“Săn” muỗi cùng lực lượng y tế ở Tiền Giang
Ngành y tế tỉnh Tiền Giang kiểm tra muỗi, lăng quăng tại hộ ông Trương Văn Tín ở ấp Mỹ Tường B, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè. |
Trước tình đó, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang liên tục chỉ đạo ngành y tế các cấp quyết liệt khống chế, hạn chế đến mức thấp nhất số ca bệnh nặng và tử vong do bệnh sốt xuất huyết.
Trong những ngày theo chân nhân viên ngành y tế để “săn” muỗi, chúng tôi mới thấy hết những bất cập ở địa phương và sự cực nhọc của lực lượng y tế từ tỉnh đến cơ sở.
Ý thức phòng, chống bệnh chưa cao
6 giờ sáng, Sở Y tế Tiền Giang cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang chia nhiều đoàn “rải” về các địa phương đang có số ca nhiễm sốt xuất huyết tăng cao và diễn biến phức tạp để hỗ trợ nhanh chóng khống chế được loại bệnh nguy hiểm này.
Chúng tôi tháp tùng theo đoàn đến xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè, nơi có người lớn tuổi vừa tử vong do bệnh sốt xuất huyết.
Sau khi trao đổi ngắn gọn với Trung tâm Y tế huyện Cái Bè về khoanh vùng, dập dịch chung quanh nhà có ca vừa tử vong, bác sĩ Nguyễn Thanh Linh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, yêu cầu tất cả xuống ngay địa bàn xem xét thực tế.
Kiểm tra muỗi, loăng quăng ở xuồng có nước tại xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè. |
Luồn lách qua nhiều tuyến đường nông thôn, đi bộ hàng cây số, đoàn công tác đến nhà của người tử vong do sốt xuất huyết ở ấp Mỹ Tường B, xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè. Sau những lời chào hỏi, nói rõ mục đích, đoàn công tác nhanh chóng kiểm tra các vật dụng chứa nước trong và chung quanh nhà. Lực lượng y tế đã dùng đèn rọi vào các vật dụng chứa nước, phát hiện muỗi, loăng quăng còn khá nhiều trong các lu, thùng.
Vợ ông Đỗ Thanh Hùng, chủ căn nhà này giải thích: “Sau khi gia đình có người tử vong, địa phương có cử người đến phun xịt hóa chất và tuyên truyền phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Gia đình chúng tôi cũng đã súc, rửa các vật dụng chứa nước thường xuyên nhưng vẫn xuất hiện loăng quăng”.
Đoàn công tác nhận định, việc còn loăng quăng xuất hiện là do địa phương tuyên truyền chưa tốt, làm chưa đến nơi, đến chốn. Nếu chủ nhà ý thức được hậu quả của bệnh sốt xuất huyết thì nơi đây không còn loăng quăng. Trường hợp này, gia đình có làm nhưng chưa triệt để. Đoàn công tác yêu cầu phải đổ bỏ ngay các vật dụng có loăng quăng, muỗi ẩn nấp. Nếu chứa nước sinh hoạt hằng ngày, gia đình phải đậy kín.
Đoàn công tác tiếp tục tìm đến một ngôi nhà có chứa rất nhiều lu và hồ chứa nước. Rọi đèn vào vật dụng nào, đoàn công tác cũng đều thấy có rất nhiều loăng quăng trong nước. Nhiều ống bọng của các gốc cây, xuồng ghe có nước cũng đều chứa loăng quăng, muỗi.
Khi đoàn công tác mời vợ ông Thân Văn Trừ, chủ ngôi nhà nói trên ra xem, chủ nhà mới đi xúc một thau muối hột đổ vào các dụng cụ có chứa loăng quăng. Bà nói: “Tui tính làm mấy bữa nay rồi nhưng chưa có thời gian”.
Những hồ chứa nước ít sử dụng, có nhiều loăng quăng cũng được gia đình này súc rửa sạch sẽ…
Qua khảo sát 20 ngôi nhà chung quanh nhà có trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đoàn công tác ghi nhận: Nhà nào có vật dụng chứa nước đều có loăng quăng, có muỗi…
Cần diệt sạch loăng quăng
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang đã ghi nhận hơn 4.500 ca sốt xuất huyết, trong đó, có 4 trường hợp tử vong (2 ca là người lớn tuổi). Huyện Cái Bè được xem là điểm nóng khi số ca nhiễm liên tục tăng, toàn huyện này đã ghi nhận 1.213 ca, trong đó, có 2 trường hợp tử vong.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè Nguyễn Văn Hòa cho biết: “Chúng tôi huy động nhiều lực lượng tại địa phương cùng tham gia dập dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, tuy vậy, việc triển khai còn nhiều hạn chế; ý thức người dân trong phòng, chống dịch bệnh chưa cao. Ngay sau đợt kiểm tra thực tế này, xã sẽ quyết liệt hơn trong việc dập dịch trên diện rộng”.
Thực tế, huyện Cái Bè đã triển khai chiến dịch diệt loăng quăng đợt 2/2022, từ ngày 18 đến 21/7 trên tất cả 25 xã, thị trấn của huyện. Địa phương cũng đã huy động nhiều lực lượng cùng tham gia.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cái Bè Trần Duy Minh cho hay: “Khi triển khai, chúng tôi đã tuyên truyền cho lực lượng này không bỏ sót vật chứa nước, không bỏ sót nhà, không bỏ sót bất cứ dụng cụ nào. Mục đích phải đạt được là khi đoàn kiểm tra ra khỏi nhà thì môi trường nơi đó không còn loăng quăng. Công tác tuyên truyền diễn ra liên tục. Khu vực nào hệ thống phát thanh chưa đến thì phát loa lưu động. Tuy vậy, ý thức của một bộ phận chuyên trách phòng, chống dịch và người dân chưa cao, từ đó, muỗi, loăng quăng còn xuất hiện nhiều ở các hộ dân”.
Người dân xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè bỏ muối vào các ống bọng cây để diệt loăng quăng, muỗi. |
Ngành y tế tỉnh Tiền Giang xác định huyện Cái Bè đang ở mức báo động đỏ về số ca nhiễm sốt xuất huyết. Vì vậy, cả hệ thống chính trị của địa phương phải vào cuộc quyết liệt mới mong sớm khống chế được bệnh này.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Linh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, nhận định: “Chung quanh ổ dịch vừa đi kiểm tra, nhà dân rất thưa thớt mà loăng quăng, muỗi còn rất nhiều thì ở những khu vực đông dân cư sẽ nhiều hơn. Mặc dù lực lượng y tế ở địa phương đã nỗ lực mà người dân ý thức chưa cao thì khó khống chế nhanh chóng bệnh sốt xuất huyết. Năm nay, bệnh được dự báo sẽ kéo dài đến hết tháng 9, thậm chí dài hơn. Vì vậy, địa phương phải quyết liệt hơn nữa, có kế hoạch sát với thực tế ở từng khu vực, từng ổ dịch…”.
Ngành y tế tỉnh Tiền Giang cũng yêu cầu các địa phương trên địa bàn tỉnh phải tăng cường giám sát bệnh các tuyến, xử lý ổ dịch kịp thời, đúng quy định của Bộ Y tế; đẩy mạnh hơn nữa việc phối hợp các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng theo tinh thần “khi ra khỏi nhà, không còn loăng quăng”.
Cùng với đó, tăng cường truyền thông nhằm phát huy tính chủ động, tích cực của người dân trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết…
Nguồn: Báo Nhân dân