67% trẻ tăng động giảm chú ý có kèm những rối loạn đồng diễn
Nhằm cập nhật chẩn đoán, điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý và các rối loạn đi kèm, Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Chiến lược toàn diện trong quản lý trẻ tăng động giảm chú ý” với sự chủ trì của ThS. BSCKII Thành Ngọc Minh – Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Bệnh viện Nhi Trung ương và sự tham gia của các báo cáo viên đến từ Bệnh viện Tâm thần thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Nhi Trung ương.
“Đây là một chương trình khoa học bổ ích và thiết thực cho các bác sĩ Nhi khoa và các bác sĩ chuyên khoa Tâm thần trong bối cảnh số lượng trẻ nghi ngờ tăng động giảm chú ý ngày càng gia tăng” – TS. BS Cao Việt Tùng – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết.
Chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ vẫn còn nhiều thách thức
Tăng động giảm chú ý (ADHD) thường gặp ở trẻ em trai hơn trẻ em gái, và trẻ mắc chứng ADHD bắt đầu phát triển triệu chứng trước khi lên 7 tuổi.
“ADHD là một trong những rối loạn thần kinh phổ biến, có biểu hiện đôi khi khác nhau giữa các giai đoạn phát triển của cá thể, nhưng lại có khi khá tương đồng với một số rối loạn phát triển thần kinh, hay RL tâm thần khác” – BSCKII Nguyễn Thị Kiều Tiên – Trưởng khoa Khám Tâm lý – Tâm thần trẻ em – Bệnh viện Tâm thần HCM chia sẻ trong bài báo cáo “Những thách thức trong chẩn đoán rối loạn tăng động giảm chú ý”.
Trong đa số các trường hợp thì tăng động giảm chú ý (ADHD) không xuất hiện đơn lẻ, cho nên việc tìm kiếm các rối loạn đi kèm cần thực hiện thường xuyên và cần chú ý rằng hầu hết các cá nhân bị ADHD có rối loạn đi kèm thường có biểu hiện lâm sàng khá phức tạp. Vì vậy, khi chẩn đoán nếu chỉ quan tâm đến ADHD mà bỏ quên các rối loạn đồng mắc thì sẽ khó để xác định được đúng bệnh.
Không chỉ gây phức tạp cho việc chẩn đoán, việc hiện diện các rối loạn đi kèm tăng động giảm chú ý (ADHD) còn làm tăng nặng các vấn đề cùng xảy ra, gây khó khăn cho việc lên kế hoạch, đánh giá hiệu quả điều trị, đồng thời tiên lượng khó khăn do các yếu tố gây nhiễu. Các bác sĩ cần lưu ý ADHD & Rối loạn lo âu; ADHD & Rối loạn lưỡng cực; ADHD & Trầm cảm trong quá trình chẩn đoán. Ngoài ra, biểu hiện ADHD tại từng độ tuổi khác nhau cũng có những đặc điểm khác nhau.
Điều trị, quản lý tăng động giảm chú ý (ADHD) bằng liệu pháp dược lý, đồng thời quản lý tối ưu những rối loạn đồng diễn
Điều trị bằng thuốc là giảm các triệu chứng cốt lõi của ADHD hướng đến cải thiện tình trạng suy giảm chức năng. Các bước tiếp cận khi kê đơn thuốc điều trị ADHD ở trẻ cần thực hiện theo 4 bước: Xác định mục tiêu điều trị, Lựa chọn thuốc, Điều chỉnh và theo dõi, Duy trì và giám sát.
Cũng cần lưu ý rằng, điều trị thuốc vẫn cần phối hợp với can thiệp hành vi/tâm lý để tăng hiệu quả, đặc biệt là đối với trẻ ADHD kém đáp ứng với điều trị thuốc đơn lẻ, có rối loạn đi kèm, hoặc có những yếu tố gây sang chấn trong gia đình.
Việc quản lý tối ưu những rối loạn đồng diễn với ADHD cũng là vấn đề quan trọng cần lưu ý đặc biệt. Theo ThS. BS Nguyễn Mai Hương – Phó Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương, nhìn chung, 67% trẻ ADHD có ít nhất 1 rối loạn đồng diễn, trong đó có 16% có 2 rối loạn đồng diễn và 18 % có từ 3 rối loạn đồng diễn trở lên. Việc hiểu biết về các rối loạn đồng diễn theo các giai đoạn tuổi của trẻ sẽ hỗ trợ các bác sĩ Nhi khoa vượt qua các trở ngại trong quá trình điều trị, tăng cường chăm sóc cho trẻ em và thanh thiếu niên mắc ADHD tốt nhất.
-
Tuổi đi học: ADHD có thể gồm các rối loạn đồng diễn như khuyết tật trí tuệ, các rối loạn lo âu, rối loạn vận động (tic), rối loạn trầm cảm (MD), rối loạn thách thức chống đối (ODD), rối loạn cư xử (CD)
-
Tuổi vị thành niên: Khuyết tật trí tuệ, các rối loạn âu lo, rối loạn vận động (tic), rối loạn trầm cảm, rối loạn thách thức chống đối (ODD), rối loạn cư xử (CD), rối loạn lưỡng cực.
Hơn 50% bệnh nhân trẻ em được chẩn đoán ADHD tiếp tục có những biểu hiện triệu chứng trong suốt thời kỳ thanh thiếu niên và hơn một nửa có những suy giảm chức năng xã hội ở tuổi trưởng thành. Ngoài ra, trẻ bị ADHD có nguy cơ cao hơn trong sử dụng chất gây nghiện, hành vi phạm tội… so với trẻ bình thường. Vì vậy, cha mẹ cần đưa trẻ có những dấu hiệu tăng động giảm chú ý đến các chuyên khoa Tâm thần Nhi khám và điều trị sớm để trẻ ADHD được can thiệp và giúp đỡ sớm, cải thiện kịp thời các chức năng cuộc sống như học tập, vui chơi, các mối quan hệ…/.
Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương