Tâm sự của cán bộ y tế cơ sở về chuyện ‘một người chăm cả nghìn dân’
Sau gần 2 tháng thực hiện Chỉ thị 18/CT-UBND của UBND TP HCM về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố tạm ổn định nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn biến phức tạp. Theo số liệu diễn biến dịch bệnh mỗi ngày cho thấy số ca mắc mới đang điều trị tại nhà và tại các cơ sở y tế đang có xu hướng tăng trở lại trong thời gian gần đây.
Làm việc liên tục, không có ngày nghỉ và thường xuyên làm việc ngoài giờ
Ghi nhận tại Phường 15, quận Tân Bình, nơi có khoảng hơn 65.000 dân đang sinh sống và là phường có số dân cao nhất quận Tân Bình. Hiện mỗi ngày trên địa bàn Phường 15 ghi nhận thêm khoảng 50- 60 ca dương tính với COVID-19 mới có nhưng ngày lên đến cả trăm ca và khoảng vài trăm ca F0 điều trị tại nhà.
Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Châu Quang Khải – Trạm trưởng Trạm y tế Phường 15, quận Tân Bình cho biết, hiện đơn vị có 8 người thì 1 người nghỉ chế độ thai sản, 1 người đang mang thai nên nhân sự hoạt động chính chỉ còn 6 người. Nếu tính trung bình thì mỗi nhân viên y tế tại Trạm y tế phường 15 hiện đang phải theo dõi chăm sóc y tế cho khoảng 10.000 người. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với tỉ lệ nhân viên y tế tuyến xã cả nước là 7,42 người/10.000 dân.
Giai đoạn cao điểm dịch tại TP HCM trước đây, Trạm y tế Phường 15 được tăng cường thêm 6 nhân viên y tế nhưng hiện đều đã được rút về để phân công đi các đơn vị khác. Theo bác sĩ Khải thì với số lượng nhân viên như hiện tại, các cán bộ y tế tại trạm phải làm việc liên tục, không có ngày nghỉ và thường xuyên làm việc ngoài giờ.
“Nhiều hôm chúng tôi phải làm việc đến 9 -10h đêm mới nghỉ, rồi hôm sau lại lên cơ quan từ sớm để chuẩn bị công việc trong ngày. Thực sự giờ ai cũng mệt mỏi nhưng do dịch còn chưa hết nên chúng tôi vẫn động viên nhau cố gắng để sớm có được cuộc sống bình thường”, bác sĩ Khải tâm sự.
Cũng theo bác sĩ Khải, với số lượng dân lớn như vậy, nguyên việc nhập liệu, kiểm kê danh sách tiêm vắc xin, danh sách F0 và chuẩn bị thuốc cũng như hỗ trợ các phương án điều trị cho F0 đã tốn rất nhiều thời gian.
Về phương án xử trí F0 bác sĩ Khải cho biết, đối với các ca nhiễm mới trên địa bàn sẽ ưu tiên cho các ca bệnh trong các khu xóm trọ mật độ dân số đông và những người có bệnh nền đi cách ly tập trung tại các cơ sở của TP.
Số còn lại, nhân viên y tế sẽ đến nhà lấy mẫu xét nghiệm F0 và những người liên quan. F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ được cho cách ly điều trị tại nhà nếu đáp ứng đủ điều kiện, cấp túi thuốc. Khi kết thúc thời gian cách ly, nhân viên y tế sẽ đến nhà lấy mẫu xét nghiệm lại và cấp giấy xác nhận.
Ngoài ra, để đảm bảo tốt công tác chăm sóc y tế cho người dân trên địa bàn, Trạm y tế Phường 15 đã phối hợp cùng với UBND phường 15 thành lập 12 tổ chăm sóc F0 tại 12 khu phố trên địa bàn.
Mỗi tổ sẽ gồm đại diện khu phố thường là tổ trưởng tổ dân phố, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, dân phòng, … và 1 nhân viên y tế của Trạm. Ngoài nhiệm vụ theo dõi, giúp đỡ các ca F0 trên địa bàn, tổ còn tổ chức tuyên truyền người dân tiêm chủng đầy đủ vắc xin, hướng đến tạo miễn dịch cộng đồng trên địa bàn.
Vai trò y tế cơ sở không thể thiếu nhưng…
Theo bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, thực tế công tác phòng chống dịch tại Thành phố trong đợt dịch vừa qua cho thấy vai trò của y tế cơ sở là không thể thiếu. Trong đó, Trạm y tế phường, xã, thị trấn đóng vai trò trọng tâm. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nhân lực, môi trường làm việc và chế độ cho lực lượng tuyến y tế cơ sở còn hạn chế.
Do đó, Sở Y tế đã có kiến nghị về việc bổ sung định mức biên chế, thay vì tối đa không quá 10 biên chế/trạm thì nâng lên tối đa không quá 20 biên chế/trạm.
Về cơ cấu chức danh nghề nghiệp của mỗi trạm y tế, Sở Y tế cũng đã đề xuất thay vì chỉ có 5 chức danh (bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, dược sĩ), cần bổ sung thêm các chức danh khác nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế cho hoạt động của trạm y tế như y sĩ đa khoa, y sĩ y học cổ truyền, kỹ thuật viên xét nghiệm, cử nhân y tế công cộng, cử nhân công nghệ thông tin.
Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, hiện Sở Y tế TP HCM đang triển khai bổ sung hàng loạt trạm y tế lưu động xuống hỗ trợ các phường, xã từ lực lượng của các bệnh viện công lập, bệnh viện tư nhân, phòng khám tư nhân, tiếp quản lực lượng quân y.
Theo thông tin công bố từ Bộ Y tế vào tối 24/11, TP HCM ghi nhận thêm 1.666 ca nhiễm mới trong ngày, tăng 462 ca so với hôm qua, nâng tổng số ca trong đợt dịch này lên hơn 460 nghìn ca. Các chuyên gia đánh giá nếu số ca nhiễm mới không trở nặng, không tử vong thì sẽ tạo miễn dịch cộng đồng, không phải là vấn đề đáng lo ngại.
Trước diễn biến dịch vẫn còn khó lường, Sở Y tế yêu cầu Thủ trưởng các cơ sở y tế kiên trì các biện pháp phòng chống dịch đã đề ra, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là và tập trung thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn