Các tỉnh, thành linh hoạt điều chỉnh biện pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh
Các tỉnh, thành đang có nhiều giải pháp linh hoạt để ứng phó với diễn biến dịch COVID-19. Trong khi một số địa phương siết chặt, địa phương khác lại nới lỏng để người dân và doanh nghiệp nhanh chóng hoà nhập nhịp sống trong trạng thái mới.
Nơi tăng cường phòng ngừa…
Trước tình hình dịch trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, số ca mắc trong cộng đồng và tỉ lệ tử vong chưa giảm, UBND tỉnh An Giang yêu cầu các địa phương rà soát, lập kế hoạch, phương án tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 – 11 tuổi khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện, thị xã, thành phố, lực lượng công an và ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong phòng, chống dịch COVID-19; yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không phục vụ bia, rượu; thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch; đảm bảo thông điệp “5K”; giảm quy mô công suất phục vụ còn 50%. Địa phương nào chủ quan, lơ là, không tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch, nếu qua kiểm tra đột xuất phát hiện sai phạm thì người đứng đầu địa phương đó sẽ bị phê bình.
Số ca mắc COVID-19 ở Lâm Đồng tăng nhanh trong những ngày gần đây, có ngày lên đến gần 500 ca, cao nhất Tây Nguyên.
Ngày 5/1, Sở Y tế Lâm Đồng ghi nhận 225 ca mắc COVID-19, 1 người tử vong; nâng tổng số người mắc lên 11.295, số trường hợp tử vong là 32. Hiện số ca mắc COVID-19 đang điều trị ở Lâm Đồng là 4.198, cao nhất so với 5 tỉnh trong khu vực.
Với tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Lâm Đồng hiện có 3 huyện, 31 xã, phường, thị trấn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao về COVID-19).
Để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình hiện nay, UBND TP Đà Lạt đã thành lập 16 Trạm Y tế (TYT) lưu động ở 16 xã, phường. Các TYT lưu động này chịu sự quản lý, điều hành của Giám đốc Trung tâm Y tế Đà Lạt. Mỗi TYT lưu động có 5 người, do Trưởng hoặc Phó TYT phường, xã làm trưởng trạm; các thành viên là y, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế thôn bản, cán bộ y tế hưu trí, người hành nghề tại cơ sở y dược tư nhân tham gia.
UBND TP Đà Lạt thông tin tùy tình hình thực tế, UBND xã, phường có thể huy động thêm các lực lượng khác để hỗ trợ cho TYT lưu động thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.
Với đặc thù có nhiều buôn làng vùng sâu, vùng xa nên việc tuyên truyền được ngành y tế địa phương triển khai linh hoạt, đông đảo người dân đã hiểu rõ về dịch COVID-19. Ông Ka Nham và nhiều hộ dân ở Đạ Huoai (Lâm Đồng) chia sẻ: Trước kia người dân còn xem nhẹ 5K nhưng hiện nay đều đồng loạt thực hiện, nhất là việc đeo khẩu trang nơi công cộng. Nhân viên y tế bám địa bàn đã tích cực phối hợp cùng lực lượng khác giúp từng gia đình hiểu rõ về dịch COVID-19 để phòng.
Nhiều xã vùng sâu ở Di Linh; Lâm Hà… cũng đã chủ động nâng cao ý thức phòng dịch COVID-19. Cùng với việc tạo chuyển biến ý thức phòng dịch ở các địa phương thì ngành y tế tỉnh Lâm Đồng cũng duy trì đường dây nóng để tiếp nhận, giải đáp các thắc mắc về dịch COVID-19. Cụ thể, Sở Y tế Lâm Đồng số 0918016355 – 0914971889; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng số 0918564072 – 02633.816864.
Cũng như Lâm Đồng, hàng loạt buôn làng ở Gia Lai đã chủ động thực hiện 5K và các quy định về phòng dịch COVID-19. Ông Ma Tanh ở huyện biên giới Đức Cơ cho biết: “Không chỉ thực hiện các quy định mà gia đình nọ còn giám sát gia đình kia để nếu nhà nào lơ là thì nhắc nhở, động viên lẫn nhau. Các tổ COVID-19 cộng đồng cũng chia thời gian hợp lý để đến vận động bà con thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống COVID-19. Vậy nên số ca mắc mới không còn diễn biến phức tạp như trước”.
Nơi nới lỏng để thích ứng an toàn, linh hoạt
Trong khi đó, UBND thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vừa ra thông báo số 01/TB-UBND về việc áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột. Theo đó, nhằm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, UBND thành phố Buôn Ma Thuột áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố từ 6 giờ ngày 6/1 cho đến khi có thông báo mới.
Cụ thể, cho phép tổ chức hoạt động ngoài trời, trong nhà tập trung dưới 60 người trong cùng một thời điểm và trên 90% người tham gia được tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng; bảo đảm thực hiện nguyên tắc 5K.
Hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định nội thành và liên tỉnh, xe buýt, taxi, xe hợp đồng du lịch được hoạt động nhưng bảo đảm nguyên tắc 5K, người phục vụ và khách đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng.
Các hoạt động kinh doanh dich vụ như trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ truyền thống… được hoạt động có điều kiện. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động với điều kiện phục vụ không quá 20 khách trong cùng một thời điểm; bàn cách bàn tối thiểu 2m.
Tuy nhiên, thành phố vẫn tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh, các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao như vũ trường, karaoke, message, internet, trò chơi điện tử, các cơ sở làm đẹp… Riêng cắt tóc được hoạt động có điều kiện.
Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thờ tự, hoạt động lữ hành, tham quan tại khu du lịch, điểm du lịch, dịch vụ ăn uống trong cơ sở kinh doanh du lịch, cơ sở lưu trú được hoạt động nhưng người tham gia phải tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng; phục vụ không quá 50% công suất.
Tương tự, các thư viện, bảo tàng, rạp chiếu phim, cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hoá, nghệ thuật được hoạt động với những điều kiện tương tự như trên, phục vụ không quá 50% công suất. Các cơ sở sản xuất, đơn vị thi công các công trình xây dựng được hoạt động nhưng có phương án, kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19, chủ động phát hiện, giám sát các yếu tố dịch tễ có liên quan đến người quản lý, nhân công, người lao động; phối hợp với các ngành chức năng xử lý khi phát hiện trường hợp nhiễm COVID-19 trong quá trình sản xuất.
Nguồn: SKĐS