Hà Tĩnh tập trung công tác phòng chống dịch bệnh sau lũ
Quang cảnh Hội nghị
Trong thời gian qua mưa lớn trên diện rộng liên tiếp gây ngập lụt ở một số nơi trên địa bàn các huyện Hương Khê, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Vũ Quang, thị xã Kỳ Anh. Tính đến ngày 05/11 trên địa bàn tỉnh đã có 6.068 hộ, 6.338 giếng nước, 6.053 công trình vệ sinh bị ngập nước. Toàn tỉnh ghi nhận 37 trường hợp mắc sốt xuất huyết trên địa bàn, hiện 36 ca đã khỏi bệnh, 01 ca đang điều trị; 27 trường hợp mắc quai bị rải rác trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh, đối tượng hầu hết là học sinh các trường mầm non, tiểu học. Nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, Trung tâm YTDP tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động kịp thời cấp hóa chất xử lý môi trường cho các địa phương bị ngập lụt nặng, phối hợp với chính quyền các địa phương khơi thông cống rãnh, lấp các vũng nước đọng, thu gom, xử lý nước thải, xác súc vật chết. Đồng thời tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ, xử lý hóa chất khử khuẩn môi trường, nguồn nước ăn uống sinh hoạt cho các hộ gia đình bị ngập, đến nay 13/13 huyện trong toàn tỉnh hoàn thành công tác vệ sinh môi trường, xử lý giếng nước ăn uống, phun hóa chất phòng chống dịch bệnh sau lũ. Hiện nay đang tập trung nhân lực phòng chống dịch Sốt xuất huyết tại một số địa phương, duy trì hoạt động giám sát véc tơ thường xuyên tại 262/262 xã, phường, giám sát các trường hợp nghi ngờ sốt xuất huyết và Zika, điều tra, giám sát ổ dịch cũ và vùng có nguy cơ cao, triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng bọ gậy phòng chống các dịch bệnh.
Tại buổi giao ban, đại diện các đơn vị Trung tâm YTDP các huyện đã có nhiều ý kiến đóng góp xung quanh việc tập trung công tác phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ, công tác xử lý rác thải y tế, cụ thể rõ ràng trong công tác báo cáo thống kê..
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bác sĩ Trần Xuân Dâng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh ghi nhận sự kịp thời vào cuộc của hệ thống y tế dự phòng toàn tỉnh trong việc xử lý vệ sinh môi trường phòng chống dịch và xử lý kịp thời giếng nước sinh hoạt cho người dân sau lũ. Bác sĩ Trần Xuân Dâng đề nghị các đơn vị không được chủ quan lơ là, theo dõi sát những vùng có nguy cơ dịch bệnh cao vì sau khi lũ rút nguy cơ xẩy ra các dịch bệnh là rất lớn, cần tiếp tục tuyên truyền cho người dân về cách phòng chống dịch bệnh cũng như công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm để hạn chế nguy cơ xẩy ra dịch bệnh thấp nhất. Cần giám sát tốt công tác phòng chống suy dinh dưỡng, triển khai tốt công tác tiêm chủng, phòng chống sốt xuất huyết, quai bị, thủy đậu…Trong tháng 11/2016, 13 đơn vị YTDP tuyến huyện cần phối hợp với các bệnh viện để nhanh chóng triển khai điều trị quản lý bệnh không lây nhiễm. Kịp thời công bố các đơn vị đủ tiêu chuẩn về tiêm chủng theo Nghị định 104 của Chính phủ. Bám sát tiêu chí 15 trong Xây dựng Nông thôn mới theo Quyết định 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Chính phủ phải dựa trên 3 tiêu chí gồm bảo hiểm y tế toàn dân đạt từ 85% trở lên, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng hệ thấp còi (chiều cao theo tuổi từ 24,2% trở xuống) và Trạm Y tế đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chuẩn tại Quyết đinh 4667 của Bộ Y tế.
Nguồn: Theo Sở Y tế Hà Tĩnh