Thừa Thiên Huế: Số ca mắc giảm, lên kế hoạch tiêm vaccine liều bổ sung và nhắc lại
Tối 17/12, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh cho biết, kết quả đến 18h, test nhanh trong ngày phát hiện thêm 465 ca dương tính, trong đó có 140 ca khẳng định có mã bệnh của Bộ Y tế.
Trong 140 ca mắc COVID-19 mới này, phát hiện tại khu cách ly tập trung 6 ca, giám sát y tế tại nhà 2 ca, F1 đang thực hiện cách ly tại nhà 65 ca, tại cộng đồng 67 ca.
Sau nhiều ngày liền có số ca mắc trong ngày ở mức từ 200 – 300, số ca mắc được phát hiện trong ngày hôm nay ở Thừa Thiên Huế đã giảm. Đáng chú ý, TP Huế là địa phương suốt thời gian qua ghi nhận số ca mắc trong cộng đồng luôn ở mức cao nhất, thì hôm nay cũng đã giảm mạnh.
Tính đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 8.140 ca F0 gồm cả số bệnh nhân nơi khác chuyển đến BV TW Huế điều trị. Hiện đang điều trị 2.583 ca, đã được điều trị khỏi 5.546 ca. Có 11 ca tử vong, trong đó có 4 ca bệnh nặng từ các tỉnh khác chuyển đến; các trường hợp tử vong đều do già yếu, bệnh nền.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 liều bổ sung và liều nhắc lại
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành kế hoạch triển khai liều bổ sung và liều nhắc lại nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên tiêm đầy đủ liều cơ bản vaccine phòng COVID-19.
Theo kế hoạch, triển khai tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại vaccine phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên. Tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho các đối tượng ưu tiên đạt số lượng liều được phân bổ và tránh lãng phí. Bảo đảm tuân thủ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và an toàn tiêm chủng vaccine.
Theo đó, thời gian triển khai sẽ diễn ra từ tháng 12/2021 đến hết năm 2022 (căn cứ vào tiến độ cung ứng vắc xin của Bộ Y tế) với nguyên tắc triển khai tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Sử dụng đồng thời tất cả các loại vaccine đủ điều kiện theo sự phân bổ của Bộ Y tế để tăng cường miễn dịch phòng COVID-19 cho những người đã được tiêm đủ liều cơ bản. Huy động hệ thống chính trị tham gia kế hoạch tiêm chủng. Huy động tối đa các lực lượng bao gồm các cơ sở trong và ngoài ngành y tế, lực lượng công an, quân đội, các tổ chức chính trị xã hội, các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ triển khai tiêm chủng.
Đối với liều bổ sung, đối tượng người từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm trước cho người từ 50 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản (tiêm 1 hoặc 2 hoặc 3 mũi tùy theo loại vaccine) có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng…
Tiêm loại vaccine, cùng loại với liều cơ bản hoặc vaccine mRNA (Pfizer, Moderna). Khoảng cách, tiêm 1 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày nếu có đủ vaccine. Vaccine sử dụng để tiêm bổ sung và nhắc lại là vaccine đã được Bộ Y tế phê duyệt.
Đối với liều nhắc lại, đối tượng người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản hoặc liều bổ sung, ưu tiên nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch (người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, đội phản ứng nhanh, cán bộ tham gia tiêm chủng vaccine phòng COVID-19), người có bệnh nền, người cần được chăm sóc dài hạn tại các cơ sở y tế, người từ 50 tuổi trở lên, các nhân viên y tế khác.
Loại vaccine, nếu các mũi tiêm cơ bản hoặc bổ sung cùng loại vắc xin thì tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA (Pfizer, Moderna). Nếu trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA (Pfizer, Moderna).
Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại đó hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine vector virus (vaccine Astrazenenca). Khoảng cách tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản hoặc liều bổ sung. Liều lượng vaccine để tiêm bổ sung và nhắc lại theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép
Nguồn: Suckhoedoisong.vn