tại buổi lễ ra mắt cuốn sách này vào ngày 9/3, TS.BS. Phan Thị Hằng, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) cho biết: “Các sự cố y khoa, đặc biệt là những sự cố nghiêm trọng xảy ra, thường gây ra sự chú ý rất lớn trong cộng đồng và dư luận xã hội. Trong khi, nhân viên y tế lại là những người thường xuyên phải đối diện với những rủi ro, sự cố trong y khoa và chính họ cũng là người cảm nhận sâu sắc, dễ bị tổn thương nhất bởi những hậu quả để lại khi sự cố y khoa xảy ra“.
Đây cũng là mục đích ra đời của cuốn sách, được viết cho chương trình tập huấn các nhân viên y tếtrẻ bắt đầu tham gia hành nghề tại Italia, nhằm giúp họ phòng tránh và vượt qua trở ngại. Trên thực tế, đây là đối tượng dễ vướng phải sự cố y khoa do chưa có nhiều kinh nghiệm thực chiến.
Bên cạnh đó, theo BS. Hằng, cuốn sách còn cung cấp những vấn đề của hệ thống cơ sở y tế cần được khắc phục, giúp các lãnh đạo đơn vị y tế có thể chủ động nhận diện và áp dụng các giải pháp, công cụ nhằm ngăn ngừa các lỗi hệ thống. Nhờ vậy, có khả năng ngăn chặn nhiều sự cố y khoa xảy ra.
Đồng quan điểm này, ThS. Nguyễn Bích Lưu, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều dưỡng Việt Nam chia sẻ: “Cuốn sách này không chỉ dành cho các bác sĩ, mà nó còn dành cho tất cả các đối tượng liên quan đến lâm sàng. Vấn đề nguy cơ lâm sàng hay an toàn người bệnh thực sự là vấn đề của ngành y tế ở cả Việt Nam và các nước trên toàn thế giới“.
Theo ThS. Lưu, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải quan tâm đến vấn đề an toàn người bệnh. Mà muốn có được sự an toàn người bệnh thì chúng ta phải quản lý được nguy cơ. Muốn quản lý được nguy cơ thì cần phải đào tạo. Muốn đào tạo thì phải có lý thuyết. Vì vậy, cuốn sách ra đời chính là rất phù hợp với nhu cầu của xã hội cũng như toàn ngành y tế.
Theo các diễn giả, trước đây, khi xảy ra sự cố, các nhà quản lý thường quy kết cho lỗi cá nhân, dẫn đến sự mất công bằng và tạo ra sự căng thẳng cho nhân viên trong cơ sở y tế. Tuy nhiên, nếu được trang bị kiến thức đầy đủ về thiết kế hệ thống hoàn chỉnh hơn, triển khai các khuyến cáo một cách chủ động, khả năng xảy ra sự cố y khoa sẽ được giảm thiểu.
Cuốn sách đã cung cấp tương đối đầy đủ lý thuyết về an toàn người bệnh, số liệu dịch tễ học tổng thể về an toàn người bệnh và cho từng lĩnh vực chuyên khoa, chuyên ngành để các nhà quản lý có thể tham khảo để lập kế hoạch cụ thể cho các hoạt động can thiệp có ý nghĩa ở cấp khoa, phòng, cấp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cấp địa phương, cấp chuyên ngành và cấp quốc gia.
Đây là kết quả và công sức quý báu của nhiều bác sĩ, nhà quản lý y tế trên khắp thế giới với mục đích nhằm cải thiện chất lượng chăm sóc trong các dịch vụ y tế.
Đại hội đồng Y tế Thế giới cũng đã chọn ngày 17/9 hàng năm là Ngày An toàn Người bệnh Thế giới nhằm kêu gọi các quốc gia dành sự quan tâm và có những hành động cụ thể để giảm thiểu sự cố y khoa, hạn chế các tổn hại do chăm sóc y tế đối với người bệnh.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia và tích cực hưởng ứng sáng kiến này. Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 43/2018/TT-BYT hướng dẫn báo cáo sự cố y khoa, đưa các tiêu chí an toàn vào Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, triển khai bảng kiểm an toàn phẫu thuật, an toàn sử dụng thuốc, triển khai các hoạt động kiểm soát nhiễm khuẩn, biên soạn tài liệu đào tạo về an toàn người bệnh.
Tiêu chuẩn về nguy cơ lâm sàng và an toàn người bệnh đã được đặt ra ở các nước phát triển từ cách đây hơn 20 năm. Trong khi đó, tại Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển, lĩnh vực này còn mới và chưa có nhiều hướng dẫn chi tiết cách triển khai.
Vì vậy, cuốn sách “Quản lý nguy cơ lâm sàng và an toàn người bệnh” được ra đời không chỉ giúp ích cho ngành y tế ở các quốc gia phát triển mà còn hỗ trợ nhân viên y tế, nhà quản lý ở những quốc gia còn lại được “đứng trên vai của người khổng lồ”. Họ sẽ có cơ hội nắm bắt được kiến thức và áp dụng, rút ngắn khoảng cách phải thử nghiệm hơn 20 năm mới có được từ hệ thống y tế hiện đại của các quốc gia phát triển.
Một số hình ảnh tại buổi lễ ra mắt: