Bệnh viện Dã chiến số 3 áp dụng mô hình tháp điều trị 3 tầng để kịp thời cứu bệnh nhân trở nặng
Để linh hoạt ứng phó với các tình huống trở nặng của ca bệnh, Bệnh viện Dã chiến số 3 (khu tái định cư Bình Khánh thuộc phường An Khánh, TP. Thủ Đức) từ bệnh viện chỉ có chức năng thu dung ca nhiễm không triệu chứng đã áp dụng mô hình điều trị 3 tầng tháp. Bệnh viện đã triển khai đơn vị hồi sức tích cực để kịp thời xử trí các ca bệnh trở nặng Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với BSCKII Võ Thanh Hùng, Phó GĐ Bệnh viện Dã chiến số 3.
BSCKII Võ Thanh Hùng
PV. Tại TP.HCM đang áp dụng điều trị bệnh nhân COVID-19 theo mô hình tháp 5 tầng. Bệnh viện Dã chiến số 3 đã có điểm gì mới trong quá trình vận hành?
BSCKII Võ Thanh Hùng: Lúc đầu khi mới thành lập, giao cho Bệnh viện Dã chiến số 3 là 3.000 giường. Hiện thực kê khoảng 2.500 giường. Khi đưa vào hoạt động chỉ nhận tầng 1 (ca nhiễm chưa có triệu chứng). Tuy nhiên sau một thời gian do số ca nhiễm gia tăng, nên Sở Y tế TP.HCM đã cho phép bệnh viện thu dung, điều trị bệnh nhân ở tầng 2 và 3 (có triệu chứng và dấu hiệu chuyển nặng) để giảm tải bớt cho các bệnh viện tuyến trên.
PV.Việc kiểm soát bệnh nhân có bệnh nền như thế nào, thưa bác sĩ?
BSCKII Võ Thanh Hùng: Hiện tại bệnh nhân ở đây nhiều người có triệu chứng, có bệnh nền. Do bệnh viện đã được điều trị ca bệnh ở tầng 2-3 nên kiểm soát tốt bệnh nhân có bệnh nền, giúp các ca bệnh này dần ổn định hơn.
PV. Bệnh viện hiện có bao nhiêu giường cấp cứu để phục vụ cho bệnh nhân cần thở ô xy, thưa ông?
BSCKII Võ Thanh Hùng: Chúng tôi đang có 20 giường cấp cứu (ICU). Các bệnh nhân có triệu chứng, cần thở ô xy thì đưa đến các giường này để chăm sóc được tốt nhất. Qua đó theo dõi sinh hiệu và điều chỉnh chế độ chăm sóc sát sao hơn.
PV. Khi nâng mô hình điều trị lên tầng 2-3 thì bệnh viện được trang bị thêm gì mới để kịp thời đáp ứng cho các tình huống của bệnh nhân, thưa bác sĩ?
BSCKII Võ Thanh Hùng: Khi được cho phép của Sở Y tế, UBND Thành phố nâng mô hình điều trị lên tầng 2-3 thì bệnh viện có thêm cơ số thuốc như thuốc kháng đông, kháng viêm, kháng sinh. Kèm theo đó là ô xy áp lực cao và máy thở để điều trị bệnh nhân chuyển nặng khi chưa kịp chuyển họ lên tuyến cao hơn. Lúc đó chúng tôi phải xử lý bệnh nhân như đang ở tầng 3.
PV. Việc tăng cường điều trị, kiểm soát các ca bệnh chuyển biến xấu có những vất vả gì, thưa bác sĩ?
BSCKII Võ Thanh Hùng: Vất vả thì nhiều. Bản thân tôi cũng “đóng đô” ở bệnh viện này từ ngày đầu đến giờ để lo cho người bệnh. Các y bác sĩ đoàn kết một lòng, dốc sức điều trị, quyết tâm sớm vượt qua đại dịch mang lại trạng thái bình thường cho Nhân dân.
PV. Việc xử lý các thắc mắc của bệnh nhân trong quá trình họ ở Bệnh viện Dã chiến số 3 như thế nào?
BSCKII Võ Thanh Hùng: Chúng tôi chia kíp trực khoa học. Khi nhận bất cứ cuộc gọi nào của bệnh nhân tại các phòng thì xử lý ngay, tránh tối đa sự lo lắng, phiền hà cho bệnh nhân. Đồng thời động viên họ hợp tác tốt với bác sĩ để sớm khỏi bệnh.
PV Mỗi khi tiếp nhận các ca bệnh hoặc ca bệnh chuyển biến xấu, bác sĩ thường động viên các thầy thuốc trong bệnh viện như thế nào, thưa ông?
BSCKII Võ Thanh Hùng: Bây giờ phải bệnh nhân có triệu chứng mới gửi lên đây. Những lúc nhận bệnh như vậy chúng tôi luôn động viên nhau đồng lòng dốc tâm sức điều trị bằng cả tấm lòng quyết cứu bệnh nhân qua những nguy kịch, hạn chế tối đã để diễn biến nặng. Từ khi đi vào hoạt động ngày 7/7/2021 đến nay (27/7/2021) đã có hơn 1.000 bệnh nhân COVID-19 ở đây được điều trị khỏi và xuất viện.
Xin cảm ơn BS./.