TS.BS Nguyễn Thanh Xuân: Khó khăn không làm chùn chân thầy thuốc trẻ
Trẻ. Giàu nhiệt huyết. TS.BS Nguyễn Thanh Xuân, Phó Giám đốc BV Trung ương Huế đã được “thử lửa” quá nhiều “chiến dịch”.
Bác sĩ trẻ gắn liền với nhiều công trình khoa học giá trị
Sinh ra trong gia đình có truyền thống về ngành y nên ước mơ trở thành bác sĩ đã được hun đúc trong Bs. Nguyễn Thanh Xuân từ nhỏ.
Lớn lên chứng kiến những người thân xung quanh đau ốm, bệnh tật đã được các bác sĩ cứu chữa kịp thời, hình ảnh người thầy thuốc càng đẹp hơn trong anh, ước trở thành bác sĩ càng thôi thúc.
18 năm gắn bó với nghề y, trải qua rất nhiều vị trí và hiện tại là trên cương vị Phó Giám đốc BV Trung ương Huế – một trong những bệnh viện lớn nhất cả nước thì ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết với nghề vẫn cháy và không ngừng thôi thúc anh.
Ở cương vị nào TS.BS Nguyễn Thanh Xuân cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, vinh dự nhận được nhiều Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…
Anh là tác giả của nhiều giải thưởng y học, công trình nghiên cứu có giá trị, nhiều bài báo khoa học đăng trên các tạp chí y học quốc tế uy tín.
Tên của anh gắn liền với các kỹ thuật khó trong lĩnh vực phẫu thuật nội soi, ngoại tiêu hoá, trong đó có những kỹ thuật được thực hiện lần đầu tiên trên thế giới (phẫu thuật nội soi cắt ung thư đại tràng qua âm đạo) hoặc tại Việt Nam (phẫu thuật nội soi cắt ung thư trực tràng qua hậu môn, phẫu thuật nội soi hoàn toàn trong lòng đại trực tràng – TEM trong ung thư sớm, phẫu thuật nội soi lỗ nhỏ, giảm lỗ), các kỹ thuật xạ trị gia tốc hiện đại lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam…
Những ngày tháng không bao giờ quên
Đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 manh nha xuất hiện tại Việt Nam, cùng với Ban lãnh đạo BV Trung ương Huế, TS.BS Nguyễn Thanh Xuân đã chủ động cập nhật các kiến thức về dịch bệnh và tập huấn liên tục về công tác phòng chống, điều trị, chẩn đoán, chăm sóc, cách ly đối với dịch COVID-19 cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong bệnh viện. Tất cả sẵn sàng vào cuộc, đồng tâm hiệp lực, quyết tâm chống dịch.
Bên cạnh việc phối hợp với chính quyền địa phương triển khai các biện pháp để phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh COVID-19. Bệnh viện Trung ương Huế cũng thành lập các đội phản ứng nhanh luôn sẵn sàng tham gia chống dịch tại các tỉnh theo sự điều động của Bộ Y tế.
Hàng chục đoàn tình nguyện của BV Trung ương Huế đã lên đường hỗ trợ các điểm nóng dịch bệnh trên cả nước. Trong đó, BS Xuân luôn là người viết đơn tình nguyện tham gia đầu tiên.
Có thể kể tên một số địa phương đã điểm dấu chân anh như Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Trị… trong đó Bắc Giang và TP Hồ Chí Minh để lại cho anh nhiều dấu ấn sâu đậm nhất.
Ngày 31/5/2021, 18 thầy thuốc Bệnh viện Trung ương Huế do TS. BS Nguyễn Thanh Xuân làm trưởng đoàn đã lên đường đến tâm dịch Bắc Giang hỗ trợ chống dịch.
Tại đây đoàn y, bác sĩ BV Trung ương Huế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân cũng như chính quyền tỉnh Bắc Giang.
Đến cuối tháng 7/2021, với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 tại các tỉnh phía Nam, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Trung ương Huế thiết lập khẩn cấp Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại TP. Hồ Chí Minh (gọi tắt Trung tâm ICU TW Huế tại số 2 Trường Chinh, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM). Đây là một trong những bệnh viện tuyến cuối trong bậc thang điều trị người bệnh COVID-19 tại TP.Hồ Chí Minh.
