‘Vắt chân’ chạy để giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19 nguy kịch
Luôn có khoảng 200 bệnh nhân COVID-19 với 40 bệnh nhân nguy kịch phải thở máy, ECMO tại Bệnh viện Điều trị người bệnh COVID-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội…
Ngày 15/9/2021, thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 đầu tiên. Đến nay, cơ sở này đã tiếp nhận và điều trị thành công hàng trăm bệnh nhân. Trong 1 tháng gần đây, F0 ở Hà Nội và miền Bắc ngày càng nhiều, kéo theo lượng ca nặng cần chuyển tuyến tăng lên.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải – Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết mỗi ngày có khoảng 20-30 bệnh nhân nặng nhập viện, được chuyển đến chủ yếu từ Hà Nội, Bắc Ninh… Hầu hết họ là người nhiều tuổi, có người 80-100 tuổi.
Trong khoảng 160 bệnh nhân đang điều trị tại đây chiều 7/1, có 40 ca nguy kịch phải thở máy, 50 bệnh nhân nặng thở oxy kính, mask túi, HFNC. Hiện có khoảng 130 thầy thuốc, tình nguyện viên đang có mặt tại cơ sở điều trị này. Trong đó có 65 nhân viên y tế, tình nguyện viên của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; 24 bác sĩ từ Hà Giang và 35 bác sĩ điều dưỡng từ Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) tới học tập, hỗ trợ chăm sóc, điều trị.
Chiều 7/1, một cụ ông 83 tuổi chuyển đến từ Bắc Ninh diễn biến nặng. Ông mới tiêm 1 mũi vaccine, đã thở máy dài ngày. Bác sĩ Vũ Đình Hùng, người có 2 tháng kinh qua “mặt trận” Bình Dương điều trị , chỉ định mở khí quản cho bệnh nhân này. Nếu không, bệnh nhân khó được chăm sóc thở máy, khó hút đờm, tăng thông khí khoảng chết, thiểu dưỡng vùng bóng cuff dẫn đến biến chứng sẹo hẹp khí quản về sau…
Do điều kiện nhân lực có hạn, nếu các cơ sở ICU khác phân chia “3 ca 4 kíp” thì cơ sở này của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia thành “2 ca, 3 kíp”, nghĩa là một ca sẽ phải đảm nhiệm 12 giờ đồng hồ, thay vì khoảng 8-9 tiếng như trung tâm khác.
Theo tiêu chuẩn, một bệnh nhân thở máy cần 2 điều dưỡng, 1 hộ lý và 1 bác sĩ. Với F0 phải chạy tim phổi nhân tạo (ECMO) cần số lượng thầy thuốc lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên, ở đây, một điều dưỡng trong ca trực 6 tiếng liên tục của mình phải đảm nhiệm khoảng 2-3 bệnh nhân thở máy, chưa kể bệnh nhân khác.
Các bác sĩ làm hành chính từ 7h sáng tới 5h chiều. Ngoài ra, một tuần, mỗi bác sĩ có từ 2-3 lần trực ca tối tới sáng hôm sau. Như bác sĩ Hùng, ngoài phụ trách 40 ca nặng ở khu R13 và R14, trong ca trực đêm sẽ đảm trách toàn bộ bệnh nhân trong viện.
Các điều dưỡng sẽ phân công theo ca, kíp. Một ngày có 2 ca (12 giờ/ca). Một tour trực ở R14 có 9 điều dưỡng cho 20 giường bệnh ICU luôn kín chỗ. Thường các điều dưỡng sẽ chia thành 2 ca nhỏ (6 tiếng/ca nhỏ) và mặc đồ bảo hộ liên tục, nhưng điều đó khiến lượng bệnh nhân mà một điều dưỡng cần chăm sóc sẽ nhiều hơn.
Với trung bình 200 bệnh nhân điều trị mỗi ngày, bệnh viện xác định đây là giai đoạn 2. Trong tình huống xấu khi lượng bệnh nhân nặng tăng nhanh, viện chuyển sang giai đoạn 3 với công suất tối đa là 500-700 giường ICU. Nhân lực cho giai đoạn này cần huy động tới 1.500 thầy thuốc, tình nguyện viên sẽ được điều phối từ Trường Đại học Y Hà Nội, các thầy thuốc từ bệnh viện của TP Hà Nội và các tỉnh miền Bắc.
Không chỉ trong dịp Tết mà với các ngày bình thường, nhân viên được giám sát và tự đánh giá nguy cơ phơi nhiễm để quyết định có được về nhà hay không. Theo PGS Hải, với nhân viên ở Hà Nội hoàn toàn có thể đi làm theo ca kíp và về nhà theo lộ trình “một cung đường hai điểm đến (nhà và viện)”.
Về kế hoạch Tết, Bệnh viện đã thảo luận và lên kế hoạch triển khai một số hoạt động động viên các thầy thuốc có thêm tinh thần làm việc như ngày 20, 21 Tháng Chạp sẽ tổ chức gói bánh chưng và một số hoạt động khác mang tính chất truyền thống…
Nguồn: Suckhoedoisong.vn