Lâm Đồng đẩy nhanh tiêm vaccine phòng COVID-19 và phòng, chống sốt xuất huyết
Quyết liệt trong tiêm
Tỉnh Lâm Đồng cơ bản hoàn thành việc tiêm đủ liều cơ bản cho người từ 12 tuổi trở lên.
Tuy nhiên, tiến độ tiêm chủng đang chậm, nhất là liều 3, 4. Vậy nên Tỉnh ủy Lâm Đồng đã yêu cầu Bí thư các thành ủy, huyện ủy phải chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Huy động sự tham gia của tất cả các ngành, đoàn thể phối hợp với ngành y tế trong công tác tuyên truyền, vận động và tổ chức tiêm chủng… Không để xảy ra tình trạng vaccine phòng COVID-19 dư thừa và hết hạn phải hủy bỏ.
Bí thư các thành ủy, huyện ủy ở Lâm Đồng phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về việc tiêm vaccine phòng COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh nếu để xảy ra dịch bùng phát trên địa bàn do người dân chưa được tiêm chủng.
UBND tỉnh Lâm Đồng cũng phải chỉ đạo rà soát, thống kê cụ thể đối tượng cần tiêm mũi 3, mũi 4, đối tượng trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi để có kế hoạch triển khai tiêm chủng kịp thời. Tăng cường tổ chức tiêm lưu động tại trường học, nhà máy, cụm dân cư…để tăng tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên và tiêm cho trẻ từ 5 đến 12 tuổi…
Đầu tháng 7/2022, Sở Y tế Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc như: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật; Bệnh viện Đa khoa tỉnh; Bệnh viện II Lâm Đồng; Trung tâm Y tế các huyện, thành phố Đà Lạt, Bảo Lộc…cần phải phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp tăng cường tuyên truyền vận động để các cơ quan, tổ chức và người dân hiểu, đồng thuận việc tiêm vaccine phòng COVID-19. Đặc biệt là vận động người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3), mũi nhắc lại lần 2 (mũi 4); người từ 12 đến dưới 18 tuổi đi tiêm mũi nhắc lại (mũi 3) và đẩy nhanh tiến độ tiêm đủ liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Đảm bảo hoàn thành trong tháng 8/2022.
Để không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng phải trích xuất toàn bộ danh sách các trường hợp chưa tiêm (mũi 3, mũi 4 đối với người từ 18 tuổi trở lên; mũi 3 đối với người từ 12 đến dưới 18 tuổi và mũi 1, mũi 2 đối với trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi) theo từng địa bàn cấp xã. Sau đó gửi ngay cho UBND huyện, thành phố để chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể căn cứ danh sách đối tượng chưa tiêm chủng trên địa bàn để vận động người dân đi tiêm theo lịch của ngành Y tế. Trường hợp không tiêm, yêu cầu người dân ký cam kết chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng mắc bệnh hoặc lây truyền bệnh cho người khác.
Khẩn trương phòng, chống sốt xuất huyết
Tại Lâm Đồng đã xuất hiện nhiều ổ dịch sốt xuất huyết. Mới thống kế từ đầu năm đến 23/6, Lâm Đồng đã có trên 500 ca bệnh sốt xuất huyết. Các địa phương ở Lâm Đồng ghi nhận nhiều ca mắc sốt xuất huyết như: Bảo Lộc; Bảo Lâm; Di Linh…
Để dịch không diễn biến phức tạp, đầu tháng 7/2022, ngành y tế Lâm Đồng đã có văn bản yêu cầu Trung tâm Y tế các huyện/thành phố trên địa bàn phải giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân sốt xuất huyết. Nắm thật chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh. Chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, trang thiết bị, chủ động nguồn hóa chất tại địa phương để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Xác định các điểm có nguy cơ cao và tổ chức phun hóa chất chủ động theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Phải truyền thông giúp người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết như: lật úp, loại bỏ các dụng cụ chứa nước không sử dụng, diệt lăng quăng/bọ gậy, nằm màn, chống muỗi đốt, truyền thông về dấu hiệu của bệnh sốt xuất huyết và hướng dẫn người dân khi mắc bệnh không tự điều trị tại nhà, đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời…
Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong toàn ngành y tế Lâm Đồng phải dự trù đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư…để phục vụ cho công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Tập huấn công tác điều trị bệnh sốt xuất huyết cho các bác sĩ. Tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đang nằm nội trú, đặc biệt cả trong các ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca bệnh có diễn biến nặng lên tuyến trên…
Nguồn: Suckhoedoisong.vn