Cảnh báo cúm A/H7N9 độc lực cao
Đặc điểm của virut cúm gà là có khả năng biến đổi rất nhanh (biến đổi gen) cho nên liên tục xuất hiện các loại, các chủng cúm mới. Do virut cúm gây đột biến gen mạnh và trở thành những chủng virut có độc tính rất cao giống như loại virut cúm H1N1 đã từng gây ra vụ đại dịch cúm ở Tây Ban Nha vào những năm 1918 của thế kỷ trước hoặc cúm A/ đã từng bùng phát ở Trung Quốc. Cũng tại nước này, trong những năm qua, nhiều chủng virut cúm đã xuất hiện (đầu năm 2013, đã xuất hiện ca nhiễm cúm H6N1, sau đó là cúm làm hơn 140 người nhiễm bệnh ở nước này và rồi đến chủng cúm gia cầm H10N8).
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chủng virut H10N8 đã được phát hiện trên gia cầm từ năm 1965 tại ít nhất 7 quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Trong đó, chủng virut đã khiến hơn 100 người bị lây nhiễm tại Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hồng Kông. Trong các phân nhóm của cúm gà thì virut cúm A/H5N1 có khả năng gây nhiễm rất cao. Lần đầu tiên người ta tìm thấy chúng qua vụ dịch cúm ở Hồng Kông vào năm 1997. Tính đến tháng 2/2008, trên toàn thế giới có tới 369 trường hợp người mắc bệnh cúm gà và đã gây tử vong với số lượng 234 người (chiếm tỷ lệ 63,4%). Virut cúm A/H5N1 lây lan khắp thế giới là do chúng có khả năng ký sinh ở nước bọt, dịch mũi, phân và trong các tế bào niêm mạc ruột non của một số loài chim di cư. Vào tháng 1/2014, cũng tại Trung Quốc lại xuất hiện thêm chủng cúm gia cầm mới, đó là H9N2. Bên cạnh cúm gà chủng A/H5N1 có nguy cơ lây lan cho người rất lớn và có tỷ lệ tử vong cao là virut cúm gà chủng H7N9 có khả năng gây bệnh trên người và hiện nay đang có nguy cơ bùng phát. Tại Trung Quốc, từ tháng 3/2013, đã có 168 người mắc bệnh do viruts cúm chủng H7N9 và tử vong 60 trường hợp.
H7N9 là loại độc lực cao, có thể gây suy hô hấp nhanh chóng
Gọi là virut cúm gà A/H7N9 vì chúng thuộc họ Orthomyxoviridae giống Influenzavirus A, thuộc nhóm ARN có 16 kháng nguyên HA (từ H1 – H16) và 9 kháng nguyên NA (từ N1 – N9). Virut cúm H7N9 có khả năng nhân lên trong các cơ quan hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, sinh sản ở đó và chúng có mặt trong chất tiết của đường hô hấp như nước mắt, nước mũi, nước bọt và chất tiết của đường tiêu hóa. Chủng virut H7N9 gây bệnh cho gia cầm và có khả năng lây sang người, đồng thời gây bệnh cho người (cho đến nay, chưa thấy xuất hiện virut H7N9 lây từ người sang người). Đối với con người, cúm gà gây ra các triệu chứng ở mức độ nặng hay nhẹ tùy thuộc vào độc lực của virut và sức đề kháng của cơ thể. Độc lực của virut cúm có 4 mức độ (cao, vừa, nhẹ, không độc). Với mức độ độc lực cao (highly virulent) thể hiện bệnh nặng, tỷ lệ tử vong cao. Bệnh ảnh hưởng đến hầu hết các hệ thống cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là hệ hô hấp, hệ thống thần kinh và hệ tim mạch. Mức độ độc lực vừa (moderately virulent), bệnh cảnh có nhẹ hơn và tỷ lệ tử vong thấp hơn. Mức độ độc lực nhẹ (mildly virulent) có tỷ lệ tử vong rất thấp (dưới 5%). Và loại không có độc lực (avirulent) thì không có triệu chứng và không gây tử vong. Đối với chủng H7N9 là loại độc lực cao gây viêm hô hấp cấp dẫn tới suy hô hấp nhanh chóng và nguy cơ tử vong rất cao (có thể đến 100%).
Giống như các loại virut cúm gà khác, chủng H7N9 có thể xâm nhiễm vào nhiều loại động vật khác nhau như gà, thủy cầm, chim hoang dại, lợn, ngựa, hải cẩu, cá voi, hổ và con người. Tuy nhiên, hiện giờ, chưa có bằng chứng thực nghiệm nào cho thấy virut cúm gà có thể sống sót trong thức ăn đã được nấu chín, tuy vậy, chúng có khả năng tồn tại, phát triển trong thịt, trứng của chúng chưa nấu chín và các loại chất thải, nhất là chất thải lỏng (tồn tại được 105 ngày vào mùa đông), trong phân khoảng từ 30 – 35 ngày ở 4°C và 7 ngày ở 20°C. Virut cúm gà H7N9 cũng có thể tồn tại trong máu và tử thi ở nhiệt độ lạnh khoảng 3 tuần lễ. Tuy vậy, chúng có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 70oC trong vòng 15 phút hoặc có độ pH mạnh hoặc các loại hóa chất, thuốc sát trùng. Bệnh cúm gà lây truyền qua thịt, ruột, trứng của chúng, qua không khí, chất thải, phân và có thể gây nhiễm cho thức ăn, nước, dụng cụ vận chuyển, dụng cụ giết mổ, chế biến thực phẩm và quần áo. Do tính độc cao của H7N9 trong khi chưa có thuốc đặc trị và chưa có vaccin dự phòng nhưng chúng ta có thể hạn chế đến mức tối đa mầm bệnh lây lan từ bên kia biên giới.
Triệu chứng của bệnh cúm gà H7N9
Virut cúm H7N9 khi gây bệnh trên gia cầm thì bệnh cảnh không rầm rộ nhưng ở trên người thì triệu chứng rất rõ ràng, vì vậy, rất dễ mua nhầm gia cầm, thủy cầm ốm mà không biết. Đối với người, khi lâm bệnh thường có sốt cao đột ngột và liên tục (trên 38 độ), đau đầu và kèm theo đau nhức các cơ, ho khan, đau rát họng (các triệu chứng này rất dễ nhầm với bệnh viêm họng cấp). Đặc biệt, khi người bị viêm phổi do virut cúm gà là đau tức ngực dữ dội và khó thở kèm theo. Khi bệnh đã nặng thì xuất hiện tím tái do suy hô hấp nặng, mệt mỏi nhiều và bắt đầu rối loạn ý thức. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy. Nếu không phát hiện sớm và chữa trị tích cực, kịp thời thì rất nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
5 biện pháp đối phó với dịch cúm nguy hiểm
Thường xuyên rửa tay với xà phòng. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh; Không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Đảm bảo an toàn thực phẩm; Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết, phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn; Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Người trở về nước từ khu vực có bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe.