Một năm hoạt động của Ngành Y tế Thành phố Hồ Chí Minh
Theo đó, y tế thành phố đã chủ động triển khai tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, không để xảy ra dịch bệnh lớn trên địa bàn. Các chỉ tiêu về thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, Chương trình sức khỏe của thành phố đều đạt và hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra trong năm.
Luôn nỗ lực thực hiện các giải pháp tích cực nhằm giảm tải bệnh viện và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho bệnh viện tuyến quận/huyện; Ngành Y tế thành phố thực hiện tốt công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật, tăng cường cán bộ, nhân viên y tế đến các cơ sở y tế tại các tỉnh, quận, huyện, bệnh viện tuyến cơ sở, nhất là thực hiện chính sách đãi ngộ, thu hút cán bộ y tế công tác tại mạng lưới y tế cơ sở góp phần nâng cao trình độ về chuyên môn, công tác quản lý tại cơ sở. Trong đó, Ngành tiếp tục phát triển hoạt động phòng khám vệ tinh, khoa vệ tinh, hoạt động mô hình bác sĩ gia đình, đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý bệnh viện, khám, chữa bệnh nhằm tăng thêm thời gian khám chữa bệnh tại các BV quá tải để người bệnh bớt thời gian chờ đợi; đồng thời triển khai chương trình quản lý chất lượng khám chữa bệnh, xây dựng phác đồ điều trị chuẩn, chú trọng an toàn người bệnh. Từ những giải pháp trên, năm 2014 SYT đã tổ chức xếp hạng lại cho 23 bệnh viện quận huyện, trong đó có 5/23 Bệnh viện quận/huyện từ hạng III lên hạng II (như BV.Q2, BV.Q4, BV.Q6, BV.Bình Thạnh, BV.Bình Tân) và có 1/23 BV từ hạng II lên hạng I (là Bệnh viện quận Thủ Đức). Số lượt bệnh nhân đến bệnh viện quận huyện khám, chữa bệnh năm 2014 tăng lên từ 06% đến 36% so với năm 2013 (tăng nhiều nhất Bệnh viện quận Bình Tân), trong đó số lượt khám cho trẻ em dưới 6 tuổi cũng tăng từ 09% đến 35% (tăng nhiều nhất là Bệnh viện quận 2). Số bệnh nhân điều trị nội trú tại các bệnh viện quận huyện năm 2014 tăng từ 5% lên đến 201%, trong đó Bệnh viện quận Tân Phú, bệnh nhân khoa nhi nội trú tăng 198% so với năm 2013. Số bệnh nhân nội trú chuyển viện của các Bệnh viện giảm như: BV Quận 2 (57.3%), Bệnh viện quận Bình Tân (80.8 %), Bệnh viện huyện Bình Chánh (43.6%)… Trong năm, Ngành cũng luôn chú trọng phát triển chuyên khoa sâu, áp dụng kỹ thuật mới trong khám và điều trị, là trung tâm của cả nước và trong khu vực về nghiên cứu khoa học, ứng dụng kỹ thuật cao trong thăm khám và điều trị bệnh. Những thành tựu trong khám và điều trị đã tạo được uy tín, niềm tin của nhân dân đối với ngành Y tế thành phố.
Công tác phát triển nguồn nhân lực được đặc biệt chú trọng, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế được tăng cường cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành. Theo đó, Ngành có 14.5 bác sĩ/10.000 dân đạt 96,66% so với chỉ tiêu kế hoạch của thành phố đề ra và cao gần gấp 2 lần so với chỉ tiêu của Trung ương đề ra trong giai đoạn 2011-2020. Số Dược sĩ đại học đạt 9.21 /10.000 dân, cao gần gấp 5 lần so với chỉ tiêu kế hoạch của thành phố (là 02 dược sĩ/10.000 dân). Số điều dưỡng đạt 33.70/10.000 dân (27.354/8.115.000 dân), đạt 135% so với kế hoạch đề ra. Lĩnh vực y tế dự phòng và tuyến y tế cơ sở đạt 12,20% (4.573/37.469), đạt 40,66% so với kế hoạch đề ra.
Để chuẩn bị đáp ứng cho nhu cầu nhân lực y tế của 2 bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (vừa được khởi công xây dựng vào đầu tháng 12/2014) và bệnh viện Ung Bướu 02 – Là 2 cơ sở y tế được đầu tư theo tiêu chuẩn quốc tế; Sở Y tế phối hợp với trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và các Sở – ngành liên quan đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cán bộ lãnh đạo quản lý ngắn hạn ở nước ngoài, từ 06 tháng đến 12 tháng theo mô hình chuẩn quốc tế và đảm bảo nguồn nhân lực, trang thiết bị theo các tiêu chuẩn để triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế quốc tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người nước ngoải, đảm bảo cho người dân được thụ hưởng các dịch vụ y tế chất lượng cao.
Nguồn: Sở Y tế Tp. Hồ Chí Minh