Tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi: Giải đáp mọi thắc mắc của phụ huynh
Trưởng Văn phòng tiêm chủng mở rộng phía Bắc thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đã có những chia sẻ với PV Báo Sức khoẻ & Đời sống để giải đáp những thắc mắc cuả phụ huynh về .
Nhiều bậc phụ huynh cho rằng trẻ em khi mắc COVID-19, kể cả các vấn đề về hậu COVID-19 cũng nhẹ nhàng hơn người lớn, vậy tại sao phải tiêm vaccine?
– TS Phạm Quang Thái: Gần đây khi tham gia vào hỗ trợ các gia đình có trẻ nhỏ là F0, xuất hiện 1 vấn đề là rất nhiều em bé có thời gian dương tính lâu, khác hẳn với người lớn, đặc biệt với người đã tiêm 3 mũi.
Rất ít F0 là người lớn dương tính trên 10 ngày, phần lớn mọi người triệu chứng nhẹ nhàng, khỏi nhanh. Nhưng trẻ em có nhiều bé sốt cao tới 39-40 độ C, khò khè, thậm chí có nhiều trẻ khó thở, SpO2 tụt, phải hỗ trợ hô hấp. Ngoài ra, thời gian đào thải virus ở các bé này cũng rất lâu. Có trẻ 14-15 ngày vẫn còn dương tính.
Vì sao lại như vậy? Đó là do cơ thể các bé chưa được tập dượt với một “giả tác nhân” như vaccine. Vì thế, khi nhiễm virus thật, cơ thể bé sẽ có những phản ứng như sốt, ho và tình trạng đào thải virus lâu. Đây cũng chính là nguồn cơn của việc lây nhiễm trong cộng đồng.
Có những gia đình giữ gìn rất kỹ càng cho người lớn, nhưng trẻ con sang nhà hàng xóm chơi lại bị lây nhiễm, mang virus về lây cho cả nhà.
Ngoài ra, sau một thời gian (có thể tới hàng tháng sau khi âm tính) trẻ lại có những dấu hiệu liên quan hậu COVID-19, như: Các vấn đề về hô hấp; cơ xương khớp; thần kinh; giảm khả năng nhớ, tập trung… Các tạp chí y khoa lớn trên thế giới như The Lancet, The Nature… đã có các bài báo chuyên sâu liên quan hậu quả của COVID-19 ở trẻ nhỏ.
Dù ở thời điểm hiện tại, chúng ta nhận thấy thường diễn biến nhẹ, không có nghĩa là giai đoạn sau trẻ sẽ an toàn. Chính vì lý do đó, lứa tuổi này vẫn phải tiêm phòng vaccine COVID-19.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) có khuyến cáo gì liên quan đến tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11?
– Dù chưa đưa ra khuyến cáo mạnh mẽ trên website nhưng các biên bản ghi nhớ trong các cuộc họp của các nhóm chuyên gia thuộc WHO, cũng như trong văn bản gần đây nhất được đăng tải trên trang của tổ chức này, nhóm chuyên gia nhấn mạnh việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi là hoàn toàn thích hợp tại thời điểm này, đặc biệt tại các quốc gia đã bao phủ vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên.
Trước đây WHO không khuyến cáo tiêm cho lứa tuổi 5-11 bởi vì bản thân người lớn, những người nguy cơ, người cao tuổi chưa được bao phủ vaccine. Nguồn lực vaccine rõ ràng cần được ưu tiên cho nhóm người này. Nhưng khi đã bao phủ được nhóm này, ở những quốc gia có điều kiện bao phủ tiếp được nhóm trẻ em thì việc tiêm vaccine hoàn toàn phù hợp.
Trẻ từ 5-11 tuổi là nhóm chưa dậy thì (trừ một số trường hợp dậy thì sớm), do đó, nhiều bậc phụ huynh quan tâm đến sự ảnh hưởng lâu dài của vaccine COVID-19 đối với chức năng sinh sản, nội tiết, di truyền?
– Chúng ta cần nhớ, virus có thể tích hợp vào hệ gene của người, bản thân trong quá trình virus nhiễm vào cơ thể, có quá trình tương tác với hệ thống gene của người. Điều này nguy hiểm hơn rất nhiều so với việc tiêm vaccine vào người bởi virus thật khi tấn công vào cơ thể sẽ để lại những tàn tích còn sót lại tại các cơ quan, các tế bào nhiễm virus. Điều này khiến hệ thống miễn dịch của con người tạo ra những cuộc tấn công không cần thiết đến những cơ quan đó dẫn đến việc tổn thương lâu dài về sau.
Với vaccine thì khác, kể cả các vaccine sản xuất theo công nghệ hay vector với cơ chế bắt chước virus đưa vào vật liệu di truyền của virus vào để sản xuất ra gai của con virus này, từ gai đó tạo ra miễn dịch.
Quá trình này xảy ra trong một thời gian ngắn với lượng vật liệu cố định (theo liều) do đó cơ thể không bị quá tải và sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các mRNA đó sẽ tự tiêu huỷ và hoàn toàn không tích hợp với hệ gene của người nên không để lại những di chứng dài.
Tất nhiên có một số quan điểm như hạt gai virus tạo ra từ vaccine có thể vẫn còn tồn tại trong cơ thể thêm một thời gian nhưng tồn tại của nó thấp hơn vô cùng nhiều so với việc nhiễm virus tự nhiên.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra những biểu hiện lâm sàng hay biến cố bất lợi liên quan vaccine thấp hơn nhiều so với nhiễm tự nhiên. Ví dụ như viêm cơ tim – mối lo của không chỉ trẻ em mà còn ở người lớn. Nhiễm virus gây nguy cơ viêm cơ tim cao gấp hàng ngàn lần so với tiêm vaccine.
Với tốc độ lây nhiễm khủng khiếp như hiện nay, mỗi ngày có tới hàng trăm ngàn ca được báo cáo, tôi nghĩ sau này sẽ có nhiều trường hợp viêm cơ tim, tổn thương các cơ quan đa phủ tạng do virus và số này cao hơn vô cùng nhiều các trường hợp đơn lẻ phản ứng do vaccine.
Vậy lý do gì để sợ hãi một sản phẩm vaccine như vậy trong khi chúng ta biết rằng nếu để nhiễm tự nhiên thì nguy hại hơn nhiều?
Việc với trẻ từ 5-11 tuổi (chỉ còn 0,2ml) có làm giảm hiệu quả của vaccine?
– Hệ miễn dịch của trẻ trong độ tuổi này dù non nớt nhưng khá nhạy cảm. Thực tế, trẻ trong độ tuổi này đã được tiêm nhiều loại vaccine như bạch cầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, sởi, rubella… Cơ thể của trẻ đã có một giai đoạn để rèn luyện với những tác nhân mới rồi. Với vaccine mới, nhà sản xuất nghiên cứu, thử nghiệm để đưa vào một lượng vừa đủ để cơ thể trẻ sinh ra miễn dịch, đồng thời không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ.
Thêm vào đó, với cân nặng của trẻ, nếu có hiện tượng lắng đọng miễn dịch như tôi đã nói trên đây, thì lắng đọng này cũng nhỏ và hầu như không ảnh hưởng. Đó là lý do vì sao khi thử nghiệm lâm sàng vaccine, vấn đề viêm cơ tim với trẻ 5-11 tuổi là rất hiếm, gần như không có nếu so sánh với nhóm người lớn, trẻ lớn.
Đúng là có người sẽ suy nghĩ tiêm liều thấp như thế liệu có khả năng phòng lây nhiễm hay không. Thực tế, tiêm vaccine sẽ giúp cơ thể có sự tập luyện, để nếu không may nhiễm virus thật cơ thể sẽ nhanh chóng đào thải virus.
Ví dụ một người chưa tiêm vaccine có thể tiếp tục đào thải virus tới 14 ngày vẫn chưa âm tính trở lại, nhưng nếu tiêm rồi trẻ có thể rút ngắn thời gian dương tính xuống còn 5-7 ngày hoặc tối đa 10 ngày.
Trẻ nhỏ đóng góp một phần lớn trong chuỗi lây truyền virus trong khi triệu chứng thoảng qua khiến mọi người không để ý. Nếu thời gian dương tính của trẻ ngắn, điều này có nghĩa là thời gian lây truyền ngắn lại. Thay vì 10 ngày trẻ có thể lây cho người khác thì khi được tiêm vaccine rồi thời kỳ lây truyền giảm còn 3-5 ngày.
Nếu trẻ được cách ly nghiêm túc trong khoảng 3-5 ngày sẽ không nguy hiểm cho cộng đồng bởi trẻ nhỏ rất hay tiếp xúc người già. Trong mô hình tiếp xúc ở Việt Nam, chúng tôi nhận thấy mô hình trẻ con – người già rất khăng khít, phổ biến. Nếu có vaccine, rõ ràng sẽ đỡ hơn trong việc rút ngắn thời kỳ lây truyền. Dịch sẽ không bùng phát mạnh mẽ.
Hiện có hàng chục quốc gia sử dụng vaccine Pfizer để tiêm cho hàng chục triệu trẻ từ 5-11 tuổi. Tỷ lệ phản ứng ở các quốc gia này ra sao?
– Theo ghi nhận thực tế từ các quốc gia đã triển khai, tỷ lệ phản ứng thông thường (như sốt, sưng đau tại chỗ) khi trẻ tiêm vaccine này rất thấp, chưa nói đến phản ứng nặng. Thậm chí các phản ứng này còn thấp hơn nhiều so với các vaccine thông thường mà chúng ta đang dùng trong và ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng (như cúm, sởi – quai bị – rublella).
Là vaccine mới, nhiều phụ huynh lo lắng và chưa thực sự yên tâm bởi vaccine này được sản xuất trong thời gian ngắn và được cấp phép khẩn cấp, ông nghĩ gì về điều này?
