F0 tăng nhanh, Hải Phòng dồn sức chống dịch
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn TP. Hải Phòng tăng cao. Một số nơi đã gặp tình trạng quá tải, nhất là các trạm y tế lưu động. Trước thực tế này, TP. Hải Phòng triển khai nhiều giải pháp, tăng cường nhân lực, vật lực, dồn sức chống dịch.
Liên tục những ngày qua, số ca mắc tại Hải Phòng tăng từ 1.400 đến 1.600 ca mắc mới mỗi ngày. Các cơ sở y tế và các địa phương trên địa bàn thành phố đang điều trị trên 49.000 ca mắc COVID-19, trong đó trên 95,7% số bệnh nhân điều trị tại nhà.
Số ca mắc COVID-19 tăng cao, không chỉ các bệnh viện mà cả các tại các quận, huyện của thành phố Hải Phòng đều quá tải. Hải Phòng hiện có 237 trạm y tế lưu động, với 5 nhân viên/trạm. Trung bình, mỗi trạm y tế lưu động phải quản lý, điều trị hơn 100 tại nhà, trong khi vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch, tiêm chủng tại địa phương.
Riêng tại quận Hải An, do địa bàn rộng, mỗi trạm y tế lưu động phải quản lý, chăm sóc hơn 400 F0 tại nhà; tại các địa phương khác như quận Ngô Quyền, Lê Chân, huyện An Dương, mỗi trạm y tế lưu động cũng phải quản lý hơn 200 F0.
Bà Trần Thị Quỳnh Trang – Bí thư huyện ủy An Dương (TP Hải Phòng) cho biết: “Quan trọng nhất thời điểm bây giờ, một là thuốc, 2 là nhân lực. Về phía địa phương chúng tôi sẽ chủ động trong điều động nhân lực cho các trạm y tế khi số ca F0 tăng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đề xuất với thành phố, ngành y tế bổ sung một số tình nguyện viên có chuyên môn của các trường cao đẳng, đại học y. Về thuốc, hiện nay vẫn có tình trạng người dân tự điều trị, tự đi mua thuốc nên việc thuốc men có thể nói chưa thực sự kiểm soát được”.
Để kịp thời đáp ứng công tác phòng chống dịch, UBND thành phố Hải Phòng đã huy động 600 sinh viên các trường Đại học Y Dược Hải Phòng, Đại học Hải Phòng và Cao đẳng Y tế Hải Phòng hỗ trợ các trạm y tế lưu động. Trong số này có nhiều sinh viên đã từng tham gia các đoàn công tác của Hải Phòng hỗ trợ các địa phương chống dịch.
Cùng với đó, thành phố cũng chỉ đạo thành lập các tổ chăm sóc cộng đồng hỗ trợ các trạm y tế lưu động. Trước mắt, các quận, huyện: Lê Chân, An Dương, Hải An, Ngô Quyền sẽ thành lập thí điểm mỗi địa phương từ 5-7 tổ chăm sóc cộng đồng; sau khoảng 10 ngày sẽ tổng kết, đánh giá hiệu quả và nhân rộng trên địa bàn thành phố.
Theo bà Phạm Thị Thu Xanh – Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP Hải Phòng, các ban ngành của thành phố cần đẩy mạnh giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin trong quan lý, hướng dẫn chăm sóc F0: “Chúng ta phải có tổng đài 1022, khi người bệnh gọi về tổng đài này thì nhân viên sẽ cung cấp cho họ đường link và khai báo vào đó, ngay lập tức sẽ có tin nhắn tự động gửi về. Bệnh nhân có nguy cơ cao thì nhân viên y tế sẽ xác báo lại để xuống kiểm tra; bệnh nhân bình thường thì sẽ có tin nhắn hướng dẫn tự động”.
Cùng với tăng cường nhân lực trong phòng chống dịch, Sở Y tế Hải Phòng tích cực làm việc với Bộ Y tế đế bổ sung vaccine, thuốc kháng virus; đẩy nhanh các thủ tục mua sắm vật tư y tế phục vụ công tác chống dịch. Theo Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang, quan điểm của thành phố là không lơ là, chủ quan trong công tác phòng chống dịch nhưng cũng không quá hoảng sợ, lo lắng; thành phố sẵn sàng kinh phí cho công tác phòng chống dịch.
“Chúng ta có một số nguyên tắc ứng xử chung cho cả thành phố nhưng cũng đề cao sự ứng xử riêng phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Cần tăng cường lực lượng anh em ở cơ sở đang phụ trách công tác điều trị F0 tại nhà, không cần đông nhưng phải chất lượng và có chế độ cho anh em”, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho hay.
Dù triển khai đồng loạt nhiều biện pháp nhưng ý thức tự giác của người dân vẫn luôn là điều quyết định cho hiệu quả thích ứng với dịch bệnh. UBND thành phố Hải Phòng khuyến khích người dân chủ động test nhanh và khai báo với chính quyền địa phương nếu có kết quả dương tính để được hỗ trợ và chăm sóc phù hợp, kịp thời.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn