TP.HCM vẫn nằm trong danh sách các tỉnh có tỷ lệ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ thấp nhất
Sở Y tế TP.HCM cho biết, nếu so sánh kết quả tiêm của ngày 10/8 với 7 ngày trước (3/8) thì tổng số mũi tiêm cho trẻ em trên địa bàn thành phố vẫn không đạt như mong đợi. Cụ thể là số mũi tiêm của ngày 10/8 là 14.269 mũi, chỉ đạt 76% so với ngày 3/8.
“Tình hình chưa thật sự cải thiện trong lúc Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới nêu tên trở lại trong danh sách các nước có số ca mắc cao nhất. Điều này thật sự đáng lo ngại”, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho hay.
Theo Sở Y tế TP.HCM, đa số các quận, huyện đều có số lượt tiêm giảm so với tuần trước, đặc biệt là Quận 11, Quận 1 có số lượt tiêm chưa đến 100 lượt/ngày, mặc dù Sở Y tế ghi nhận có một số quận, huyện đã có sự thay đổi đáng kể về số lượt tiêm trong tuần này như Hóc Môn, Tân Phú, Bình Tân, Tân Bình. Đặc biệt là huyện Hóc Môn đã có sự cải thiện rõ rệt về số lượt tiêm qua từng ngày.
Hiện nay, huyện Củ Chi có số lượt tiêm cao nhất trong ngày với 1.717 lượt, tiếp đến là Hóc Môn, Bình Chánh, TP Thủ Đức với số mũi tiêm lần lượt là 1.459, 1.270 và 1.252 mũi.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ em, ngày 11/8, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM đã trực tiếp đến kiểm tra công tác tiêm chủng cho trẻ em trên địa bàn quận Tân Phú. Theo đánh giá của đoàn kiểm tra tại điểm tiêm trường THCS Tôn Thất Tùng, điểm tổ chức tiêm được bố trí theo đúng quy trình một chiều, từ bàn tiếp đón, khám sàng lọc, tiêm và theo dõi sau tiêm.
Tại điểm tiêm cũng chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu, đội cấp cứu lưu động, xe cấp cứu. Trong quá trình tiêm, nhân viên y tế đã tư vấn cho phụ huynh học sinh loại vaccine sử dụng, liều lượng và hướng dẫn theo dõi sức khỏe, chế độ dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt những phản ứng bất thường về sức khỏe sau tiêm cần liên hệ với cán bộ y tế hoặc đến cơ sở khám chữa bệnh gần nhất để được xử lý kịp thời.
Điều đáng ghi nhận tại điểm tiêm của quận Tân Phú đó là quận Tân Phú đã triển khai 4 đội tiêm lưu động (3 bàn tiêm/đội) theo hình thức cuốn chiếu tại các trường học trên địa bàn và tiếp tục triển khai tổ chức tại 14 điểm tiêm cố định tại các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Đồng thời tổ chức các đội tiêm lưu động tại nhà để triển khai cho các đối tượng không thể di chuyển đến điểm tiêm.
Trước tình số lượt tiêm cho trẻ em chưa cải thiện rõ rệt theo yêu cầu, Sở Y tế TP.HCM đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo phải đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông cho phụ huynh, học sinh, vận động các bậc phụ huynh đưa con em tham gia tiêm vaccine để nâng cao miễn dịch cho trẻ em và cộng đồng, tiếp tục tăng số điểm tiêm tại các trường học.
Theo Sở Y tế TP.HCM, một giải pháp đặc biệt quan trọng và cần thiết đó là truyền thông đến từng phụ huynh về ý nghĩa quan trọng của tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em.
Sở Y tế đề nghị Sở Giáo dục và đào tạo đẩy mạnh triển khai và kiểm tra việc thực hiện nhắn tin về ý nghĩa và lợi ích của từ 5 đến dưới 18 tuổi đến từng phụ huynh học sinh, cả phụ huynh đã đồng thuận và chưa đồng thuận việc tiêm vaccine cho trẻ em.
Ngày 11/8, Bộ Y tế công bố 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp dưới 56% cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi là Đà Nẵng (40,2%); Quảng Nam (43,6%); Hà Tĩnh (48,4%); TP.HCM (49,2%) và Hà Nội (55,5%).
Nguồn: Suckhoedoisong.vn