– Tôi chia sẻ với những lo lắng đó của các bậc phụ huynh, tâm lý này rất dễ hiểu. Nhưng tôi khẳng định những lo lắng đó không có cơ sở khoa học mà hoàn toàn là hiệu ứng “truyền miệng”.
Không thể nói vaccine Pfizer được nghiên cứu, sản xuất trong thời gian ngắn. Công nghệ mRNA mà vaccine này sử dụng đã được nghiên cứu nhiều năm trước đây. Điểm ưu việt của công nghệ này là nhà nghiên cứu, sản xuất, có thể đổi “lõi”, đặc hiệu cho virus SARS-CoV-2 trong thời điểm hiện tại từ đó sáng chế ra loại vaccine chống lại virus này.
Khác với các công nghệ truyền thống phải nuôi cấy rồi tiến hành bất hoạt… rất mất thời gian, công nghệ mới này có thể làm trong phòng thí nghiệm nên thời gian nghiên cứu, sản xuất nhanh hơn nhiều. Sản xuất vaccine này hoàn toàn không có “đốt cháy” giai đoạn mà đều được thử nghiệm lâm sàng rất kỹ càng, đảm bảo yếu tố khoa học.
Tỷ lệ và mức độ tái nhiễm COVID-19 giữa trẻ đã được tiêm và chưa được tiêm vaccine có khác nhau hay không?
– Phải khẳng định người đã được tiêm vaccine vẫn có thể tái nhiễm nhưng biểu hiện lâm sàng khi nhiễm, tái nhiễm hay các hậu quả để lại sau nhiễm virus cũng nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với nhóm không được bảo vệ bằng vaccine. Đó là giá trị bền vững của việc tiêm chủng phòng COVID-19 ngay cả với người lớn và trẻ em.
Vì những người có vaccine rồi (hoặc trước nhiễm hoặc sau nhiễm), miễn dịch sau đó rất mạnh mẽ, nhờ đó sẽ hạn chế tái nhiễm, hoặc nếu có tái nhiễm thì biểu hiện rất nhẹ nhàng.
Với những trẻ có những phản ứng thông thường hoặc nặng hơn trong những lần tiêm các loại vaccine khác thì có được tiêm vaccine COVID-19?
– Không có hạn chế về vấn đề tiêm vaccine, vì bản chất vaccine COVID-19 khác với các loại vaccine còn lại. Nếu trong trường hợp trẻ phản ứng với mũi tiêm vaccine COVID-19 của Pfizer lần 1, cán bộ y tế sẽ cân nhắc. Chúng ta cần xem xét phản ứng đó như thế nào, sưng đau tại chỗ tiêm hay phản vệ? Nếu phản ứng với loại vaccine khác, chúng ta sẽ căn cứ tình huống cụ thể nhưng về cơ bản, bản chất vaccine này khác với các vaccine đang dùng trong và ngoài chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tuy nhiên, về nguyên tắc, khi đã đến điểm tiêm, bố mẹ trẻ cần thông báo đầy đủ với thầy thuốc về tiền sử tiêm chủng của trẻ để thầy thuốc tư vấn, theo dõi.
Chúng tôi, gồm chuyên gia về nhi khoa, miễn dịch hay tiêm chủng, cũng không khuyến cáo test dị nguyên, test dị ứng trước tiêm vaccine COVID-19, cả với trẻ lớn, người lớn hay trẻ nhỏ.
Ông có khuyến cáo gì với các bậc phụ huynh trong việc tiêm phòng vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi?
– Những hướng dẫn hay khuyến cáo của các nhà chuyên môn từ tiêm vaccine, dự phòng lây nhiễm, điều trị bệnh… không có gì khác ngoài mong muốn đem lại sức khoẻ tốt nhất cho từng người dân, cộng đồng. Chúng tôi cũng là những ông bố bà mẹ có con trong độ tuổi phải tiêm vaccine, chúng tôi sẽ phải tìm phương án tốt nhất cho con em của mình. Tiêm vaccine là việc làm ý nghĩa, giúp giảm đi gánh nặng bệnh tật liên quan đến COVID-19 không chỉ trong giai đoạn hiện tại mà cả tương lai sau này.
Những gì các nhà chuyên môn như chúng tôi đang làm trong việc tiêm vaccine cho cộng đồng, cho trẻ nhỏ, đều dựa trên cơ sở nghiên cứu, kinh nghiệm triển khai của rất nhiều quốc gia, để làm sao hiệu quả mũi tiêm đạt mức tốt nhất và an toàn nhất, đảm bảo sức khoẻ của mỗi đứa trẻ và sức khoẻ cộng đồng chứ không phải cho riêng ngành Y tế. Vì thế, mỗi người dân hãy cân nhắc, lắng nghe theo luồng thông tin chính thống, để thấy việc tiêm vaccine chính là bảo vệ cho chính tương lai của con em chúng ta.
Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
Nguồn: Suckhoedoisong.vn