Nghệ An: Phát động tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017
Dự hội nghị triển khai và phát động tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017 có đồng chí Lê Minh Thông – Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh Nghệ An; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương trong tỉnh Nghệ An.
Toàn cảnh hội nghị
Báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nghệ An cho biết: trong thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được cấp ủy, chính quyền, các ngành quan tâm chỉ đạo sát sao và đạt được hiệu quả cao. Tuy nhiên, công tác này còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế; thực phẩm không an toàn còn xuất hiện nhiều trên thị trường. Trong năm 2016 và dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Nghệ An đã thành lập gần 1.440 đoàn thanh tra, tiến hành kiểm tra gần 29.340 cơ sở. Trong đó đã phát hiện trên 5.710 cơ sở vi phạm; xử lý vi phạm gần 2.730 cơ sở; phạt tiền 388 cơ sở với tổng số gần 764 triệu đồng. Trong năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã xảy ra 11 vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có 2 người tử vong.
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017 được tỉnh Nghệ An tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nói chung cũng như nhận thức của mọi người dân.Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017 do tỉnh Nghệ An phát động với chủ đề “Sản xuất kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu” sẽ được triển khai từ ngày 15/4/2017 đến 15/5/2017.
Phát biểu tại hội nghị đồng chí Lê Minh Thông – Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban thường trực liên ngành về ATTP tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: Đây là đợt cao điểm về bảo đảm an toàn thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức và hành vi của người dân, các cơ sở, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Đồng chí đề nghị các cấp, các ngành phải tập trung truyền thông để cảnh báo tác hại, ngăn chặn việc sử dụng hóa chất hoặc cồn công nghiệp trong sản xuất rượu, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả và tồn dư hóa chất, kháng sinh, ô nhiễm vi sinh vật trong thịt, thủy sản nuôi trồng. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Đồng thời phải đẩy mạnh công tác truyền thông tới người dân về đảm bảo an toàn thực phẩm cho chính bản thân gia đình và cộng đồng.
BAN BIÊN TẬP CTTĐT BỘ Y TẾ