Người bệnh hài lòng khi được điều trị theo mô hình chăm sóc toàn diện
Sau hơn 10 năm triển khai và đi vào hoạt động, Đề án 1816 chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên cho tuyến dưới đã thu đươc những thành quả to lớn. Một trong những lợi ích phải kể đến đó là mô hình chăm sóc người bệnh toàn diện theo đội.
Người dân ở tuyến dưới được thụ hưởng những kỹ thuật cao, những dịch vụ y tế chất lượng như tại tuyến trên.
Đây là một mô hình được chuyển giao từ các chuyên gia Thụy Điển và được BV Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh tiếp nhận và thực hiện duy trì nhiều năm nay, mô hình này đã mang lại hiệu quả cao trong điều trị chăm sóc người bệnh.
Chăm sóc theo đội tại TTYT Thuận Thành.
Chăm sóc người bệnh toàn diện theo đội là bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cùng được tham gia vào quá trình chăm sóc. Bệnh nhân được phát biểu ý kiến, được giải đáp thắc mắc, biết mình được khám, chữa bệnh ra sao, được làm các xét nghiệm gì, uống thuốc gì trong ngày v.v..
Với mong muốn mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, hàng năm BV Việt Nam Thụy Điển Uông Bí đón các đoàn công tác của các bệnh viện về tham quan, học tập. Hiện đã có trên 100 đoàn, khoảng 2.500 lượt cán bộ chủ chốt của các đơn vị y tế trong nước đến bệnh viện học tập mô hình.
Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh là một trong những đơn vị được Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí chuyển giao mô hình chăm sóc toàn diện này. Sau khi Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cử đoàn cán bộ khảo sát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, nhân lực và hướng dẫn Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành từng bước triển khai mô hình chăm sóc người bệnh theo đội. Đồng thời hỗ trợ Trung tâm xây dựng các quy trình, quy định liên quan. Đồng thời, thực hiện theo hình thức cầm tay chỉ việc theo dõi chăm sóc toàn diện người bệnh theo đội.
Chia sẻ về những lợi ích của mô hình chuyển giao này từ năm 2021, BSCKI. Nguyễn Văn Mạnh – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành cho biết về những cải tiến đáng kể tại Trung tâm khi được chuyển giao mô hình này: Người bệnh được theo dõi, chăm sóc liên tục. Điều dưỡng, hộ sinh có nhiều thời gian chăm sóc, tư vấn giáo dục sức khỏe cho bệnh nhân, nâng cao vai trò chủ động, tính chuyên nghiệp của điều dưỡng, hộ sinh, tạo lòng tin cho người bệnh. Tỉ lệ khảo sát sự hài lòng của người bệnh và người nhà người bệnh tăng dần.
Bệnh nhân Đào Thị Loan ở xã Nghĩa Đạo, Thuận Thành đang nằm tại khoa Nội Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành cho biết: “Sáng nào đội cũng đến tận giường bệnh hỏi han tình hình sức khoẻ, vết thương của tôi. Tôi và người nhà được nghe các bác sĩ, điều dưỡng giải thích các thắc mắc, lo lắng liên quan đến bệnh tật, biết được mỗi ngày sẽ được điều trị như thế nào nên rất yên tâm, hài lòng. Người bệnh và người nhà bệnh nhân có mối quan hệ gắn bó, thân thiện hơn với nhân viên y tế, chất lượng chăm sóc người bệnh được nâng cao, đem lại sự hài lòng cho người bệnh”.
Tương tự, tại Trung tâm y tế huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang cũng được chuyển giao mô hình này, qua đó, nhiều người bệnh được hưởng lợi từ mô hình chăm sóc đặc biệt ưu việt này. Đại diện lãnh đạo Trung tâm y tế Sơn Động cho biết, đối với một trung tâm y tế miền núi còn nhiều khó khăn và thiếu thốn như Sơn Động, việc được chuyển giao những hướng tiếp cận, chăm sóc người bệnh theo mô hình như của BV Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã giúp cho tuyến dưới rất nhiều và mang lại những lợi ích thiết thực nhất cho người bệnh.
Hiện nay, có nhiều trung tâm y tế các tỉnh đến tham quan học tập và nhận chuyển giao mô hình như BVĐK huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa, BVĐK huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Mô hình chăm sóc lấy người bệnh là trung tâm là một trong những giải pháp thiết yếu của chăm sóc chất lượng cao, hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Duy trì đi buồng bệnh hằng ngày là giải pháp quan trọng nhất để cải thiện thông tin giữa thầy thuốc với người bệnh và gia đình người bệnh góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh nội trú. Bởi người bệnh và gia đình luôn mong muốn thiết lập mối quan hệ tốt với thầy thuốc đồng thời muốn được tham gia nhiều hơn vào việc quyết định hoạt động chăm sóc và điều trị cho chính mình.
Chăm sóc bệnh nhân theo đội tại BV Việt Nam -Thụy điển Uông Bí
Ngoài ra, hoạt động đi buồng tại giường bệnh còn diễn ra khi bàn giao ra và vào ca làm việc và đi buồng trong mỗi ca trực. Khi đi buồng, thầy thuốc và điều dưỡng kết hợp việc hỏi thăm người bệnh, lắng nghe ý kiến người bệnh, chia sẻ thông tin về chẩn đoán, tiến triển bệnh và cùng người bệnh, gia đình trao đổi về kế hoạch điều trị và chăm sóc cho mỗi người bệnh, các thông tin về chi phí khám chữa bệnh, thời gian chờ khám, chờ mổ, chờ xét nghiệm, dự kiến kế hoạch ra viện… để người bệnh chủ động phối hợp với thầy thuốc.
Bên cạnh đó, hoạt động đi buồng hàng ngày còn là cơ hội để các y bác sĩ trẻ học hỏi, trau dồi thêm kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm làm việc. Đây được coi là giải pháp quan trọng nhất để cải thiện thông tin giữa thầy thuốc với người bệnh và gia đình người bệnh.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn