Thực hiện chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT tại Hà Tĩnh – người bệnh được lợi
đa khoa (BVĐK) huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) là đơn vị được tiếp nhận 4 xã giáp ranh đến KCB. Từ đầu năm đến nay đã có 65 lượt người tại 4 xã giáp ranh đến KCB, trong đó điều trị nội trú cho 17 bệnh nhân. Hầu hết các bệnh nhân tại các xã giáp ranh đến đây đều được bệnh viện đón tiếp, hướng dẫn nhiệt tình chu đáo, được hưởng chế độ bảo hiểm theo đúng quy định.
Bệnh nhân Đoàn Thị Sen, 70 tuổi, xã Sơn Long, huyện Hương Sơn đang điều trị tại BVĐK huyện Đức Thọ chia sẻ: “Tôi bị tai biến mạch máu não, được người nhà đưa đến đây điều trị kịp thời nên đã qua cơn nguy kịch. Trước đây, mỗi lần ốm đau phải đến Bệnh viện Hương Sơn điều trị thì mới được hưởng chế độ , nhưng lần này do bệnh nguy kịch nếu lên Hương Sơn thì có thể gặp nguy hiểm trên đường đi nên người nhà đưa đến bệnh viện Đức Thọ cho gần. Khi đến đây mới biết có quy định mới là được hưởng chế độ BHYT theo đúng quy định như ở bệnh viện Hương Sơn nên tôi rất vui, vì từ nay không phải đi xa chữa bệnh nữa”.
Còn bệnh nhân Đoàn Thị Thu Huế, 31 tuổi, xã Sơn Long, huyện Hương Sơn tâm sự: “Tôi bị viêm ruột thừa, nguyện vọng của gia đình muốn phẫu thuật nội soi, nhưng tại Bệnh viện Hương Sơn chưa làm được kỹ thuật này nên gia đình đưa đến điều trị tại BVĐK Đức Thọ. Trước đây, chúng tôi đến KCB tại đây thì phải chi trả BHYT vì trái tuyến, nhưng theo quy định mới, tôi vẫn được hưởng chế độ BHYT. Gia đình rất mừng vì được KCB tại nơi gần nhất, đỡ tốn kém”.
Người dân các xã giáp ranh đến KCB tại BVĐK Thành phố. Ảnh Thanh Loan.
Không những BVĐK Đức Thọ mà các bệnh viện khác cũng thực hiện chế độ BHYT cho bệnh nhân tại những xã giáp ranh theo đúng quy định. Bệnh nhân Lê Thị Lan, thôn Tân Phú, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà đến KCB tại BVĐK Thành phố vui mừng nói: “Tôi có thai được 3 tháng rồi, thường xuyên phải đi lại kiểm tra sức khỏe. Trước đây, phải đến BVĐK Lộc Hà khám, do đường khó đi, lại xa nên tôi rất ngại, nhưng theo quy định mới được đến BVĐK Thành phố khám chữa bệnh nhưng vẫn được hưởng chế độ BHYT theo đúng quy định, nên tôi thường xuyên đến đây để KCB”.
Việc thực hiện chuyển tuyến KCB BHYT giữa các vùng giáp ranh và theo tuyến chuyên môn kỹ thuật tại các cơ sở KCB đã thực sự đem lại thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, khi thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc tại Trạm Y tế. Y sĩ Nguyễn Hồng Khoa, Trưởng Trạm y tế xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà cho biết: “Theo hướng dẫn thì người bệnh có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại Trạm y tế thuộc các xã nằm ở địa bàn giáp ranh với các huyện khác trong tỉnh nếu có nhu cầu chuyển tuyến thì được chuyển người bệnh lên bệnh viện huyện liền kề đó hoặc bệnh viện huyện sở tại. Nhưng một số người bệnh đăng ký KCB ban đầu tại BVĐK Lộc Hà thấy hàng xóm được chuyển lên BVĐK Thành phố nên vẫn đến Trạm y tế xin chuyển lên BVĐK Thành phố. Những trường hợp như vậy chúng tôi đã hướng dẫn giảng giải cụ thể cho họ hiểu”.
Còn hầu hết các bệnh viện tuyến huyện thì cho rằng, người dân tại các xã giáp ranh chưa biết quy định mới của Sở Y tế về chế độ chuyển tuyến khám chữa bệnh BHYT theo tuyến chuyên môn kỹ thuật và giữa các địa bàn giáp ranh, đa số bệnh nhân khi đến bệnh viện điều trị thì mới được biết.
Bác sĩ Trương Hồng Lĩnh, giám đốc bệnh viện Lao và bệnh phổi chia sẻ: Theo Hướng dẫn của Sở Y tế, các mặt bệnh được chuyển vượt tuyến từ tuyến xã lên tuyến tỉnh và các bệnh viện chuyên khoa như: bệnh nhân ung thư đang điều trị hóa chất hoặc đã được chẩn đoán xác định; bệnh nhân chạy thận nhân tạo; bệnh nhân phẫu thuật sọ não, chấn thương sọ não; bệnh nhân có chỉ định thay khớp gối, khớp háng; truy cập danh mục kỹ thuật mà tuyến huyện sở tại không thực hiện được thì được chuyển vượt tuyến từ tuyến xã chuyển lên tuyến tỉnh. Các bệnh nhân được chẩn đoán lao hoặc theo dõi lao được chuyển vượt tuyến từ tuyến xã chuyên lên Bệnh viện Lao và bệnh phổi….. Tuy nhiên do một số trạm y tế chưa nắm rõ quy định nên chuyển bệnh nhân đi lòng vòng, gây khó khăn cho người bệnh.
Người dân các xã giáp ranh đến KCB tại BVĐK Thành phố. Ảnh Thanh Loan
Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nhân dân KCB, Sở Y tế đã tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn cho cán bộ y tế, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng để thực hiện có hiệu quả, bác sĩ Nguyễn Đại Chiến, Trưởng phòng nghiệp vụ y, Sở Y tế Hà Tĩnh cho rằng: “Các cơ sở y tế phải nâng cao chất lượng KCB, cung ứng các dịch vụ y tế an toàn, hiệu quả; đảm bảo quyền lợi của người dân khi đến KCB. Đồng thời các cấp chính quyền, các tổ chức, đoàn thể cần phải vào cuộc một cách tích cực, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để người dân hiểu, tránh thiệt thòi cho người bệnh. Sở y tế sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn cho các đối tượng y tế xã, thôn, sát cánh cùng với y tế cơ sở để nâng cao chất lượng KCB, đem lại sự hài lòng cho người bệnh”.