Khi đó, vừa hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ chống dịch COVID-19 ở Bắc Giang trở về, nhận được nhiệm vụ của lãnh đạo bệnh viện, anh lại tiếp tục lên đường Nam chống dịch.
Ngày 02/8/2021, gác lại sau lưng bao bộn bề công việc và gia đình, anh lên đường thực hiện nhiệm vụ.
Chuyến bay VJ 30 xuất phát từ Huế đi TP. Hồ Chí Minh đưa đoàn bác sĩ BV Trung ương Huế do GS.TS Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện TW Huế cùng 05 chuyên gia giàu kinh nghiệm nhất về hồi sức tích cực trong đó có anh vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh nhận mặt bằng để chuẩn bị cho việc thành lập Trung tâm ICU TW Huế.
“Máy bay đáp xuống Tân Sơn Nhất, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên, TP. HCM vẫn đó nhưng không còn sự sôi động như thường có. Những con đường lớn không bóng người qua lại, chỉ có tiếng xe cứu thương hú còi liên tục. Giãn cách xã hội khiến mọi thứ tê liệt, sự kết nối các miền bị gián đoạn, thiếu thốn đủ thứ. Từng đến TP. Hồ Chí Minh rất nhiều lần, chưa bao giờ tôi chứng kiến cảnh tượng buồn, đau thương như vậy. Ai nấy tự hứa với bản thân, tất cả sẽ chiến đấu quên mình, phải quyết tâm đánh thắng trận chiến này”, BS Xuân nhớ lại.
Lúc mới nhận bàn giao, Trung tâm chỉ là bãi đất hoang với những khung sườn và các mái nhà cũ, thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, máy móc phương tiện, nhân lực…. Cùng với Ban lãnh đạo BV Trung ương Huế, BS Xuân nỗ lực tìm các nguồn hỗ trợ từ những thứ nhỏ nhất như khẩu trang, lọ nước sát khuẩn đến những thứ lớn hơn là các loại trang thiết bị, máy móc phục vụ điều trị người bệnh.
“Chúng tôi làm việc trên 200% công suất, quên cả giờ ăn, giờ ngủ. Ai cũng mong chờ ngày trung tâm đi vào hoạt động để góp sức, cố gắng giữ lấy bệnh nhân, giữ lấy từng hơi thở dẫu mong manh sinh – tử” BS Xuân chia sẻ.
Sau 15 ngày với sự nỗ lực của các y bác sĩ BV Trung ương Huế cùng với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, chính quyền TP. Hồ Chí Minh và các mạnh thường quân, Trung tâm ICU TW Huế quy mô 500 giường tại TP. Hồ Chí Minh đi vào hoạt động.
Từ ngày bắt đầu thiết lập Trung tâm ICU, TS.BS Nguyễn Thanh Xuân là người trực tiếp giám sát công tác xây dựng, rồi trực tiếp chỉ huy điều hành Trung tâm, cho đến ngày 15/12/2021, khi Trung tâm ICU TW Huế được chuyển giao cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM, BS Xuân mới quay về Huế với công việc chuyên môn thường ngày, sau khi trọn vẹn nhiệm vụ và ân tình với người dân thành phố.
Những ngày tham gia hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh chống dịch, bên cạnh việc trực tiếp tham gia điều trị người bệnh COVID-19, TS. BS Nguyễn Thanh Xuân vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ thêm các trang thiết bị, nhu yếu phẩm… cho Trung tâm. Đồng thời luôn ở bên sát cánh ủng hộ, động viên tinh thần anh em để họ yên tâm công tác.
Thời điểm đó TP. Hồ Chí Minh khó khăn, bệnh nhân nặng rất nhiều, lại làm việc trong Trung tâm hồi sức tích cực – nơi vất vả nhất cũng như nguy hiểm nhất. Không những phải chiến đấu để bảo vệ tính mạng người bệnh mà các nhân viên y tế còn phải đảm bảo an toàn cho bản thân để không bị lây nhiễm.
Áp lực công việc cộng với sự nguy hiểm của dịch bệnh khi chứng kiến lượng bệnh nhân tử vong lớn cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tinh thần của thầy thuốc.
Trong hoàn cảnh đó, để tạo sự tin tưởng và động lực cho các anh em, BS Xuân luôn là người đi đầu thực hiện những nhiệm vụ khó khăn nhất.
Với mỗi ca bệnh phức tạp, anh cùng ngồi lại với mọi người để tìm phác đồ điều trị hiệu quả nhất. Tin tưởng giao việc cho lớp bác sĩ trẻ, có chế độ đãi ngộ công bằng, tăng lương, tăng thưởng, tặng quà, khen ngợi để động viên kịp thời….
Sau bữa cơm, sau giờ đổi ca anh thường tổ chức văn nghệ để giúp đồng nghiệp giải tỏa bớt căng thẳng, áp lực trong công việc. Đồng thời chủ động hỏi han, lắng nghe tâm sự của từng người giúp họ tháo gỡ những khó khắn, khúc mắc; tôn trọng cuộc sống riêng, sắp xếp thời gian linh hoạt để anh em được nghỉ ngơi tái tạo sức lao động… Từ đó tạo được sự gắn kết giữa mọi người, ai ai cũng nỗ lực hết mình cho công việc.
Những ngày tháng không quên đó, đã có 395 cán bộ nhân viên Bệnh viện Trung ương Huế được điều động hỗ trợ chống dịch tại TP HCM.
Họ là những y, bác sĩ, kỹ thuật viên có trình độ chuyên môn tốt, giàu kinh nghiệm và tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ. Với phương châm “Lương y như từ mẫu”, “Giỏi y thuật, sáng y đức”, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế sẵn sàng quên mình, vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực cùng TP. Hồ Chí Minh chống dịch.
Tại Trung tâm Hồi sức người bệnh COVID-19 BV Trung ương Huế, tất cả nhân viên y tế đều coi bệnh nhân như người thân của mình, tận tâm, tận lực chăm sóc, cứu chữa. Cho đến ngày bàn giao lại cho TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm đã điều trị khỏi cho 1.298 bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch; không có nhân viên y tế nào mắc COVID-19.
Nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch ở một ngày không xa
“Trải qua những tháng ngày chống dịch cam go, những hình ảnh đau thương của “cuộc chiến không tiếng súng” có lẽ cả cuộc này tôi sẽ không bao giờ quên được. Những bệnh nhân nằm thoi thóp, giành giật từng phút giây để được sống. Những nỗi đau xé tận tâm can khi nghe tiếng khóc la đòi mẹ của những đứa trẻ non nớt, nỗi đau của người mẹ già khi biết tin con không còn nữa, hay những người con không bao giờ được nhìn thấy cha mẹ mình trên cõi đời…. Có chứng kiến những giây phút này mới thấy dịch bệnh nguy hiểm và khốc liệt đến chừng nào. Khi đó, chúng tôi ai nấy cũng đều tự hứa với bản thân rằng phải nỗ lực nhiều hơn, cố gắng nhiều hơn để cứu sống được nhiều bệnh nhân hơn nữa.
Nụ cười hạnh phúc của bệnh nhân trong phút giây được đoàn tụ với gia đình, giọt nước mắt vì sung sướng của các đồng nghiệp khi cứu sống thai phụ nhiễm COVID-19 và đón em bé được chào đời khỏe mạnh… Tất cả khoảnh khắc đó đã tiếp thêm cho chúng tôi động lực để tiếp tục cống hiến, tiếp tục chiến đấu.
“Một chặng đường đã qua, những tháng ngày sắp tới chúng tôi những người bác sĩ trẻ vẫn sẽ luôn nỗ lực công hiến hết mình bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, hy vọng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn, chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch ở một ngày không xa”.
Quay trở về quê nhà Thừa Thiên Huế, TS. BS Nguyễn Thanh Xuân tiếp tục hành trình chống dịch với nhiệm vụ mới Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Điều trị COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế.
COVID không thể thắng được chúng ta!. TS.BS Nguyễn Thanh Xuân cùng đội ngũ thầy thuốc BV Trung ương Huế tiếp tục công việc thầm lặng chữa bệnh, cứu người. Những năm tháng không quên trong dịch COVID-19 vừa qua, là kinh nghiệm và kỷ niệm để thầy thuốc vượt qua khó khăn trên các chặng đường sắp tới.
Nguồn: SKĐS