TP.HCM triển khai các giải pháp giám sát, ứng phó với dịch đậu mùa khỉ
Trước các khuyến cáo từ WHO và Bộ Y tế về bệnh đậu mùa khỉ, Sở Y tế TP.HCM đã lên kế hoạch kiểm soát dịch đậu mùa khỉ trên địa bàn, đặc biệt là tại các cửa khẩu, các cơ sở khám chữa bệnh.
Trong cuộc họp giao ban của Sở Y tế TP.HCM sáng 25/7, lãnh đạo sở và các bộ phận chuyên môn họp bàn phương án giám sát, chẩn đoán, sàng lọc, cách ly, điều trị khi phát hiện ca bệnh .
Sở Y tế TP.HCM cho biết trước mắt việc tăng cường kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu, tăng cường sàng lọc tại các cơ sở khám chữa bệnh và tăng cường truyền thông trong cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được xem là nhiệm vụ cấp bách trong công tác phòng, chống dịch của ngành y tế Thành phố trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời xây dựng kế hoạch ứng phó trình lên UBND TP.HCM.
Căn cứ vào các yêu cầu của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc và yêu cầu các cơ sở y tế đóng trên địa bàn Thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh đậu mùa khỉ tại các cửa khẩu, các cơ sở khám chữa bệnh và tăng cường truyền thông trong cộng đồng.
Công tác kiểm dịch y tế tại các cửa khẩu
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) triển khai giám sát người nhập cảnh qua đường hàng không, hàng hải để phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ bằng cách giám sát thân nhiệt người nhập cảnh; triệu chứng phát ban có bóng nước cấp tính của tất cả các người nhập cảnh. Nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ, kiểm dịch viên y tế sẽ thăm khám, khai thác thông tin hành chánh, lập phiếu .
Sau khi điều tra dịch tễ, nếu là trường hợp có thể (có triệu chứng lâm sàng và yếu tố dịch tễ): kiểm dịch viên y tế hướng dẫn người nhập cảnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM hoặc các bệnh viện đa khoa có để được kiểm tra, theo dõi.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) xây dựng nội dung truyền thông, hướng dẫn người nhập cảnh có các triệu chứng nghi ngờ hoặc yếu tố dịch tễ thông báo cho kiểm dịch viên y tế tại cửa khẩu để được hỗ trợ, tư vấn.
Công tác sàng lọc tại các cơ sở khám chữa bệnh
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu (Trung tâm y tế, Trạm y tế, phòng khám): tăng cường truyền thông cho người dân khi có triệu chứng nghi ngờ phải đến bệnh viện quận, huyện gần nhất để được tư vấn, khám sàng lọc và xét nghiệm chẩn đoán (nếu cần). Ở giai đoạn hiện nay, khi tiếp nhận trường hợp nghi ngờ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu hướng dẫn người bệnh đến bệnh viện quận, huyện gần nhất để được khám, xét nghiệm chẩn đoán.
Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa công lập, tư nhân (kể cả các bệnh viện bộ ngành đóng trên địa bàn Thành phố): Khi tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ phải tiến hành sàng lọc, phân luồng, hướng dẫn người bệnh di chuyển đến buồng khám sàng lọc (bệnh viện bố trí buồng khám dự phòng để khám sàng lọc, phân công nhân sự sẵn sàng khám sàng lọc khi có trường hợp nghi ngờ cần khám).
Nếu là trường hợp có thể, lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, Viện Pasteur TP.HCM để làm xét nghiệm chẩn đoán xác định. Trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm, hướng dẫn người bệnh (nếu đủ điều kiện và không có triệu chứng nặng) hoặc cách ly tại khu cách ly của bệnh viện.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới được phân công là bệnh viện tuyến cuối tiếp nhận các trường hợp có thể kèm triệu chứng nặng; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tập huấn về phát hiện, cách ly, chăm sóc người mắc bệnh đậu mùa khỉ cho các cơ sở y tế và các tổ chức sức khỏe dựa vào cộng đồng; các đồng đẳng viên của chương trình phòng, chống HIV/AIDS và các phòng khám khám, điều trị HIV/AIDS trên địa bàn Thành phố.
Công tác truyền thông trong cộng đồng
Sở Y tế huy động mạng lưới truyền thông giáo dục sức khỏe của ngành y tế; mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng (như cộng tác viên dân số, tình nguyện viên tham gia chương trình sức khỏe cộng đồng…) để truyền thông, tư vấn về phát hiện và phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ đến từng hộ dân trên địa bàn.
Ngoài ra, Sở Y tế sẽ huy động các tổ chức sức khỏe dựa vào cộng đồng; các đồng đẳng viên của chương trình phòng, chống HIV/AIDS và các phòng khám khám, điều trị HIV/AIDS tham gia truyền thông, tư vấn về phát hiện và phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ đối với nhóm người có quan hệ tình dục đồng giới nam. Các tổ chức này sẽ tham gia công tác truy vết khi có trường hợp dương tính với đậu mùa khỉ trên địa bàn Thành phố.
Sở Y tế đề nghị tất cả các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trên địa bàn TP.HCM triển khai thực hiện. Tất cả các đơn vị khi tiếp nhận các trường hợp có thể phải báo cáo về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố sẽ là bộ phận thường trực để giám sát, tổng hợp, báo cáo và tham mưu cho Sở Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn Thành phố. Sở Y tế sẽ liên tục cập nhật tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ trên địa bàn Thành phố bổ sung vào báo cáo hàng tuần cho Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Thành phố để kịp thời chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) sẽ điều tra trường hợp có tiếp xúc gần với người bệnh để lập danh sách, theo dõi giám sát theo quy định.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa phát hiện trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ và theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam vẫn được xếp vào nhóm 1 (chưa có trường hợp xác định bệnh đậu mùa khỉ). Tuy vậy, trong bối cảnh dịch có xu hướng gia tăng tại nhiều nước, bắt đầu xuất hiện ở một số quốc gia châu Á, việc đưa ra biện pháp phòng ngừa và chủ động kế hoạch ứng phó là điều cần thiết.
Đậu mùa khỉ ở người khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.
Hướng dẫn của Bộ Y tế cho biết có thể khác nhau tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh, nhưng tương tự như đậu mùa, các triệu chứng thường thấy là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.
Theo bác sĩ Nguyễn Đình Qui, Phó trưởng khoa – Điều hành khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ thường tự hết mà không cần điều trị.
Điều quan trọng là cần chăm sóc nốt ban bằng cách để chúng tự khô, hoặc băng lại bằng gạc ẩm để bảo vệ vùng bị tổn thương nếu cần thiết. Người bệnh cần được cách lý và các trường hợp nghiêm trọng phải nhập viện để điều trị.
Nguồn: SKĐS