Điều trị vẹo cột sống vô căn tuổi thanh thiếu niên bằng phương pháp Lenke
Vẹo cột sống là tình trạng bệnh lý đặc trưng bởi sự cong về phía bên của cột sống trên 10 độ. Tình trạng này sẽ khiến bệnh nhân bị đau thắt lưng, gù, vận động, sinh hoạt khó khăn. Phẫu thuật cột sống Lenke là một phương pháp an toàn, hiệu quả cao.
8% bệnh vẹo cột sống tuổi thanh thiếu niên là vô căn
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vẹo cột sống, trong đó có tới 80% các trường hợp không rõ nguyên nhân, do đó gọi là vẹo cột sống vô căn.
TS.BS Phan Trọng Hậu – Chủ nhiệm khoa Chấn thương chỉnh hình cột sống, Bệnh viện TWQĐ 108 cho biết: Vẹo cột sống vô căn thường khởi phát ở thanh thiếu niên, lứa tuổi từ 10-18 tuổi. Tại Việt Nam chưa có con số thống kê cụ thể về tỉ lệ mắc bệnh, nhưng ước tính tỉ lệ mắc trên toàn thế giới dao động khá lớn, từ 0,47-5,2%. Vẹo cột sống vô căn khởi phát thanh thiếu niên cũng chiếm 85% trong số người bệnh cần điều trị.
Một ca vẹo cột sống nghiêm trọng được phẫu thuật tại Bệnh Viện TWQĐ 108.
Phương pháp Lenke mang lại hiệu quả trong phẫu thuật vẹo cột sống vô căn
Theo TS.BS Phan Trọng Hậu, đa số các ca cong vẹo cột sống ban đầu có sức khỏe bình thường, chỉ có biến dạng về hình thể. Tuy nhiên chính sự biến dạng về hình thể này kéo dài sẽ làm bệnh nhân mệt mỏi, làm ảnh hưởng đến thẩm mỹ và ảnh hưởng đến chức năng cột sống, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
Điều trị nội khoa chỉ với bệnh nhân mắc kèm thêm các bệnh lý khác để đạt được tình trạng sức khỏe tốt nhất trước khi phẫu thuật. Phẫu thuật nắn chỉnh cột sống là phương pháp duy nhất cho đến nay để điều trị bệnh lý này. Chỉnh cong vẹo cột sống là ca phẫu thuật lớn, do đó cần chuẩn bị tình trạng sức khỏe tốt nhất cho bệnh nhân trước khi bước vào cuộc phẫu thuật.
Phẫu thuật điều trị cong vẹo cột sống nói chung và cong vẹo cột sống thanh thiếu niên nói riêng được chỉ định với các trường hợp vẹo cột sống có góc Cobb (là góc tạo ra giữa 2 đường thẳng từ 2 đốt sống bị vẹo nặng nhất) lớn hơn 50 độ ở người lớn và lớn hơn 45 độ ở trẻ vị thành niên.
Cũng theo TS. Hậu, trước đây, phẫu thuật chỉnh hình cột sống là nỗi ám ảnh của nhiều người. Nhiều người bệnh và người nhà người bệnh thay vì lựa chọn phẫu thuật chỉnh hình cột sống, họ chọn sống chung với bệnh. Nhưng đến nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, việc phẫu thuật nắn chỉnh cột sống đã không còn là bài toán quá khó, mang lại hạnh phúc cho nhiều bệnh nhân.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân đã đứng, ngồi thẳng lưng, đi lại bình thường.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần dùng kháng sinh và thuốc giảm đau cho đến khi vết thương lành. Việc phục hồi chức năng sau phẫu thuật là một vấn đề rất quan trọng. Các bác sĩ và điều dưỡng sẽ hướng dẫn bệnh nhân các bài tập phục hồi chức năng phù hợp.
Sau khi bệnh nhân ra viện, cần kiên trì tập luyện theo hướng dẫn của các bác sĩ. Nếu tập luyện đúng, tốt thì thời gian để phục hồi hoàn toàn, thông thường mất khoảng 6 tháng và có thể hòa nhập cuộc sống bình thường.
Tuy nhiên, TS.BS Phan Trọng Hậu cũng cho biết, phẫu thuật nắn chỉnh cột sống sẽ trả lại cho bệnh nhân vấn đề thẩm mỹ, tự tin trong cuộc sống nhưng vì cố định kéo dài nên cột sống sẽ bị hơi cứng so với cột sống bình thường. Song quan trọng nhất, tỉ lệ cong vẹo cột sống thanh thiếu niên có tỉ lệ bệnh nhân nữ cao hơn, nên sau phẫu thuật, các cháu được trở lại một hình thể tương đối bình thường sẽ giải phóng được tâm lý tự ti, xa lánh với xã hội.
Dự phòng cong vẹo cột sống thanh thiếu niên như thế nào?
Cong vẹo cột sống là bệnh lý thường gặp ở tuổi thanh thiếu niên, các triệu chứng lâm sàng rất ít mà tiến triển bệnh lại rất nhanh. Chỉ trong khoảng thời gian 6 tháng, tình trạng cong vẹo cột sống đã có thể nghiêm trọng – TS.BS Phan Trọng Hậu chia sẻ.
Vì thế, để dự phòng bệnh tiến triển thì cần phát hiện bệnh sớm. Đối với đa số phụ huynh có con trong độ tuổi từ 10-18 cần chú ý tình trạng sống lưng của trẻ bằng cách:
Quan sát dáng ngồi, dáng đứng, dáng đi của trẻ xem có bất thường gì không.
Có thể thường xuyên kiểm tra tình trạng sống lưng của trẻ tốt nhất bằng cách hướng dẫn trẻ cúi gập xuống, để bộc lộ rõ sống lưng và phát hiện sớm tình trạng cong vẹo.
Ngoài ra, trong gia đình có người mắc vẹo cột sống vô căn cần tầm soát cho trẻ thường xuyên hơn. Trẻ trong độ tuổi nguy cơ cao cần được khám sức khỏe học đường thường xuyên.
Các yếu tố khác như tư thế ngồi học, mang vác quá nặng không phải là nguyên nhân dẫn đến cong vẹo cột sống, nhưng nó sẽ khiến tình trạng bệnh tiến triển nhanh hơn. Do vậy cần hướng dẫn trẻ ngồi đúng tư thế, điều chỉnh bàn ghế cho phù hợp với chiều cao của trẻ. Trẻ cần được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, vận động thể chất đều đặn và không ngồi một chỗ quá lâu.
Theo TS. Hậu, khi bệnh phát hiện giai đoạn sớm, tùy từng giai đoạn sẽ có các bài tập vận động cụ thể cho chứng vẹo cột sống, mang áo nẹp, hỗ trợ nắn chỉnh cột sống bên ngoài, hoặc phẫu thuật đơn giản, nhẹ nhàng, ít biến chứng. Nếu để tình trạng bệnh nặng, phải phẫu thuật, bệnh nhân phải đối mặt với nhiều biến chứng và chi phí điều trị rất tốn kém./.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn